Xây dựng Cơ sở dữ liệu nguồn thải ở Vĩnh Phúc: Minh bạch để giảm thiểu ô nhiễm

26/08/2014 00:00

(TN&MT) - Xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu về môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hình thành và phát triển mạnh lưới quan trắc hiện trạng môi trường.

(TN&MT) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu về môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hình thành và phát triển mạnh lưới quan trắc hiện trạng môi trường. Nhờ có các thông tin đầy đủ, chính xác các nguồn thải đã giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát, ngăn chăn được sự ô nhiễm đang có nguy cơ ngày một gia tăng.
   
Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải nhằm hạn chế chất thải ra môi trường
   
Phát triển mạng lưới quan trắc
   
  Theo đánh giá của Sở TN&MT, trong thời gian vừa qua, hoạt động quan trắc của Vĩnh Phúc đã đáp ứng một phần nhu cầu về số liệu, thông tin phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Nhiều báo cáo, số liệu kết quả quan trắc đã được công bố để cộng đồng tiếp cận và sử dụng phục vụ cho các mục đích nghiên cứu, đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, hội nhập và chia sẻ quốc tế...
   
  Ông Nguyễn Văn Khước – Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết, hoạt động quan trắc môi trường đang được tỉnh thực hiện quan trắc với 4 thành phần cơ bản là môi trường đất  tại 13 điểm với tần suất 2 lần/năm; chất lượng nước dưới đất tại 19 điểm với tần suất 2 lần/năm; chất lượng nước mặt tại 40 điểm với tần suất 4 lần/năm; môi trường không khí tại 18 điểm vào mùa mưa và 15 điểm vào mùa khô, tần suất 2 lần/mùa/năm.
   
  Điểm nhấn cho việc triển khai các trạm quan trắc tại Vĩnh Phúc phải kể đến dấu mốc năm 2012, 2013. Đây là giai đoạn, tỉnh chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng các trạm quan trắc nhằm đáp ứng được yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng 1 trạm quan trắc nước thải, 1 trạm quan trắc không khí với tổng kinh phí đầu tư  khoảng 11,5 tỷ đồng. Đối với trạm quan trắc không khí được đặt tại trung tâm TP. Vĩnh Yên, thực hiện quan trắc 24/24 giờ các thông số nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, bụi, SO2, NOx, CO…. Trạm quan trắc nước thải tại KCN Khai Quang quan trắc liên tục các thông số pH, DO, COD, TTS… Các số liệu, dữ liệu này được thu thập, lưu giữ và gửi về phòng điều khiển tại Trung tâm Tài nguyên & Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) để khai thác, sử dụng  cho các ngành, đơn vị liên quan.
   
  Theo ông Khước, giai đoạn 2014 – 2015, Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư thêm 4 trạm quan trắc môi trường tự động với tổng kinh phí khoảng 25,7 tỷ đồng. Trong đó, có 2 trạm quan trắc nước sông Phan, sông Cà Lồ và 2 trạm quan trắc không khí tại trung tâm huyện Yên Lạc và thị xã Phúc Yên.
   
  Đáng mừng nhất phải kể đến nguồn kinh phí cấp cho hoạt động quan trắc hàng năm tăng lên rõ rệt nếu như năm 2005 chỉ có 150 triệu đồng, đến năm 2013 được 1,2 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 sẽ bố trí khoảng 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với  Sở Tài chính nghiên cứu điều chỉnh bộ đơn giá quan trắc phân tích môi trường làm cơ sở để lập dự toán triển khai các nhiệm vụ quan trắc trên địa bàn.
   
Nhận diện để xử lý
   
  Theo báo cáo điều tra, thống kê phân loại nguồn thải rắn, lỏng ở các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 32 nguồn thải chính với lưu lượng phát sinh từ 50 m3 trở lên.
   
  Kết quả điều tra, thống kê gần đây nhất cho thấy, hiện nay trên lưu vực sông Cầu thuộc địa bàn Vĩnh Phúc có 4 KCN đang hoạt động và 11 CCN. Trong số 15 khu, cụm đang hoạt động mới có 3 KCN có trạm xử lý nước thải tập trung là Khai Quang, Bình Xuyên và Kim Hoa. Thống kê cũng cho thấy lượng nước thải từ các cơ sở công nghiệp  ước tính khoảng 14.515 m3/ngày đêm, trong đó có khoảng 8.952 m3 nước thải sản xuất, 5.536 m3 nước thải sinh hoạt . Lượng nước thải được thu gom đưa về trạm xử lý nước thải tập trung  của các KCN vào khoảng trên 6.000 m3/ngày đêm, còn lại khoảng trên 9.000 m3/ngày đêm là các doanh nghiệp tự xử lý trước khi đưa vào môi trường.
   
  Đối với nước thải sinh hoạt, hầu hết các cơ sở, bao gồm cả các cơ sở trong và ngoài KCN đều xử lý sơ bộ bằng bể phốt (bể tự hoại) cải tiến rồi xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.
   
  Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước. Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh vào khoảng gần 750 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị khoảng 180 tấn/ngày (thành phố Vĩnh Yên khoảng 110 tấn/ngày và thị xã Phúc Yên khoảng 70 tấn/ngày).
   
  Hàng năm, UBND thành phố Vĩnh Yên và UBND thị xã Phúc Yên ký hợp đồng thuê Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Phúc Yên thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, tỷ lệ thu gom đạt trên 94%. Chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Vĩnh Yên được vận chuyển về xử lý ở Bãi rác tạm KCN Khai Quang, còn chất thải rắn sinh hoạt của thị xã Phúc Yên được đưa về Bãi rác tạm ở Xứ Đồng Lát, phường Xuân Hòa để xử lý. Nhìn chung, công  tác xử lý rác thải đô thị chưa đảm bảo theo quy định, công nghệ xử lý chưa triệt để, chủ yếu là chôn lấp thông thường, tốn nhiều diện tích đất và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
   
  Xác định rõ được các nguồn thải, nguyên nhân chính gây ô nhiễm, các cơ quan chức năng tại Vĩnh Phúc đã tiến hành thanh, kiểm tra 266 đơn vị, vụ việc, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính  đối với 98 đơn vị với tổng số tiền phạt là 1.774,9 triệu đồng và yêu cầu khắc phục ô nhiễm môi trường, đầu tư xử lý các công trình xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Cơ sở dữ liệu nguồn thải ở Vĩnh Phúc: Minh bạch để giảm thiểu ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO