Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đồng bộ và hiệu quả

Trường Giang| 19/11/2019 12:52

(TN&MT) - Nhằm xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước, Bộ TN&MT vừa có Văn bản số 5904/BTNMT-TCQLĐĐ gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc góp ý cho Đề án “Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia”.

Theo Bộ TN&MT, gần đây, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, ngành TN&MT đã tích cực triển khai đồng loạt các giải pháp và đạt được nhiều thành tích trong cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, giao dịch về đất đai.

Bộ TN&MT và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công về đất đai, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời, cũng tạo lập các hành lang pháp lý hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai. Nhiều địa phương đã chủ động đầu tư về hạ tầng trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các các dịch vụ công cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy vậy, so với yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ còn bộc lộ những hạn chế, lộ trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm và chưa đồng bộ.

Một trong những nguyên nhân là do các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có các công cụ cần thiết để thực thi chính sách pháp luật đất đai ở địa phương, đặc biệt, các công cụ để quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Hạ tầng thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai - yếu tố cốt lõi hỗ trợ công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác vẫn còn vừa thiếu vừa yếu và chưa đồng bộ, thống nhất. Hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy, khả năng tra cứu, xử lý mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác, tính đầy đủ…

Thời gian qua, đã có nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai ở nước ta và bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai được hình thành. Tuy vậy, do chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống nên việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành một cách hợp lý, dẫn tới hiệu quả khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Dữ liệu đầu tư mới tập chung vào cơ sơ dữ liệu địa chính, các cơ sơ dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất,… là các thành phần cấu thành cơ sơ dữ liệu đất đai hoàn chỉnh chưa được đầu tư. Việc đảm bảo dữ liệu được cập nhật, chia sẻ cho các đối tượng khác nhau cùng khai thác, sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa quan tâm, chú trọng đã phần nào giảm tính hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư.

Tăng cường quản lý và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai Ảnh: MH

 

Bộ TN&MT cho rằng, để cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng đồng bộ, đầy đủ trên phạm vi cả nước theo một lộ trình thống nhất tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh, việc xây đựng “Đề án Tổng thể xây dựng cơ sở dữ đất đai” là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Theo dự thảo, Đề án có mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về đất đai phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án có phạm vi thực hiện tại địa phương là, đầu tư bổ sung, nâng cấp, duy trì vận hành hệ thống thông tin đất đai đảm bảo yêu cầu quản lý, vận hành, khai thác hệ thống tại địa phương: 19 đơn vị cấp tỉnh; 214 đơn vị cấp huyện; 3.314 đơn vị cấp xã.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai phần do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện: Cơ sơ dữ liệu địa chính; cơ sơ dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sơ dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sơ dữ liệu giá đất; cơ sơ dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai) trên địa bàn 4.758 đơn vị cấp xã, thuộc 315 đơn vị cấp huyện, thuộc 33 đơn vị cấp tỉnh.

Đào tạo, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ các cấp của 24 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, 315 huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, 4.758 xã/phường/thị trấn. Đối với các địa bàn còn lại (6.402 đơn vị cấp xã, thuộc 398 đơn vị cấp huyện, thuộc 30 đơn vị cấp tỉnh) được kế thừa từ các đề án, dự án: Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG); Dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương.

Đề án Tổng thể đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2019 - 2025.

Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; Đề án Hoàn chỉnh việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện biên giới.

 Đối với cơ sở dữ liệu thành phần về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai do đã được xây dựng đồng bộ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Hiện nay, cơ sở dữ liệu đã xây dựng hoàn thiện và sử dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương, việc cập nhật cơ sở dữ liệu đã được thực hiện thường xuyên tại Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do vậy trong đề án này không thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối với thành phần này…

Theo Dự thảo, thời gian thực hiện Đề án trong giai đoạn 2019 - 2030, trong đó, năm 2019, thực hiện xây dựng và phê duyệt Đề án ở Trung ương; từ năm 2020 - 2030 triển khai lập và thực hiện theo Thiết kế kỹ thuật - dự toán đề án, dự án, kế hoạch, chương trình hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đồng bộ và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO