Xã hội

Vườn cây nhớ Bác

Đỗ Hoàng Linh - Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 10:02 18/05/2023

(TN&MT) - Khu vực Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, nay là Khu Phủ Chủ tịch - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc từ tháng 12/1954, trước đây không có nhiều loại cây như hiện nay. Từ khi Người về, những khoảng đất trống, um tùm cỏ dại dần dần được cải tạo thành khu vườn trồng cây, trồng rau và cây ăn quả.

2-1-.jpg
Trước nhà là cầu ao, nơi Bác Hồ thường cho cá ăn, thư giãn, mỗi khi Bác vỗ tay là đàn cá bơi đến.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dành một khoảng thời gian sau mỗi ngày làm việc để chăm sóc vườn cây, ao cá và hướng dẫn anh chị em cán bộ trong cơ quan tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Nhờ bàn tay chăm sóc của Bác và anh chị em cán bộ, vườn cây, thảm cỏ trong Phủ Chủ tịch cùng hồ nước mát tạo nên một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, môi trường sống trong lành. Cây trong vườn Phủ Chủ tịch rất nhiều loài, tạo thành hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, làm nên cảnh quan đẹp, cuốn hút, từ lâu đã trở nên thân thuộc, in đậm trong ký ức du khách mỗi khi đến thăm Khu Di tích Bác Hồ.

Cây gắn với kỷ niệm trong cuộc sống của Người. Đó là những cây đa, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, cây bụt mọc… Mỗi cây trồng ở đây đều mang một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc hoặc gắn với một câu chuyện cảm động.

Năm 1955, khi nhận cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xúc động, Người tự tay trồng và chăm sóc cây. Mùa đông, Người dặn các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân và lấy mùn tấp vào gốc để chống rét cho cây. Năm 1958, Người đề nghị đưa cây vú sữa sang trồng cạnh nhà sàn để Người tiện chăm sóc. Tháng 8/1962, nhân dân Nam Tiến (Lâm Thao, Phú Thọ) gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trái dừa hai mầm, Người căn dặn anh em: “Đây là giống dừa lạ, các cô, các chú nên trồng gần đường để sau này giới thiệu với mọi người”. Nay gốc dừa hai thân ấy đã vươn cao, khoe dáng với du khách và cho bao mùa trĩu quả.

Năm 1965, khi anh em làm vườn định cắt bỏ một chùm rễ đa từ trên cành rủ xuống lơ lửng để khỏi vướng đường đi lại, Bác đã gợi ý cách nối rễ đa xuống đất để vừa không vướng lối đi vừa tạo thế cây vững chắc. Làm theo cách Người hướng dẫn, sau gần 3 năm anh em mới thành công. Khi nghe anh em báo cáo kết quả, Bác nói: “Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công”. Từ đó, cây đa này được đặt tên là Cây đa kiên trì. Hiện nay, trên con đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn, hình ảnh 3 nhánh rễ đa nối liền cành xuống đất luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác dạy.

Đầu đường Xoài có một cây đa có rễ uốn thành hình vòng tròn, đây là một món quà đặc biệt Bác Hồ dành cho các cháu thiếu nhi. Một buổi sáng, sau trận mưa to gió lớn, khi đi thăm vườn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy một cây đa con ở gốc có một nhánh rễ dài sau trận mưa gió bị đánh bật xuống, trơ trọi trên bãi cỏ. Nghĩ tới các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác đề nghị các đồng chí làm vườn trồng lại cây đa ngay bãi cỏ cạnh giàn hoa phong lan và tạo dáng cho nhánh rễ thành một hình tròn đứng trên mặt đất, để khi cây lớn, vòng rễ rộng hơn, các cháu thiếu nhi mỗi lần vào thăm Bác có thể chạy quanh và chui qua vòng rễ cho vui.

Xung quanh ao cá có rất nhiều cây cổ thụ thuộc họ bách xanh, rễ nhô cao khỏi mặt đất, to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Vì rễ cây có hình dáng như tượng Phật nên loài cây này có tên là bụt mọc. Có một cây bụt mọc ở đầu bên kia chiếc cầu từ nhà sàn bắc qua ao bị mối ăn ruỗng hết hai phần ba thân, anh em định cắt bỏ nhưng Bác đã hướng dẫn cách chữa bệnh cho cây: cạo bỏ hết phần bị mối ăn, lấy rơm và vôi cho vào thân cây để diệt côn trùng và tạo thân giả, sau đó lấy xi măng trát kín bên ngoài để nước mưa không ngấm vào làm hỏng cây, một thời gian sau, cây lại phát triển bình thường. Kể lại câu chuyện trong một hội nghị cán bộ, Người căn dặn: “Cây cối giống như con người, trồng bao nhiêu năm mới được, cứ thấy cây bị bệnh mà chặt đi thì phí công, phí của, nên cây bị bệnh thì phải tìm cách cứu chữa; người mắc khuyết điểm thì phê bình, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm để tiến bộ chứ không nên gạt bỏ”.

2-2-.jpg
Xung quanh nhà sàn là khu vườn rợp bóng cây xanh với nhiều loại cây được mang từ mọi miền đất nước về đây trồng

Nhiều cây trong vườn không những mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng của nhiều miền quê trên đất nước mà còn gắn với tình bè bạn, tình hữu nghị quốc tế. Cạnh nhà sàn có loài cây lá xanh quanh năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về trồng sau một chuyến đi thăm Trung Quốc. Đấy là mùa đông năm 1957, trời lạnh, nhiều cây lá rụng trơ cành nhưng riêng loài cây này lá vẫn xanh tươi. Nghĩ đến anh chị em làm vệ sinh ở các đường phố vất vả sớm khuya, nhất là vào mùa lá rụng, Người nói với anh em trong đoàn tìm một số giống cây loại này mang về, trồng thử trong vườn, nếu phù hợp với khí hậu Việt Nam sẽ đem trồng rộng rãi trên các đường phố để công nhân vệ sinh đỡ vất vả.

Tháng 2/1959, trong chuyến thăm Indonesia, nhân dân đất nước vạn đảo đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh hai cây dừa và Người đã trân trọng đưa về trồng hai bên cầu ao trước nhà sàn. Bác lại cho trồng hai cây y lan cạnh nhau dọc đường ven ao dẫn vào ngôi nhà sàn và đặt tên là cây vũ trụ nhân dịp Liên Xô phóng thành công hai tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6. Tháng 5/1966, khi đi thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy ở đây có loại cây cọ lấy quả ép dầu làm thực phẩm. Nghĩ đến đời sống của đồng bào vẫn còn quá nhiều khó khăn, Người xin giống cây cọ dầu về trồng thử để nếu cây phát triển tốt, sẽ đề nghị ngành nông nghiệp nhân giống để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cải tạo, chăm sóc vườn cây trong khu vực Phủ Chủ tịch, “thổi hồn” vào thiên nhiên, làm cho cảnh quan thêm đẹp, môi trường sống trong lành. Khi rảnh việc, Người thường tham gia trồng cây, làm vườn với anh em phục vụ và nhắc: “Các chú các cô trồng cây phải biết để dành đất trồng rau”.

Trong khu vườn Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều loài hoa, mỗi loài hoa mang một nét đẹp riêng, gợi nhớ những kỷ niệm về Bác. Trước nhà sàn và dọc theo con đường quanh ao cá có hàng râm bụt đỏ, gợi nhớ làng Sen quê Người. Trước nhà sàn, những khóm mộc, sói, nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ, vàng được trồng trong các ô đất nhỏ làm cho không gian xung quanh nhà sàn luôn phảng phất hương thơm. Hoa phong lan khoe sắc màu tinh khiết. Hoa bưởi, hoa cam tỏa hương thơm ngát. Những cây hoa ban màu trắng, tím, hồng. Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ tươi buông sát mặt nước. Những gốc hoàng lan, ngọc lan hương thơm dịu ngọt. Giàn ti gôn đua sắc tím, hồng…

Vườn cây Bác Hồ mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên, cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống, mà còn thấm đẫm tình yêu thương con người và tình cảm Bác dành cho mọi miền quê trên đất nước Việt Nam. Dù Bác đã đi xa nhưng dưới bàn tay chăm sóc của cán bộ, nhân viên Khu Di tích, vườn cây của Bác vẫn bốn mùa xanh tươi; vườn cây, ao cá, nhà sàn và quần thể Di tích là điểm tham quan ý nghĩa của các đoàn khách quốc tế, đặc biệt, là địa chỉ vô cùng thân thương mà mỗi người con đất Việt luôn ao ước được tới thăm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Rừng mãi xanh nhờ… hương ước
(TN&MT) - Trong quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, rừng là sinh mệnh, là nơi thần linh ngự trị. Bởi lẽ đó mà người Cống bản Lả Chà, xã Pa Tần của huyện Nậm Pồ (Điện Biên) yêu rừng như yêu bản.
Đừng bỏ lỡ
  • Quảng Bình: Mưa lớn nhiều thôn bản bị chia cắt, cô lập
    Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Tình hình mưa các trạm đo được tính từ 01h ngày 25 đến 17h ngày 26/9: Hóa Thanh 663,4 mm, Minh Hóa 554,8 mm, Dân Hóa 494 mm, Thanh Hóa 465 mm, Hương Hóa 493,8 mm, Tuyên Hóa 425,8 mm…
  • Sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá: Cách làm độc đáo, hiệu quả
    (TN&MT) - Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm đưa những kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống.
  • Tết Trung thu – Tết của sẻ chia
    (TN&MT) - Với mong muốn mang Tết Trung thu đầm ấm, trọn vẹn niềm vui đến với trẻ em vùng cao, ngày 25/9/2023, Chi đoàn Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT đã tổ chức chương trình “Tết trung thu – Tết của sẻ chia”, dành tặng những món quà ý nghĩa đến trẻ em đồng bào vùng cao thuộc Bản Hang Chú, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
  • Lai Châu chú trọng đầu tư phát triển cây chè
    (TN&MT) - Lai Châu có lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng phát triển các sản phẩm nông nghiệp như chè, nếp tan Co Giàng, miến dong Bình Lư, sa nhân, đương quy, sơn tra,…Trong đó, cây chè ở tỉnh Lai Châu đã khẳng định được vị trí trong các sản phẩm nông nghiệp.
  • Hoàn thiện nội thất, đón lượng du khách “khủng” đổ về NovaWorld Phan Thiet
    Chứng kiến lượng khách nườm nượp đổ về NovaWorld Phan Thiet, biệt thự cho thuê thường xuyên trong tình trạng full – booking và chính bản thân cũng không thể book được biệt thự cho cả gia đình vào dịp lễ 2/9 vừa qua, nhiều gia chủ nóng lòng lên kế hoạch hoàn thiện nội thất ngay sau khi nhận nhà để đưa vào vận hành, khai thác cho thuê.
  • Lào Cai: Nông dân là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu
    (TN&MT) - Đó là 1 trong 18 mục tiêu chính được Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Lào Cai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đề ra tại hội nghị tổ chức vào ngày 26/9/2023.
  • Khánh thành ngôi trường được xây dựng từ nguyên vật liệu tái chế từ nhựa
    Ngày 26/9, điểm trường khu Lang thuộc Trường Mầm non Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã được khánh thành. Điểm đặc biệt của công trình là 50% nguyên vật liệu (gạch và ngói) sử dụng từ vật liệu nhựa tái chế, với tổng khối lượng nhựa tái chế lên đến gần 44,87 tấn.
  • Hà Tĩnh: Mưa lớn gây sạt lở, ngập úng ở nhiều nơi
    Trong hai ngày 25 và 26/9, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn gây sạt lở, ngập úng nhiều tuyến đường, cầu và diện tích cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn.
  • Những con người vươn lên từ bản
    (TN&MT) - Tự bao đời nay, đồng bào các dân tộc vùng Điện Biên luôn chịu thương chịu khó, tay làm hàm nhai. Bao giọt mồ hôi đổ xuống làm ruộng đồng xanh tốt. Một dạo, họ đua nhau về xuôi tìm kiếm cơ hội việc làm, đất, vườn bỏ hoang…Nhưng không phải ai cũng có thể đi xa, trong số ấy cũng có những người bám trụ lại làm giàu từ bản…Dù thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Nhưng chí ít họ đã từng bước thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất ông cha để lại, dẫu những nhọc nhằn cất lên từ bản…
  • Cảnh Hưng: Nỗ lực giảm nghèo, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
    Nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2023 - 2025, xã Cảnh Hưng (Tiên Du, Bắc Ninh) đã triển khai nhiều mô hình thiết thực giúp người dân giảm nghèo bền vững, mang lại diện mạo mới cho khu dân cư.
  • Ba Chẽ thoát nghèo từ trồng rừng
    (TN&MT) - Những năm qua, huyện miền núi Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm khai thác lợi thế tự nhiên, phát huy thế mạnh từ rừng, phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, tạo sinh kế, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
  • Đà Nẵng nhận Giải thưởng quốc tế Thành phố thông minh Seoul
    Thành phố Đà Nẵng vinh dự nhận được Giải thưởng quốc tế Thành phố thông minh Seoul (Seoul Smart City Prize). Đây là năm đầu tiên giải thưởng Thành phố thông minh Seoul được Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới (gọi tắt là WeGO) và Chính quyền thành phố Seoul đồng tổ chức xét chọn và trao giải.
  • Hội thảo khoa học nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh
    (TN&MT) - Ngày 26/9, tại TP. Uông Bí, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững".
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO