Xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan, cần thiết

26/10/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều 25/10, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Bộ trưởng cho biết: “Việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết”

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Trình bày tờ Tờ trình Dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001, công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, ý thức trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân dân được nâng cao;

Đồng thời, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục bí mật nhà nước, quy chế bảo vệ bí mật nhà nước và tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch.

Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo luật, 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá. Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo;

“Để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Tờ trình dự án Luật cũng nêu rõ: trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa bảo đảm khả thi của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn, Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 39 điều quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ bí mật nhà nước. Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước…

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và an ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước như Tờ trình của Chính phủ.

Theo ông Võ Trọng Việt, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, trước tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngày càng cao; mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Quang cảnh phiên họp chiều 25/10. Ảnh: Quốc Khánh
Quang cảnh phiên họp chiều 25/10. Ảnh: Quốc Khánh

Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhận thấy nội dung dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan trình Dự thảo tiếp tục rà soát một số quy định về quyền cơ bản của công dân và các quy định khác để bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật An toàn thông tin mạng và dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4...

Đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được xây dựng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung Tờ trình và dự thảo Luật cơ bản đã được Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 13 (tháng 8/2017) và ý kiến thẩm tra sơ bộ của cơ quan chủ trì thẩm tra, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, tuy nhiên Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về mặt kỹ thuật văn bản và nghiên cứu bổ sung nội dung dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất và logic giữa nội dung các quy định trong dự thảo Luật và thống nhất với hệ thống pháp luật.

Dự kiến chương trình kỳ họp, ngày 26/10

Buổi sáng:

1. Công tác nhân sự:

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ.

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

- Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

2. Xem xét dự án Luật:

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

- Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

- Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều:

1. Công tác nhân sự:

- Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

- Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

2. Xem xét dự án Luật:

- Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

- Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

 

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Việt Hùng - Hải Ngọc

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan, cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO