Xã đặc biệt khó khăn đầu tiên "chạm đích" nông thôn mới ở Yên Bái

Thanh Ngà| 04/12/2019 11:22

(TN&MT) - Huyện Trạm Tấu là một trong 36 huyện đặc biệt khó khăn trong cả nước, xã Hát Lừu lại là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Vậy mà, sau gần 9 năm xây dựng nông thôn mới, Hát Lừu đã trở thành xã vùng cao đầu tiên của tỉnh Yên Bái hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái. Điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là sự thay đổi từ cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm… tới cuộc sống người dân đã có nhiều khởi sắc.

Ghé thăm Hát Lừu, xã vùng cao đầu tiên của tỉnh Yên Bái hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông Lò Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Hát Lừu chia sẻ, năm 2011, khi bắt tay xây dựng NTM, điều kiện của xã hết sức khó khăn. Toàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí cũng như đời sống người dân còn rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên khi triển khai xây dựng NTM đã gặp không ít khó khăn.

Diện mạo xã vùng cao có nhiều thay đổi

Thế nhưng, được sự hỗ trợ của các cấp, đặc biệt là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương, sau gần 10 năm xây dựng NTM xã Hát Lừu đã có nhiều thay đổi. Toàn xã có 841/841 hộ được sử dụng điện an toàn, đạt 100%. Các tuyến đường xã, trục liên thôn, bản được đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Trường mầm non và trường tiểu học xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đạt dưới 12%. Tổng số hộ toàn xã là 841 hộ, số hộ nghèo là 89 hộ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 10,58%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 33 triệu đồng/năm.

Ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, huyện còn quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân và phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới của huyện Trạm Tấu.

Kinh tế của người dân dần được nâng lên

Anh Lò Văn Huấn – Thôn Lừu 1, xã Hát Lừu chia sẻ, gia đình anh bắt đầu làm du lịch từ năm 2017, làm du lịch theo hướng cho du khách trải nghiệm phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của người Thái. Hiện tại, lượng khách tới gia đình anh Huấn khá đều, một tháng khoảng vài trăm lượt du khách và khách chủ yếu là khách ngoài tỉnh và du khách nước ngoài. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình anh cũng dần ổn định.

Và cũng nhờ có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đặc biệt huyện đã biết vận dụng, triển khai cách làm phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, diện mạo nông thôn đã thay đổi, đời sống người dân dần được nâng lên, từng bước vượt khó xây dựng NTM.

Ông Trần Ngọc Luận – Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, hiện nay huyện đã rà soát lại xã Hát Lừu đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM, huyện đang cố gắng hoàn thành hồ sơ để trình các cấp có liên quan để công nhận xã Hát Lừu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nâng cao giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi đến phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân huyện Trạm Tấu

Xã Hát Lừu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, vì vậy, mà phong tục tập quán có nhiều nét đặc trưng, dễ thu hút được khách du lịch tới thăm quan và trải nghiệm. Từ đó, huyện đã và đang hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, đến nay đã ra mắt được 2 mô hình điểm tại xã Hát Lừu và tiếp tục xây dựng 8 mô hình tại các thôn trong xã. Bước đầu đã thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện.

“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục củng cố vững chắc các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí liên quan đến sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân. Tiến tới chúng tôi sẽ phấn đầu xây dựng xã Hát Lừu là xã NTM nâng cao và lấy Hát Lừu là trung tâm lan tỏa và rút kinh nghiệm để huyện xây dựng NTM tại các xã khác và các thôn khác trong huyện”, ông Trần Ngọc Luận nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã đặc biệt khó khăn đầu tiên "chạm đích" nông thôn mới ở Yên Bái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO