Xã hội

Vùng đồng bào DTTS&MN khu vực miền trung - Tây nguyên: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Hoàng Hiền (tổng hợp) 03/07/2023 - 14:14

(TN&MT) -  Ủy ban Dân tộc vừa phối hợp Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi khu vực miền trung-Tây nguyên từ năm 2021 đến năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai giai đoạn 2026-2030.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Tổ trưởng Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, khu vực miền trung-Tây nguyên gồm 17 tỉnh, thành phố; bao gồm 445 xã khu vực I; 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 24.53% thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước). Phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình ở đây gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện.

anh-dtts-1889.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Một trong những vướng mắc nữa được nêu ra tại Hội nghị đó là hiện nay đa số hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thiếu tư liệu sản xuất, nhất là về đất sản xuất. Theo Chương trình thì đối với các địa phương không có đất sản xuất để giao cho hộ nghèo thì người dân được Nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng và được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 77,5 triệu đồng để mua đất sản xuất, với số tiền 100 triệu đồng thì ở tỉnh Khánh Hòa tùy theo từng vùng chỉ mua được tối đa từ 1.000–2.000m2 đất sản xuất, không đủ 50% hạn mức đất sản xuất tại địa phương, với diện tích đất như vậy thì không đủ để xóa nghèo.

Chính vì vậy, cần bổ sung các chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về đất đai, vốn tín dụng ưu đãi, thuế, điều kiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, sinh kế cho người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy mới được triển khai thực hiện từ nửa cuối năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia Dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Tính đến thời điểm 31/5/2023, kết quả thực hiện giải ngân Chương trình trong khu vực đạt 1.397.759 triệu đồng, đạt 10,62%. Đến nay, một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3,81%, vượt 0,81% so mục tiêu kế hoạch giao; trong đó, một số địa phương đã vượt ở mức cao như Thừa Thiên-Huế 11,04%; Quảng Nam 7%; Khánh Hòa 6%...

Trước thực tế triển khai thực hiện chương trình tại các địa phương còn nhiều khó khăn, đồng chí Hầu A Lềnh yêu cầu Hội nghị ưu tiên thời gian tập trung các nội dung trọng tâm: Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính nền tảng, đặc thù tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021-2025) tại các địa phương; xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2024-2025 để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình cho cả giai đoạn I; những kiến nghị về cơ chế, chính sách và đặc biệt là những đề nghị điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và cả nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024-2025 của các địa phương.

Để Chương trình vào đi cuộc sống và thật sự có hiệu quả, hệ thống các chính sách, quy định, hướng dẫn thực hiện phải đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về đất đai, vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đầu tư… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mang tính tổng thể, gồm 10 dự án do 23 bộ, ngành cùng quản lý, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị các cơ quan chủ quản các dự án, tiểu dự án và nội dung chương trình đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công phân nhiệm rõ ràng, tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện của các địa phương để đề xuất, tham mưu hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đồng bào DTTS&MN khu vực miền trung - Tây nguyên: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO