Thế giới

WB tăng cường năng lực chống biến đổi khí hậu

Mai Đan 22/04/2024 - 19:18

(TN&MT) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cho biết 11 quốc gia đã cam kết đóng góp hơn 11 tỷ USD cho các công cụ vốn kết hợp và bảo lãnh danh mục đầu tư mới. Cam kết này giúp mở rộng khả năng tài chính của WB thêm 70 tỷ USD nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch và các thách thức toàn cầu khác.

foowvj5aknok5e3qqdcrhm44a4.jpg
WB tăng cường năng lực chống biến đổi khí hậu

Các khoản đóng góp tự nguyện này đã được công bố tại Hội nghị mùa Xuân năm 2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB vừa kết thúc tại Washington (Mỹ). Đây là đợt tăng vốn lớn nhất cho WB kể từ khi Mỹ và các cổ đông khác mở rộng sứ mệnh của mình vào năm 2022, bên cạnh việc chống đói nghèo.

Vào tháng 4/2023, các cổ đông của WB đã thông qua việc tăng chỉ số đòn bẩy của ngân hàng để tăng khả năng cho vay thêm khoảng 40 tỷ USD trong 10 năm tới và mở rộng các bảo lãnh song phương để có thêm 10 tỷ USD tài chính.

Phần lớn trong cam kết tài trợ mới nhất - khoảng 9 tỷ USD, được Mỹ dành cho Nền tảng bảo đảm danh mục đầu tư mới, hỗ trợ các khoản vay tư nhân và đầu tư vốn cổ phần vào các dự án đủ điều kiện. Khoản đóng góp này sẽ không hoàn toàn bằng tiền mặt, nó sẽ một phần là sự bảo đảm của Mỹ cho nền tảng của WB.

Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản tuyên bố sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho chương trình bảo lãnh, Pháp dự kiến đóng góp 500 triệu USD và Bỉ dự kiến đóng góp số tiền không được tiết lộ.

Trong khi đó, Anh, Đan Mạch, Đức, Italy, Latvia, Hà Lan và Na Uy cam kết đóng góp vào cơ chế vốn hỗn hợp - một công cụ bao gồm đặc điểm của cả nợ và vốn chủ sở hữu để thúc đẩy các khoản vay. Trong số này, Anh đóng góp 100 triệu bảng (123,7 triệu USD).

Theo bà Anshula Kant, Giám đốc tài chính của Ngân hàng Thế giới, nguồn vốn này sẽ chỉ tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích xuyên quốc gia, chẳng hạn như những dự án giảm phát thải khí nhà kính hoặc giúp ngăn chặn đại dịch. Bà cho biết, những công cụ này khuyến khích các nhà tài trợ đóng góp trên cơ sở tự nguyện cho các hoạt động và dự án này. Mặt khác, nó cũng khuyến khích các nước đi vay đầu tư vào những loại dự án có mục đích như trên, với lợi ích không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước.

Nhật Bản là nước đóng góp đầu tiên cho “Quỹ Hành tinh có thể sống được” mới được thành lập để thu hút sự đóng góp từ các chính phủ, tổ chức từ thiện và khu vực tư nhân, nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án từ đầu tư chuyển đổi năng lượng sang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Quỹ này được đặt tên theo tuyên bố sứ mệnh mới, mở rộng của WB, “tạo ra một thế giới không còn đói nghèo trên một hành tinh có thể sống được”, được xác nhận vào năm ngoái để phản ánh một phần vai trò tài trợ khí hậu của ngân hàng.

Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze cho rằng cần mở rộng hơn nữa khả năng cho vay của WB vì nhu cầu của các nước nghèo sẽ tiếp tục tăng. “Cuộc cải cách của WB sẽ không dừng lại ở đây”, bà nhấn mạnh.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga cho biết, WB đang triển khai một số sáng kiến khác nhằm mở rộng khả năng cho vay của ngân hàng, trong đó có việc khai thác nguồn vốn có thể huy động được để có thể giải phóng thêm hàng trăm tỷ USD trong khả năng cho vay bổ sung.

Theo Tổng hợp từ Reuters
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WB tăng cường năng lực chống biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO