"Xanh hóa" ngành dệt may đáp ứng yêu cầu quốc tế

Khánh Ly| 17/03/2022 19:07

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), đa số doanh nghiệp của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như: Thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

anh-1.jpg
Ngành dệt may sẽ phải đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi xanh hóa sản xuất

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước. Mặc dù vậy, các thị trường lớn còn lại của dệt may Việt Nam vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi khả quan, thậm chí, thấp hơn năm 2020. Chỉ có thị trường Mỹ đã phục hồi tương đương năm 2019.

Thách thức của ngành năm 2022 còn đến từ nội tại, khi chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Các chuyên gia dự báo, nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… sẽ tăng tốc để bù đắp thiếu hụt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. Nếu không thể đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” của khách hàng, dệt may Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế và có thể đánh mất nhiều khách hàng lớn.

anh-2.jpg
Rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ cho chuyển đổi

Điều này xuất phát từ các cam kết toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu. Lượng phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất quá lớn đã buộc ngành hàng thời trang, may mặc phải có bước chuyển đổi ít phát thải hơn. Biến đổi khí hậu cũng làm nảy sinh rủi ro như gián đoạn chuỗi cung ứng trong quá trình sản xuất và vận chuyển, giá năng lượng và giá nước cao và nhu cầu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng tăng.

Nhiều nước châu Âu bắt đầu siết chặt quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Đơn cử, Luật thẩm định doanh nghiệp Đức có hiệu lực vào năm 2023 buộc các nhãn hàng và công ty đa quốc gia phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ và chịu trách nhiệm các rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là lý do tại sao nhiều thương hiệu thời trang và nhà sản xuất dệt may nổi tiếng đã đặt ra các mục tiêu liên quan đến khí hậu và môi trường.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong sản xuất dệt may, nhưng sự phát triển này sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường trong tương lai nếu quy trình sản xuất của ngành sản xuất dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào than và dầu mỏ.

Liên quan đến việc "xanh hóa" ngành dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đặt ra kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời, xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ cho chuyển đổi.

Để góp phần cải thiện hiệu suất môi trường tại chuỗi cung ứng dệt may tại Việt Nam, mới đây, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và công ty Decathlon cam kết đã triển khai sáng kiến mới trong lĩnh vực này. Theo đó, hai dự án của GIZ gồm ‘Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam’ (BEM) và Dự án ‘Thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành dệt may tại Châu Á’ (FABRIC) sẽ hợp tác với Decathlon để nâng cao năng lực về thích ứng với biến đối khí hậu, sử dụng hiệu quả nước, năng lượng và quản lý hóa chất tại các nhà máy trong chuỗi cung ứng ngành thời trang tại Việt Nam trong năm 2022.

anh-3.jpg
Sử dụng năng lượng từ nguồn sinh khối là giải pháp khả thi trong cắt giảm phát thải khí nhà kính tại các nhà máy trong chuỗi cung ứng dệt may

Cụ thể, dự án FABRIC sẽ tổ chức các khóa học ‘Hành động vì Khí hậu’ và ‘e-REMC - Quản lý Hóa chất’, kết hợp đào tạo và tư vấn, nhằm thúc đẩy việc cải thiện năng lực tại các nhà máy. Khóa ‘Hành động vì Khí hậu’ cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên biệt cho ngành thời trang về biến đổi khí hậu, các giải pháp tính toán và giảm thiểu khí nhà kính; các biện pháp hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Nội dung khóa học được phát triển trên cơ sở hợp tác với UNFCC và 13 nhãn hàng. Trong khi đó, khóa ‘e-REMC - Quản lý Hóa chất’ thúc đẩy các nhà máy hoàn thiện và thực hiện hệ thống quản lý hóa chất bền vững.

Dự án BEM sẽ hỗ trợ các nhà máy trong chuỗi cung ứng áp dụng các phương pháp hiệu quả năng lượng tiên tiến tại lò hơi, chuyển đổi từ đốt than sang các loại nhiên liệu sinh khối; tìm các giải pháp về nguồn cung ứng sinh khối, tiếp cận thị trường sinh khối cho từng nhà máy cụ thể và xác định các nguồn sinh khối gần địa điểm mà các cụm nhà máy đang hoạt động.

Theo ông Marc Beckman - Giám đốc dự án FABRIC, những cách tiếp cận sáng tạo này sẽ nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho nhà máy trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, giúp họ tăng năng lực cạnh tranh tổng thể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự án FABRIC sẽ chia sẻ giải pháp thành công với các nhà hoạch địch chính sách để nhân rộng bài học ra các nước khác, trong khi đó, người học được tiếp cận nền tảng đào tạo trực tuyến miễn phí.

Ông Nathan Moore - Giám đốc Dự án BEM cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu dài hạn là cải thiện các điều kiện tiên quyết để sử dụng nguồn sinh khối bền vững cho sản xuất điện và nhiệt ở Việt Nam. Sáng kiến này của chúng tôi sẽ đóng vai trò là bước đệm cho sự phát triển của một cộng đồng các doanh nghiệp quan tâm và chung cam kết sử dụng tài nguyên sinh khối trong nước, đóng góp vào các mục tiêu bền vững và hành động vì khí hậu của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Xanh hóa" ngành dệt may đáp ứng yêu cầu quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO