Xây dựng kinh tế biển xanh – trọng điểm cho phát triển bền vững biển Quảng Ngãi

Lan Anh- Võ Hà| 19/11/2020 12:07

(TN&MT) - Rà soát, chọn lọc và ưu tiên các ngành kinh tế biển bền vững được coi là trọng tâm phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX. Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi về chiến lược phát triển kinh tế biển xanh của địa phương.

Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi về chiến lược phát triển kinh tế biển xanh của địa phương.

Phóng viên: Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020” đã tạo những những chuyển biến như thế nào trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển, đảo của địa phương thưa ông?

Ông Đỗ Minh Hải: Để phát triển kinh tế biển, đảo theo hướng toàn diện, bền vững, phát huy có hiệu quả, hợp lý mọi tiềm năng lợi thế từ biển, đảo, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về“Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020”.

Nghị quyết gồm những nội dung chính như: Xây dựng Khu kinh tế Dung Quất thành trung tâm công nghiệp ven biển khu vực miền Trung; Xây dựng Lý Sơn thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh; Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, dịch vụ biển; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; Phát triển văn hóa, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy, Đảng ủy Sở TN&MT Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 59-KH/ĐUS ngày 29/12/2016 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển, đảo của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực tài nguyên bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cụ thể, địa phương đã thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh; giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng; hoàn thành điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đảo; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu IIMS và GIS tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, công tác tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển, ven biển được chú trọng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và chủ động phòng ngừa, xử lý sự cố tràn dầu, nhất là tràn dầu trên biển….

Tỉnh Quảng Ngãi xác định phát triển kinh tế biển là kinh tế mũi nhọn 

Phóng viên: Từ khi Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thành lập đã mang lại hiệu quả thế nào trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân? 

Ông Đỗ Minh Hải: Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thành lập theo Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi với tổng diện tích 7.925 ha. Từ khi, khu bảo tồn biển Lý Sơn đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển. Theo phản ánh của người dân trong khu vực thì các loại tài nguyên biển, đa dạng sinh học bước đầu được phục hồi, nguồn lợi thủy sản sinh sôi nảy nở, môi trường biển được kiểm soát tốt hơn, phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái bền vững. Khách du lịch tham quan ngày càng tăng, cũng tạo sinh kế bền vững, ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân được nâng lên.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn do chưa có chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng khi thực hiện Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ và hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân để tạo được sinh kế bền vững cho người dân.

Từ khi Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thành lập góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân

Phóng viên: Sự có mặt của nhiều dự án công nghiệp lớn là cơ hội để Quảng Ngãi hiện thực hóa chiến lược xây dựng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất thành trung tâm công nghiệp của cả nước. Vậy thách thức lớn nhất đối với địa phương trong công tác bảo vệ môi trường ven biển quanh các dự án công nghiệp lớn là gì? 

Ông Đỗ Minh Hải: Tác động đến môi trường biển không chỉ riêng hoạt động của các dự án trong Khu kinh tế Dung Quất mà còn từ nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, du lịch, nuôi trồng thủy sản… Việc tác động đến môi trường biển của KKT Dung Quất chủ yếu là từ các dự án lớn.

Với chức năng của mình, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra hoạt động tại các dự án này, đảm bảo thực hiện đúng nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc cấp phép xả thải vào nguồn nước và cấp phép nhận chìm ở biển thực hiện theo quy định của pháp luật; nước thải từ các nguồn được giám sát chặt chẽ, theo dõi qua hệ thống quan trắc tự động tại nhà máy và đấu nối dữ liệu về Sở nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra.

Nhìn chung công tác bảo vệ môi trường từ hoạt động của các dự án lớn trong KKT Dung Quất đã được kiểm soát tốt. Đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã tổ chức kiểm tra, xử lý, đồng thời yêu cầu khắc phục và thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển tại KKT Dung Quất, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tham mưu chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiên quyết không tham mưu cấp phép đầu tư các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Sở tập trung rà soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để tập trung quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước.

Người dân Quảng Ngãi thu gom rác thải bảo vệ môi trường biển

Phóng viên: Thời gian tới, ngành TN&MT Quảng Ngãi sẽ triển khai những giải pháp tổng thể và căn cơ gì để phát triển kinh tế biển một cách bền vững?

Ông Đỗ Minh Hải: Việc phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, điều này mang tính chiến lược và lâu dài.

Trong thời gian tới ngành TN&MT Quảng Ngãi sẽ triển khai những giải pháp để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đó là:

Một là, rà soát, chọn lọc ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển bền vững được coi là trung tâm phát triển, mũi nhọn đột phá phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Hai là, quy hoạch lại các ngành kinh tế biển phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hoà các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Ba là, thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án thân thiện với môi trường, đặc biệt các dự án đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển; kiên quyết không sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ở vùng ven biển, hải đảo.

Bốn là, tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên biển để cung cấp thông tin nhằm đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên, môi trường biển, làm cơ sở định hướng phát triển các ngành kinh tế biển.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng và sự cần thiết phải tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, hướng tới phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng kinh tế biển xanh – trọng điểm cho phát triển bền vững biển Quảng Ngãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO