Đất đai

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đồng bộ và hiệu quả

Trường Giang (thực hiện) 10/10/2023 - 10:40

(TN&MT) - Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã và đang nỗ lực xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai nhằm tạo môi trường công khai, minh bạch, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan tới vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Võ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ TN&MT.

z4765740165810_941d88e587656d4e80d31612f9059cfe.jpg
Ông Võ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ TN&MT.


PV: Xin ông cho biết việc triển khai xây dựng CSDL đất đai ở Bộ TN&MT và các địa phương trên cả nước trong thời gian qua?

Ông Võ Anh Tuấn: Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã tích cực triển khai đồng loạt các giải pháp và đạt được nhiều thành tích trong cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, giao dịch về đất đai.

Cụ thể, Bộ TN&MT và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công về đất đai, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời, cũng tạo lập các hành lang pháp lý hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống thông tin, CSDL đất đai. Nhiều địa phương đã chủ động đầu tư về hạ tầng trang thiết bị, xây dựng CSDL đất đai và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các dịch vụ công trực tuyến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Việc xây dựng, hoàn thiện và vận hành CSDL quốc gia về đất đai hiện nay đã đạt được những kết quả cụ thể như sau: Tại Trung ương, đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 4 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm CSDL về thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL về giá đất; CSDL về điều tra cơ bản về đất đai.
Tại địa phương, đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai của 450/705 đơn vị cấp huyện (219 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính và 231 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL đất đai với đầy đủ 4 thành phần: CSDL địa chính, CSDL thống kê, kiểm kê đất đai, CSDL quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và CSDL giá đất).

Đã có 63/63 tỉnh thành phố kết nối với cổng dịch vụ công và tổ chức việc thanh toán trực tuyến. Đây là tiền đề để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất được công khai, minh bạch; 36/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Việc kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư đã được Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công an triển khai, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư, với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã.

PV: Trong quá trình triển khai xây dựng CSDL đất đai các địa phương có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Võ Anh Tuấn: Hiện chúng ta có nhiều thuận lợi trong việc triển khai xây dựng, hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản pháp luật, chỉ thị, nghị quyết. Bên cạnh đó, các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng, vận hành khai thác CSDL đất đai. Xác định được đây là bộ công cụ cơ bản để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, cũng như để giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp một cách minh bạch, nhanh nhất và tốt nhất; đồng thời chúng ta cũng tận dụng được thế mạnh của khoa học công nghệ hiện đại trong giai đoạn hiện nay.

qhpksdd-2-1184.jpg

Tuy nhiên, kết quả xây dựng và vận hành CSDL đất đai trên cả nước đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, trong đó nguyên nhân chính là do việc đầu tư nguồn lực để xây dựng CSDL đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao, dẫn đến tiến độ hoàn thành ở một số địa phương còn chậm.
Đồng thời, hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng CSDL.

Ngoài ra, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành CSDL đất đai ở trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế; Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẽ với các hệ thống thông tin khác.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ này?

Ông Võ Anh Tuấn:

Ngày 17/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trong đó đã yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai. Trong Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng CSDL và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông.

Theo đó, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn 3787/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 26/5/2023 chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành CSDL đất đai, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL đất đai; rà soát đưa các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã xây dựng CSDL đất đai vào quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác.

Đồng thời cần tiếp tục tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong CSDL đất đai ở địa phương với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của các bộ, ngành để tạo thuận lợi khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử; bố trí nguồn lực, ưu tiên kinh phí cho xây dựng CSDL đất đai và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TN&MT để tổng hợp, theo dõi, giám sát.

Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS) thuộc Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Giai đoạn I)” do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư để cung cấp phần mềm hệ thống thông tin đất đai và hạ tầng công nghệ thông tin cho các địa phương sử dụng theo mô hình tập trung, thống nhất trong cả nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đồng bộ và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO