Xây dựng mạng lưới quan trắc cao không tiên tiến, hiện đại và đồng bộ

Thanh Tùng| 27/09/2022 06:58

(TN&MT) - Trong công tác dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nói chung và dông sét nói riêng, dữ liệu cao không đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu. Do đó, xây dựng mạng lưới khí tượng cao không sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ giúp dự báo chính xác hiện tượng dông, sét là mục tiêu quan trọng của Ngành KTTV nước ta. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Thư (ảnh) - Giám đốc Đài Khí tượng cao không, Tổng cục KTTV để làm rõ hơn vấn đề này.

PV: Thời gian qua, đã có rất nhiều các vụ việc sét đánh làm chết và bị thương nhiều người dân. Xin ông cho biết về loại hình thiên tai phổ biến này ở nước ta và một số kết quả nổi bật trong dự báo, cảnh báo hiện tượng dông, sét của Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Vinh Thư:

Như đã biết, Việt Nam nằm ở 1 trong 3 khu vực tập trung nhiều dông sét nhất của thế giới, thời gian dông sét hoạt động mạnh từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, trong đó, tập trung chủ yếu vào các tháng mùa hè và thời gian giao mùa. Nếu tính trung bình, số ngày có dông có thể đến 100 ngày/năm với số giờ dông vào khoảng 2500 giờ/năm. Hằng năm, dông sét gây nên nhiều thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Việc cảnh báo, dự báo chính xác dông, sét vẫn là một thách thức lớn không chỉ riêng với các nhà khoa học ở Việt Nam mà cả trên thế giới vì thực tế, diễn biến của dông sét là rất nhanh. Hiện nay, Tổng cục KTTV đã bước đầu nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao kết hợp các nguồn số liệu có độ phân giải thời gian và không gian trên tầng cao như: Vệ tinh, ra-đa thời tiết và định vị sét. Kết quả từ nguồn số liệu quan trắc trên cao đã và đang đóng vai trò tích cực, hỗ trợ dự báo, cảnh báo sét trước từ 30 phút đến 1 tiếng.

anh-1.1.jpg
Nguyễn Vinh Thư (ảnh) - Giám đốc Đài Khí tượng cao không, Tổng cục KTTV

Từ tháng 6/2021, Đài Khí tượng cao không đã nghiên cứu phát triển sản phẩm cảnh báo dông sét hoàn toàn tự động với tần suất 10 phút trên cơ sở các nguồn số liệu vệ tinh, ra-đa thời tiết và hệ thống định vị sét. Những thông tin này hiện nay được công bố liên tục trên trang website có địa chỉ: http://amo.gov.vn/. Tại địa chỉ này, công chúng có thể theo dõi được các thông tin cảnh báo về dông sét đến từng địa phương cũng như các biểu đồ tính toán thống kê về phân bố mật độ sét, phân loại sét tại các thời điểm khác nhau. Nguồn thông tin này rất hữu ích trong công tác giám sát, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam hiện nay.

PV: Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc cao không được cho là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả cảnh báo thời tiết nguy hiểm như dông, sét. Hiện trạng mạng lưới quan trắc cao không phục vụ công tác dự báo này hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Thư:

Quan trắc cao không ở nước ta đã có bề dày phát triển hơn 50 năm, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trước thập niên 90, mạng lưới quan trắc cao không chỉ bao gồm 3 hạng mục cơ bản (thám không vô tuyến, đo gió trên cao và ra-đa thời tiết). Đến nay, mạng lưới quan trắc cao không đã được mở rộng với 6 hạng mục khác nhau gồm: Ra-đa thời tiết; định vị sét; thám không vô tuyến; ô-dôn và bức xạ cực tím; đo gió trên cao bằng kinh vĩ quang học và hệ thống thu và xử lý ảnh mây vệ tinh khí tượng. Nhìn chung, các thiết bị quan trắc trên mạng lưới khí tượng cao không hiện nay đều sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ.

Trong công tác dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nói chung và dông sét nói riêng, dữ liệu cao không luôn đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu, trong đó đặc biệt là dữ liệu ra-đa thời tiết. Hiện nay, mạng lưới ra-đa thời tiết có 10 trạm cố định bao gồm: 10 trạm ra-đa tại Quy Nhơn, Pleiku, Pha Đin, Nha Trang, Việt Trì, Phù Liễn, Vinh; Đông Hà, Tam Kỳ và Nhà Bè. Bên cạnh đó là 2 trạm ra đa di động được lắp đặt tại Hòa Bình và Thanh Hóa. Về cơ bản, mạng lưới   ra-đa đã bao phủ toàn bộ lãnh thổ trên đất liền Việt Nam (trừ một số khu vực do bị che khuất hoặc mật độ trạm chưa đủ dày). Số liệu ra-đa thời tiết đã đóng góp tích cực trong việc nâng cao độ chính xác và chi tiết hóa trong các bản tin cảnh báo thời tiết trên đất liền cũng như vùng biển ven bờ, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (dông, lốc, sét,...).

anh-2.jpg
Trạm ra-đa thời tiết Phù Liễn, Hải Phòng

Bên cạnh ra-đa, mạng lưới 18 trạm định vị sét cũng đã được lắp đặt trải dài trên cả nước. Số liệu sét được sử dụng hữu ích trong công tác phân tích thông tin thời tiết, đặc biệt trong việc phối hợp với số liệu ra-đa thời tiết để xác định chính xác các ổ dông, phục vụ cho việc cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngoài ra, số liệu sét nhận được hiện nay đã và đang hỗ trợ rất lớn cho nghiệp vụ giám sát và cảnh báo dông sét có khả năng xảy ra trên tất cả các khu vực, tỉnh/thành toàn quốc cũng như góp phần giảm nguy cơ, thiệt hại do sét gây ra đối với các ngành nghề khác.

Hiện tại, Tổng cục KTTV đang quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thu và xử lý ảnh mây vệ tinh địa tĩnh của Nhật Bản, hệ thống này hoạt động ổn định và cung cấp nguồn số liệu liên tục 10 phút trên 16 kênh với độ phân giải cao phục vụ tốt công tác phân tích, cảnh báo và dự báo KTTV. Năm 2020, thông qua Dự án nghiên cứu khoa học, Tổng cục KTTV cũng đã được đầu tư thêm 1 hệ thống thu và xử lý vệ tinh quỹ đạo cực với độ phân giải cao. Số liệu từ 2 hệ thống thu và xử lý ảnh mây vệ tinh trên được tích hợp với số liệu ra-đa thời tiết, định vị sét, thám không vô tuyến tạo thành những sản phẩm rất hữu ích, phục vụ hiệu quả nghiệp vụ dự báo KTTV, là đầu vào quan trọng các mô hình dự báo KTTV và khí hậu.

Ông Nguyễn Vinh Thư cho biết: Quy hoạch mạng lưới khí tượng cao không tầm nhìn đến năm 2030, sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới này cả về quy mô, số lượng và chất lượng nhằm phục vụ đắc lực hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo KTTV và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng yêu cầu về thông tin KTTV ngày càng cao của xã hội.

PV: Thưa ông, để tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới quan trắc cao không, nâng cao khả năng cảnh báo dông sét, chúng ta đang triển khai các giải pháp gì?

Ông Nguyễn Vinh Thư:

Để tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới KTTV nói chung và mạng lưới quan trắc cao không nói riêng nhằm nâng cao khả năng cảnh báo dông sét và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, Đài Khí tượng cao không đang tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực để làm chủ hoàn toàn các công nghệ quan trắc mới, đồng thời, phát triển công nghệ, sản phẩm ứng dụng và phân tích thông tin khí tượng cao không phục vụ phòng chống thiên tai, trong đó có công tác dự báo, cảnh báo dông sét.

Yêu cầu đặt ra là đảm bảo thiết bị trên toàn mạng lưới hoạt động ổn định, liên tục với thông số kỹ thuật chính xác nhằm mục tiêu đạt được chất lượng dữ liệu tốt nhất thông qua việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ và đột xuất. Tăng cường công tác quản lý, hiệu chỉnh chất lượng dữ liệu, đặc biệt là đối với dữ liệu ra-đa thời tiết, định vị sét và vệ tinh khí tượng nhằm đảm bảo chất lượng dữ liệu tốt nhất, kịp thời nhất. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan trong việc quản lý kỹ thuật, khai thác, xử lý và ứng dụng các nguồn dữ liệu ra-đa thời tiết, vệ tinh khí tượng phục vụ dự báo KTTV nói chung và dự báo, cảnh báo dông, sét nói riêng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mạng lưới quan trắc cao không tiên tiến, hiện đại và đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO