Xây dựng hệ thống văn pháp luật Ngành TN&MT: Linh hoạt, hiệu quả

Phạm Oanh| 01/01/2022 07:41

(TN&MT) - Năm 2021 ghi dấu ấn đặc biệt bởi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, các hoạt động hầu như gặp khó khăn, thậm chí đình trệ do giãn cách xã hội. Song, để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức liên quan để hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Đảm bảo tiến độ và chất lượng văn bản

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật luôn là nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm của Bộ TN&MT. Để phục vụ công tác xây dựng pháp luật của ngành trong năm 2021, ngay từ cuối năm 2020, Bộ TN&MT đã phê duyệt Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó xác định trọng tâm là rà soát, xử lý các quy định vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, đặc biệt là lĩnh vực đất đai; đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực môi trường, biển và hải đảo.

Trong đó, về lĩnh vực môi trường, Bộ cần xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2 Nghị định quan trọng là Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… cùng nhiều văn bản quan trọng khác.

Đây là những văn bản hết sức cần thiết trong triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 - một luật có phạm vi điều chỉnh rất rộng, nhiều nội dung và nhiều chính sách mới, ảnh hưởng sâu, rộng đến công tác quản lý Nhà nước và đời sống nguời dân. Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã và đang tập trung cao độ mọi nguồn lực để có thể hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền đúng tiến độ.

Riêng với lĩnh vực đất đai, Bộ TN&MT đã và đang khẩn trương thực hiện tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2013 để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội vào năm 2022.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Bộ TN&MT hoàn thành và trình Chính phủ thông qua Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Bộ TN&MT cũng đã đề xuất xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực biển và hải đảo, đặc biệt đã trình Chính phủ 2 Dự thảo Nghị định quy định những chính sách rất mới như quản lý lấn biển; thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản…

Bộ TN&MT tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến trong quá trình xây dựng văn bản.

Linh hoạt trong quá trình tham vấn

Tham vấn ý kiến là một khâu bắt buộc và có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, do đó, tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ đều được gửi lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin của Bộ TN&MT và gửi văn bản lấy ý kiến trực tiếp của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia, cá nhân có liên quan.

Đối với công tác xây dựng văn bản pháp luật, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp để lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một “kênh” hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong năm 2021, công tác này gặp vô vàn khó khăn, không thể tổ chức trực tiếp.

Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TN&MT đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lấy ý kiến phù hợp với các biện pháp phòng, chống Covid-19; chuyển từ trực tiếp sang tham vấn ý kiến hoàn toàn theo hình thức trực tuyến; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin. Chính nhờ sự linh hoạt này, công tác xây dựng pháp luật của Bộ vẫn bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.

Tập trung cao độ cho Luật Đất đai sửa đổi

Năm 2022 sẽ là năm trọng điểm của công tác xây dựng pháp luật, bởi Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - một trong những bộ luật quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và Ngành TN&MT nói riêng. Với nhiệm vụ này, Bộ TN&MT sẽ tập trung cao độ và huy động mọi nguồn lực cho quá trình xây dựng.

Theo kế hoạch, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba và Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng phải tập trung chuẩn bị Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội vào năm 2023 và lập đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội vào năm 2024.

Để văn bản pháp luật theo kịp sự phát triển của đời sống, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì song song với quá trình xây dựng luôn là quá trình sửa đổi, bổ sung. Trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT; đồng thời chủ động tích cực đẩy mạnh cải cách, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó là đẩy mạnh theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và thực thi pháp luật; đồng thời giúp Bộ TN&MT nắm bắt và kịp thời xử lý các vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ thống văn pháp luật Ngành TN&MT: Linh hoạt, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO