WB tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Bến Tre trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

25/08/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 24/8, Phó Chủ tịch WB - bà Rachel Kyte đã có chuyến thăm và làm việc với Bến Tre để tìm hiểu về tác động và ứng phó với BĐKH.

   
(TN&MT) - Ngày 24/8/2014, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB)  - bà Rachel Kyte đã có chuyến thăm và làm việc với Bến Tre để tìm hiểu về tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn.
   
   
Bà Rachel Kyte – Phó Chủ tịch Ngân Thế giới phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre
   
  Cùng đi với đoàn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng. Tiếp và làm việc với Đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Thành Hạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Văn Trọng cùng đại diện các Sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Ba Tri.
   
  Đoàn đã đi khảo sát thực địa tại một số công trình, dự án ứng phó với BĐKH tại huyện Ba Tri, như: công trình Cống đập Ba Lai, điểm trồng lúa và nuôi tôm điển hình cho vùng phân cách mặn và ngọt, đê biển; khảo sát khu vực xói lở bờ biển và tiếp xúc cộng đồng tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.
   
  Sau khi đi khảo sát, Đoàn đã có buổi trao đổi với lãnh đạo tỉnh về kế hoạch, tình hình và khả năng thực tế cũng như nhu cầu cần hỗ trợ của địa phương trong việc ứng phó với biển đổi khí hậu.
   
  Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, báo cáo với đoàn về điều kiện tự nhiên, thiên tai và biến đổi khí hậu, cùng những khó khăn, hạn chế của Bến Tre, cho rằng: Tỉnh có chiều dài bờ biển là 65km, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trên 90% diện tích đất có cao độ địa hình từ 1-2 mét so mực nước biển, còn lại vùng thấp ven sông, biển chỉ dưới 1 mét, thường xuyên bị ngập khi triều cường.
   
Đoàn đã đến khảo sát một số mô hình điểm trồng lúa và nuôi tôm điển hình cho vùng phân cách mặn và ngọt
   
  Do đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế, Bến Tre được nhận định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo dự báo vào năm 2020 nước biển dâng 12cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 272km2, chiếm 12,24 % diện tích, có khoảng 97.890 người sống trong vùng bị ngập. Vào năm 2050 nước biển dâng 30cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 342km2, chiếm 15,39 % diện tích, có khoảng 102.054 người sống trong vùng bị ngập.
   
  Theo kịch bản ranh giới mặn 4‰ tiến vào trong nội đồng vào năm 2020 sẽ tác động trực tiếp đến tình trạng thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thực hiện Chương trình khung về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc, Nghị định thư Kyoto; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2009, Bến Tre ban hành Khung kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu, Đề án “Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020” và kế hoạch triển khai hằng năm. Đồng thời, tỉnh lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch dài hạn của tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh tiếp nhận kinh phí từ Trung ương và tài trợ quốc tế khoảng 5.000.000 USD, ngân sách của tỉnh và đóng góp của nhân dân khoảng 500.000 USD. Tuy nhiên, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bến Tre chỉ dừng lại ở mức độ triển khai các công trình quy mô nhỏ lẻ, kinh phí cho mỗi công trình dưới 15 tỉ đồng chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt; thiếu kinh phí đầu tư cho các dự án trọng điểm với quy mô rộng và có tính lâu dài.
  UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng thế giới và các Tổ chức quốc tế ưu tiên hỗ trợ cho Bến Tre triển khai các dự án có tính trọng điểm, cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
   
Thứ trưởng BộTài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn khảo sát vùng biển Bảo Thuận
   
  Cụ thể là Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Dự án Kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày Nam; Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển theo Quyết định 667 của Thủ tướng Chính phủ, Bến Tre được Trung ương phê duyệt 3 dự án đê biển. Từ năm 2011 đến nay, đã được phân bổ vốn đầu tư là 95,243 tỷ đồng để triển khai đê biển Thạnh Phú và Bình Đại. Tuyến đê biển Ba Tri đã đầu tư 31km đê và xây dựng 11 cống qua đê bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới. Hiện công trình này còn 9 cống qua đê chưa được đầu tư nên vẫn chưa phát huy được tác dụng ngăn mặn; Dự án xây dựng công trình Kè chống xói lở bờ sông Giao Hòa, khu vực cầu An Hóa, xã Long Hòa, huyện Bình Đại; Dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2014...
   
  Trước đây, tại Bến Tre thiên tai không đáng kể nhưng sau năm 1990 các cơn bão bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Cơn bão số 5 (Linda) năm 1997 gây thiệt hại chủ yếu tàu thuyền đánh cá ngoài khơi, tổng thiệt hại 300 tỷ đồng. Bão số 9 năm 2006 (Durian) thiệt mạng 18 người, mất tích 700 người, 280.000 hộ gia đình mất nhà, tổng thiệt hại 200 triệu USD. Năm 2003, xâm nhập mặn gây thiệt hại 12 tỷ đồng dẫn đến 16.000 hộ gia đình không có nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Năm 2005 thiệt hại chủ yếu từ lúa, cây ăn quả, dừa, mía do xâm nhập mặn là 570 tỷ đồng, 110.000 hộ không có nước ngọt sinh hoạt trên 280.000 tổng số hộ toàn tỉnh.
   
   
  Bà Rachel Kyte - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới đồng cảm và ghi nhận nỗ lực của Bến Tre thời gian qua trong công tác ứng phó với BĐKH. Công tác ứng phó với BĐKH là của nhiều cấp, ngành địa phương, không chỉ có ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường mà cả ngành tài chính, ngân hàng, đầu tư.
   
  Ngân hàng thế giới tiếp cận với biến đổi khí hậu rất giống Bến Tre, ĐBSCL, Việt Nam, có tác động nhiều mặt đến kinh tế, đời sống cư dân, có tác động đến nhiều cấp ngành. Với tư cách là đối tác của Việt Nam, bà Rachel Kyte cho biết sẽ cố gắng phối hợp, hỗ trợ cho Bến Tre. Tuy nhiên, các giải pháp ứng phó với BĐKH nằm ngoài ranh giới của một tỉnh, một quốc gia, cần có chiến lược toàn cầu.
   
  Bà Rachel Kyte cũng cảm ơn Bến Tre, Việt Nam đã tạo điều kiện cho bà tham quan thực địa tại một số vùng nông thôn, được tận mắt chứng kiến những tác động cụ thể đến kinh tế, đời sống người dân một cách cụ thể. Bà tin rằng, Bến Tre, Việt Nam sẽ có những quyết định cụ thể, cân nhắc kỹ hơn trong chiến lược ứng phó với BĐKH. Bà sẽ mang thông điệp này tại Bến Tre để trao đổi với các quốc gia trên thế giới và chắc chắn đây sẽ là bài học kinh nghiệm quí.
   
  Từ trước tới nay, Ngân hàng Thế giới cũng đã đồng hành cùng Bến Tre, Việt Nam, sắp tới, sẽ tăng cường hơn nữa hỗ trợ BĐKH, nhất là sinh kế cho người dân nông thôn. Bà Rachel Kyte đánh giá cao giải pháp ứng phó với BĐKH của tỉnh và hứa sẽ giúp tỉnh trong việc hoạch định chính xác, hiệu quả hơn. Các kiến nghị của Bến Tre về các dự án bà sẽ ghi nhận và đưa ra bàn thảo, xem xử lý theo hướng nào, giải pháp nào có lợi, kể cả giải pháp công trình, phi công trình, để phù hợp với khả năng đầu tư. Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác với nhau, để các chương trình, dự án ngày càng hiệu quả hơn.
   
Bài & ảnh: Lê Hùng
   
                                                                                   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WB tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Bến Tre trong lĩnh vực biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO