Vùng ven biển Bến Tre mong đợi những công trình chống sạt lở

Bạch Thanh| 04/03/2020 16:10

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất mà còn tác động không nhỏ đến đời sống và sinh kế của người dân vùng ven biển.

Sóng biển phá nát đê bao bảo vệ đất sản xuất của người dân

Diễn biến phức tạp

Có mặt tại bờ biển Cồn Ngoài, thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri), đây là một trong những khu vực sạt lở diễn ra nhanh và mang tính phức tạp nhất của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua. Dù gần cuối mùa gió chướng, nhưng vào những ngày này triều cường vẫn dâng cao, từng cơn sóng dữ vỗ sầm sập như muốn “nuốt chửng” đê bao bảo vệ đất sản xuất của người dân.

Tại khu vực đất mà phía ngoài đã không còn rừng ngập mặn che chắn, phóng viên gặp cô Lâm Thị Trận, năm này gần 60 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hải cho biết, trước đây những cánh rừng mắm, phi lao cao vút đầu người chạy dài từ đê kè ra ngoài biển tới hàng trăm mét, nhưng giờ đây đất, rừng đã mất, vuông nuôi tôm chỉ còn lại bờ bao nhỏ bé lại phải chống chọi với sóng biển.

Theo cô Trận, mấy năm gần đây, cứ vào mùa gió chướng thổi mạnh, từng cơn sóng dữ liên tục ập vào, cuốn phăng những khu rừng, khoảnh đất còn lại của người dân với tốc độ nhanh đến kinh ngạc. Mỗi khi thấy triều cường, giông gió là cô Trận cũng như mọi người dân nơi đây cảm thấy lo sợ.

Biển xâm thực sâu vào đất liền

Bà Hai Lé - người làm ăn sinh sống ở Cồn Ngoài đã hơn 35 năm cho biết, sóng biển đã lấy mất đi phần đất của gia đình bà tới hơn 1/2 diện tích, phần đất và ngôi nhà của đứa con trai của cô cũng không còn nên gia đình người con này phải dắt díu nhau tìm nơi khác để mưu sinh. 

Trong khi đó, tại Cồn Lợi - khu vực ven biển cửa sông Hàm Luông thuộc xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), những dãy cây rừng phi lao phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng đã bị nước đánh trôi, nhiều tuyến đê ven bờ cũng bị xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng, làm cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng (69 tuổi, ngụ Cồn Lợi) cho rằng, từ nhiều năm nay sóng biển đã ăn sâu vào đất liền khu vực ven biển này lên đến hàng cây số. Giờ đây, không chỉ có ông Hưởng, mà rất nhiều hộ dân làm ăn sinh sống ở Cồn Lợi này cũng đều cảm thấy bất an, lo lắng mỗi khi mặt biển lại nổi lên cơn sóng dữ.

Theo ông Lâm Văn Ô - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri), người dân trên cồn chủ yếu mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và trồng các loại hoa màu trên đất giồng cát ven biển. Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nước biển dâng cao nên bờ biển sạt lở sâu vào đất liền đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn cuộc sống và tính mạng của các hộ dân, cũng như các công trình đã được đầu tư xây dựng.

Sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ven biển

Chờ đợi những công trình

Qua thống kê của ngành chức năng, tỉnh Bến Tre có đường bờ biển dài 65km, hiện có 8 điểm sạt lở, trên tổng chiều dài 19km bờ biển. Sạt lở lấn sâu vào trong đất liền trung bình hàng năm khoảng 10-15 m, làm mất trên 120ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển. 

Trong đó, bờ biển khu vực Cồn Ngoài, thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri có chiều dài sạt lở trên 4km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài, khu vực bãi bắn của Quân sự huyện Ba Tri và mất hàng cây phi lao ven biển.

Riêng bờ biển khu vực xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, chiều dài sạt lở khoảng 10km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Khu di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc Cồn Bửng; mất dần dãy rừng phòng hộ ven biển thuộc 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. 

Ngoài ra, có 5 điểm sạt lở ven biển tại khu vực xã Thừa Đức, huyên Bình Đại với chiều dài sạt lở 5,3km có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đê biển làm giảm khả năng phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới.

Bến Tre tiến hành đầu tư các dự án sạt lở bờ biển

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Thương - Chi cục phó Chi cục Thủy Lợi Bến Tre cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình sạt lở bờ biển tại Bến Tre ngày càng nghiêm trọng. Thời gian qua, bên cạnh các giải pháp phi công trình như vận động người dân cùng ứng phó với thiên tai, cắm biển báo sạt lở, trồng cây chắn sóng, gây bồi..., ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện các giải pháp công trình. Tuy nhiên, theo ông Thương, do nguồn lực thực hiện có hạn, nên việc khắc phục sạt lở vẫn chưa ổn định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã quyết định đầu tư các dự án khẩn cấp về sạt lở bờ sông, bờ biển. Cụ thể, đã khởi công xây dựng công trình kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài (huyện Ba Tri), giai đoạn đầu xây dựng tuyến kè dài 800m với kinh phí gần 45 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào đầu tháng 5/2020.

Riêng đối với kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng (huyện Thạnh Phú), dự án này có 2 đoạn: đoạn 1 thuộc bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Hải dài 860m; đoạn 2 thuộc bờ biển xã Thạnh Phong dài 1.100m. Tổng mức đầu tư của dự án gần 63,5 tỷ đồng. Dự án sẽ hoàn thành vào đầu quý III/2020.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Điền, hiện tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kính phí khoảng 325 tỷ đồng để đầu tư xây dựng giải pháp chống sạt lở, xâm thực các khu vực nghiêm trọng cần xử lý cấp bách nhất hiện nay như: khu vực Cồn Lợi, huyện Thạnh Phú; Cồn Nhàn, huyện Ba Tri; khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng ven biển Bến Tre mong đợi những công trình chống sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO