Xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối – cơ sở quản lý nguồn nước hiệu quả, công bằng và bền vững

15/04/2018 18:25

(TN&MT) - Hướng dẫn cụ thể về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa đập dâng nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng nguồn nước tổng hợp, hiệu quả, công bằng và bền vững trên các lưu vực sông. Việc quy định được dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối trong phạm vi cả nước sẽ làm cơ sở, nền tàng trong phân bổ tài nguyên nước và phục vụ xây dựng các quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ và với mục tiêu cụ thể và cấp bách là phục vụ công tác cấp phép tài nguyên nước.  

1 30270
Ảnh minh họa

Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017 Quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng đã giải quyết được tổng thể các vấn đề nêu trên trong quản lý tài nguyên nước. Thông tư đã có hiệu lực triển khai trên thực tế từ ngày 5/2/2018.

Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 dòng chảy tối thiểu được định nghĩa như sau: “Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước”. Còn về trách nhiệm trong việc xác định, công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã được thể hiện rất rõ trong Điều 70 (liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Điều 71 (liên quan đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh). Trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 “Về tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng vận hành khai thác công trình thủy điện” đã đưa ra danh mục các nhiệm vụ chủ yếu triển khai sớm nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng và sớm ban hành và hướng dẫn cụ thể quy định về dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy lợi, thủy điện.

Trước đây, do chưa có thông tư hướng dẫn xác định dòng chảy tối thiểu đã làm cho công tác quản lý tài nguyên nước ở Trung ương và địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng các quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; xây dựng kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông và đặc biệt là công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Thực tế quản lý tài nguyên nước hiện nay đặc biệt ở các địa phương, việc xác định dòng chảy tối thiểu trên sông hay dòng chảy tối thiểu sau các hồ chứa thủy điện, thủy lợi là một trong những vấn đề đang vướng mắc do chưa có một phương pháp hay hướng dẫn cụ thể nào dẫn đến việc quy định dòng chảy không có cơ sở hoặc thiếu thống nhất trong cách xác định và phần nào gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, nước ta hiện có gần 7 nghìn hồ chứa, đập dâng lớn, nhỏ với tổng dung tích trên 65 tỷ m3, chiếm khoảng 8% tổng lượng nước trên các lưu vực sông. Riêng về hồ chứa thủy điện hiện có 800 hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng với tổng dung tích đạt khoảng 56 tỷ m3 nước. Bên cạnh những lợi ích như: góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tham gia cắt giảm lũ, đảm bảo cấp nước cho hạ du…thì việc xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là việc duy trì dòng chảy tối thiểu không được xem xét trong giai đoạn thiết kế xây dựng công trình. Do đó, đến giai đoạn vận hành các công trình hồ chứa đã và đang xảy ra các tranh chấp giữa các hộ sử dụng nước phía hạ lưu, gây tác động lớn đến chế độ dòng chảy sông, suối và các hệ sinh thái thủy sinh, điển hình như thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nước từ thượng nguồn sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước từ thượng nguồn sông Ba sang sông Kone,... đã gây ra nhiều mâu thuẫn và tác động đến khai thác sử dụng nước hạ du. Ngoài ra, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì đã và đang nảy sinh các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông giữa các ngành, giữa các đối tượng sử dụng nước khác nhau và bài toán đặt ra ở đây là phải phân bổ nguồn nước như thế nào cho hợp lý, phải quy định dòng chảy tối thiểu ra sao để đảm bảo tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Trước thực tế khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông hiện nay và yêu cầu trong công tác quản lý cho thấy cần phải có hướng dẫn cụ thể về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa đập dâng nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng nguồn nước tổng hợp, hiệu quả, công bằng và bền vững trên các lưu vực sông, ngoài ra việc quy định được dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối trong phạm vi cả nước sẽ làm cơ sở, nền tàng trong phân bổ tài nguyên nước và phục vụ xây dựng các quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ và với mục tiêu cụ thể và cấp bách là phục vụ công tác cấp phép tài nguyên nước. Đối với hạ lưu các hồ chứa việc có thông tư quy định dòng chảy tối thiểu trên sông và hạ du hồ chứa sẽ có đầy đủ căn cứ để kiểm soát việc bảo đảm duy trì dòng thối thiểu, nhất là đối các hồ chứa, ngay từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư xây dựng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối – cơ sở quản lý nguồn nước hiệu quả, công bằng và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO