Vui Tết Độc lập trên cao nguyên Mộc Châu

Nguyễn Nga | 02/09/2022, 06:40

(TN&MT) - Đã thành thông lệ, ngày 2/9 hằng năm, đồng bào dân tộc Mông cùng bà con các dân tộc khác ở khắp nơi đều tập trung về Trung tâm huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La để vui Tết Độc lập, cùng gặp gỡ, vui chơi, mua sắm và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Tết Độc lập là ngày hội lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh Sơn La.

Nét đẹp truyền thống văn hóa

Theo phong tục tổ tiên, đồng bào Mông chỉ ăn Tết một lần vào cuối năm dương lịch. Nhưng từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là ngày Tết Độc lập của dân tộc. Vào dịp này, các gia đình người Mông thường treo cờ Tổ quốc, nô nức rủ nhau xuống thị trấn vui Tết. Mừng Tết Độc lập chính là cách người Mông dạy cho con cháu mình đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo niềm tin sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

xoe-thai.jpg

Những chàng trai, cô gái Thái mang đến lễ hội đường phố điệu xòe truyền thống.

Lên thăm cao nguyên Mộc Châu và tới các bản làng của người Mông vào những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí náo nức, vui nhộn của ngày Quốc khánh 2/9. Tết Độc lập là ngày hội lớn nhất của Mộc Châu, nhân dân các dân tộc từ bản gần đến bản xa cùng nhau đổ về Trung tâm huyện vui Tết. Những con đường quanh thị trấn tràn ngập sắc màu trang phục truyền thống của các dân tộc, tiếng khèn, tiếng trống, chiêng rộn rã. Dù chưa từng quen biết, nhưng đã đến đây thì mọi người đều là bạn, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, khoảng cách xa gần, cùng tâm sự, sẻ chia, cùng vui chơi trong không gian chan hòa, thân thiện và gần gũi của tình đoàn kết.

Để chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập, người phụ nữ Mông thường dành hơn nửa năm để tự may cho mình và gia đình những bộ váy áo truyền thống mặc ngày Tết. Trang phục của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu, với những nét độc đáo về kiểu dáng, màu sắc hoa văn, làm nổi bật vẻ xinh đẹp, duyên dáng, sự khéo léo của người con gái dân tộc Mông.

Diện trên mình bộ quần áo truyền thống tươi đẹp, chị Mùa Thị Lụa (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu) phấn khởi: Để có bộ quần áo mới mặc ngày Tết, mình đã dành 7 tháng để chuẩn bị, từng đường kim, mũi chỉ được tỉ mỉ may vá, chỉ mong sao có bộ quần áo đẹp nhất cho chồng con đi vui Tết.

Xúng xính váy áo xuống phố, cô bé Thào A Dia (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) vui vẻ: “Hai năm vừa qua, do dịch bệnh nên chúng em không xuống huyện chơi Tết. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát rồi, chúng em đã hẹn nhau cùng đi chơi rừng thông bản Áng, tham quan cầu kính…”

a3-1(1).jpg

Đêm không ngủ…

Trước đây, ngày này còn được người dân Mộc Châu gọi với cái tên khá đặc sắc là “Đêm hội người Mông”. Gọi như vậy, bởi khi đó, tham gia ngày hội chủ yếu là đồng bào Mông ở Mộc Châu và một vài huyện lân cận tìm về, chưa có sự giao thoa đa dạng với các dân tộc và địa phương khác như ngày nay.

Tết Độc lập thường kéo dài từ ngày 28/8 đến ngày 2/9, nhưng đông vui nhất là đêm mùng 1/9. Đêm hôm ấy, những chàng trai, cô gái mới lớn xuống chợ tình Mộc Châu để tìm hiểu, hẹn hò, trao gửi lời yêu, nên duyên đôi lứa. Những cô gái diện trên người chiếc váy xòe rực rỡ, người con trai quần áo bảnh bao, khăn vuông quấn cổ, khèn vác ngang vai… Khi tiếng khèn gọi bạn của các chàng trai vang lên, những điệu múa hát đầy duyên dáng, tự nhiên của các chàng trai, cô gái trên đường phố là những nét văn hóa độc đáo mà ít nơi có được.

Còn với người Mông lớn tuổi, đây là dịp để họ tìm gặp lại người thân, bạn cũ, nếu từng yêu nhau mà không nên duyên thì cũng mong gặp lại nhau nơi phiên chợ, để thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. Dường như cả đêm hôm đó bà con không ngủ, mọi người đi dọc các con phố trưng bày đủ loại hàng hóa, hoặc ngồi quây quần mời nhau uống rượu, hỏi han nhau thân thiết như thể người thân lâu ngày mới gặp. Họ chia sẻ với nhau đủ chuyện từ gia đình, làng xóm đến mùa màng, kỹ thuật canh tác…

Anh Giàng A Lao (xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu) vui vẻ: “Năm nay mình xuống chơi phố huyện từ 30/8. Đây là Tết của dân tộc mình, nên nhà ai dù bận mấy cũng thu xếp đến đây để vui chơi, gặp gỡ, cùng tham gia các hoạt động”.

a7(1).jpg

Sắc màu văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông.

Những năm gần đây, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Mộc Châu đã đưa hoạt động đón Tết Độc lập của người Mông thành Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, duy trì tổ chức thường niên. Tết Độc lập đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả ở nước bạn Lào cùng về đây vui tết.

Dư âm còn mãi…

Sau 2 năm tạm dừng tổ chức các hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu diễn ra từ ngày 28/8 đến hết ngày 2/9. Cao nguyên Mộc Châu được trang hoàng rực rỡ sắc cờ hoa, những dòng người từ mọi miền đổ về trung tâm huyện để tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí. Con đường Quốc lộ 6 nhiều khi ách tắc, nhưng ai đi qua cũng bị hấp dẫn bởi không khí náo nhiệt, tưng bừng, sôi động.

Bà Đinh Thị Hường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện năm 2022 là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và phát triển tiềm năng du lịch, quảng bá, giới thiệu với du khách, bạn bè trong và ngoài nước về một Mộc Châu năng động, giàu tiềm năng, đậm đà bản sắc dân tộc và là điểm đến lý tưởng vùng Tây Bắc. Để đảm bảo cho ngày hội diễn ra thành công, UBND huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn phổ biến kế hoạch đến các bản, tiểu khu và nhân dân cùng tham gia các hoạt động của ngày hội; đảm bảo công tác an ninh, trật tự; ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, giải tỏa hành lang an toàn giao thông…

Theo UBND huyện Mộc Châu, Ngày hội năm nay diễn ra với 12 hoạt động chính, gồm: Chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giới thiệu miền đất, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu; vòng xòe đoàn kết các dân tộc; trại văn hóa các dân tộc; hội thi trình bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc; thi trình diễn văn hóa cộng đồng; thi giã bánh dày; chợ thổ cẩm; trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, du lịch huyện Mộc Châu…

Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại khu vực rừng thông bản Áng, xã Đông Sang và khu vực cửa khẩu Lóng Sập; Các tour tham quan du lịch đến các di tích, danh thắng, điểm tham quan du lịch như thác Dải Yếm, trải nghiệm khu du lịch Mộc Châu Island, trại du lịch bò sữa Dairy Farm, tham quan các đồi chè, mô hình trồng, sản xuất chè, rau quả sạch, hoa chất lượng cao; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh như Hang Dơi, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, đồn Mộc Lỵ…

Một trong những hoạt động đặc sắc nhất là lễ hội đường phố, tái hiện hoạt động văn hóa cộng đồng với các nghệ nhân, diễn viên tham gia biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ của các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao tại một số điểm trên tuyến đường Quốc lộ 6, đường nội thị huyện Mộc Châu. Mỗi dân tộc mang đến lễ hội một cách thể hiện, trình diễn nét đặc trưng riêng có của dân tộc mình. Nếu như đồng bào dân tộc Mông vui tươi trong điệu nhảy dẻo dai, tiếng khèn gọi bạn ngọt ngào, thì đồng bào dân tộc Dao mang đến những điệu múa chuông rộn rã, sinh động. Những cô gái người Mường dịu dàng, đằm thắm; những chàng trai, cô gái Thái với điệu xòe truyền thống…

Lần thứ 4 đến với Mộc Châu, nhưng với chị Hà Thị Huyền (tỉnh Tuyên Quang) mỗi lần lên thăm Mộc Châu lại mang đến những cảm nhận, trải nghiệm, những rung động khác nhau. Chị Huyền vui vẻ: “Nhận được thông báo năm nay có ngày hội, nhóm tôi có 10 người đã liên hệ đặt khách sạn từ đầu tháng 8. Đến Mộc Châu lần này, tôi thấy Mộc Châu ngày càng phát triển, không khí trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thêm các điểm du lịch mới, đẹp, hấp dẫn”.

Còn anh Nguyễn Đức Toàn (Quảng Ninh), anh và gia đình đã rất háo hức cho chuyến đi Mộc Châu lần này. “Nghe bạn bè giới thiệu đã lâu, gia đình tôi rất muốn lên tham quan, trải nghiệm văn hóa các dân tộc nơi đây. Nhưng mấy năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chưa thực hiện được. Nhân dịp này được nghỉ phép, tôi đã đưa gia đình lên từ trước Ngày lễ, đến thăm, trải nghiệm các điểm du lịch cộng đồng, một số bản làng của người dân. Đồng bào nơi đây rất hiền hậu, mến khách, thân thiện. Các món ăn dân tộc rất ngon, hấp dẫn, hương vị độc đáo. Chắc chắn, chúng tôi sẽ còn quay lại với mảnh đất này” - anh Toàn chia sẻ.

Không chỉ du khách trong nước, cao nguyên Mộc Châu cũng hấp dẫn đông đảo khách du lịch nước ngoài. Anh Daniel Jones, du khách người Anh, rất vui và hào hứng khi được tham gia giã bánh dày, các trò chơi dân gian, được thưởng thức các món ăn dân tộc đa dạng về vị, sắc, hương.

Thoắt cái, những ngày Tết qua mau. Người dân các dân tộc trên vùng đất cao nguyên Mộc Châu lại trở về cuộc sống thường ngày với những thung lũng mận, đồi chè bao la, bát ngát. Nhưng dư âm niềm vui trong ngày Tết Độc lập, sự ấm no, hạnh phúc hôm nay thì còn mãi, luôn là động lực để bà con huyện Mộc Châu nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung đoàn kết, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Họ bịn rịn chia tay, hẹn gặp lại nhau trong Ngày hội năm sau, để cùng sẻ chia vui buồn, nhìn lại một năm qua, cùng nâng chén rượu cay nồng, nắm tay nhau tham gia điệu xòe của tình đoàn kết…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc Lai Châu
(TN&MT) - Với 20 dân tộc, trên 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bức tranh văn hóa tỉnh Lai Châu có sự phong phú, đa dạng đồng thời mang những nét đặc trưng của từng dân tộc. Làm thế nào để khai thác thế mạnh này cho phát triển kinh tế - xã hội đồng thời gìn giữ, bảo tồn nét đặc sắc ấy và đưa hình ảnh, văn hóa các dân tộc Lai Châu đến bạn bè, du khách bốn phương?
Đừng bỏ lỡ
  • Tắt công tắc… tiết kiệm điện
    Sắp tới giờ “G” hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2023, người dân cả nước đang chờ đến 20h30 (1 tiếng đồng hồ), thứ 7, ngày 25/3/2023, để được góp một phần nhỏ bé của mình vào chiến dịch này, năm nay Giờ Trái đất với thông điệp: "Tiết kiệm điện - thành thói quen".
  • Thanh tra các Bộ khối Kinh tế ngành ký giao ước thi đua năm 2023
    (TN&MT) - Chiều 24/3, tại Hà Nội, Thanh tra các Bộ thuộc Khối Kinh tế ngành (Khối I), gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường (Khối trưởng), Bộ Thông tin và Truyền thông (Khối phó), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị ký kết giao ước thi đua và triển khai kế hoạch thi đua năm 2023.
  • Đảm bảo cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền 
    (TN&MT) - Những năm qua, Đảng Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách phát triển ra hướng biển, từ đó các tỉnh, thành đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế biển, từng bước đảm bảo cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền
  • Phát triển kinh tế rừng – góp phần vào công cuộc xóa đói – giảm nghèo
    Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tập trung quản lý hiệu quả diện tích đất đồi rừng. Đồng thời, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển trồng rừng gỗ lớn… Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói – giảm nghèo.
  • Những triệu phú ở xã đào Xuân Quang
    Con đường nhựa láng mịn, thênh thang dẫn về Xuân Quang, xã bán sơn địa, bám dọc Quốc lộ 70. Cùng với trí sáng tạo, quyết tâm cao và bàn tay lao động cần cù, khéo léo hàng trăm người nông dân nơi đây trở thành triệu phú nhờ trồng cây đào cảnh.
  • Đà Nẵng: Thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến cuộc sống phát triển bền vững
    TP. Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng rác thải nhựa ngày một gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ sinh thái. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Đà Nẵng đã thông qua nhiều chương trình, dự án thúc đẩy hoạt động phân loại, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.
  • Đẩy mạnh xây dựng phát triển văn hóa người Hà Nội
    (TN&MT) - Thông tin từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, theo đó Ban Tuyên giáo Thành uỷ vừa đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn Thủ đô tăng cường, cũng như đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội.
  • “Mở triệu ước mơ" - thông điệp đẹp, đậm chất nhân văn từ một show ca nhạc
    (TN&MT) - Không theo bất kỳ “công thức thành công” nào của các show âm nhạc, không quảng cáo rầm rộ và chỉ tổ chức trực tuyến, nhưng “NCB Sing & Share Show - Mở triệu ước mơ” lại hút khán giả một cách ấn tượng giữa vô vàn những chương trình giải trí nở rộ thời gian qua. Điều gì làm nên “phép màu âm nhạc” này?
  • Quảng Bình: Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nghèo yên tâm bám biển
    (TN&MT) - Với 6.792 tàu thuyền đánh bắt thuỷ, hải sản, thu hút trên 24.000 lao động, Quảng Bình là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền thuộc tốp đầu khu vực miền Trung. Chính bởi lẽ đó, trong những năm qua, địa phương này đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp ngư dân, đặc biêt là ngư dân nghèo yên tâm bám biển phát triển kinh tế.
  • Thanh Hóa: Nông thôn mới thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
    Chương trình xây dựng NTM nói chung, đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững tại các vùng nông thôn của tỉnh Thanh Hóa. Để hiểu rõ hơn về sự hiệu quả của chương trình này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa.
  • Bù Đốp - Bình Phước: Sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp giúp thoát nghèo
    (TN&MT) - Trong chiến lược phát triển kinh tế vùng biên của tỉnh Bình Phước, huyện Bù Đốp đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
  • Ba Tri không nghèo nữa

    Ba Tri không nghèo nữa

    20:19 23/03/2023
    Là một trong ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, trước đây, hình ảnh những căn nhà lá đơn sơ nghèo nàn nép mình bên những rừng cây, con đường làng đã ăn sâu vào ký ức với mỗi ai đã từng đến với xứ sở này. Thế nhưng, sau những nỗ lực giảm nghèo từ những giải pháp thiết thực, hiệu quả đã mang đến diện mạo mới cho miền quê biển Ba Tri, đời sống nhân dân nơi đây ngày càng được cải thiện, đổi thay.
  • Thanh niên Điện Biên sáng tạo xung kích trong chuyển đổi số
    (TN&MT) - Tháng Thanh niên năm 2023, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Điện Biên tích cực tham gia công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của Đoàn. Với nền tảng tri thức, đổi mới sáng tạo, thanh niên giữ vai trò xung phong đi đầu trong thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống
  • Nỗ lực đảm bảo quyền tự do tôn giáo, phản bác luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam
    (TN&MT) - Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tình thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam là Quốc gia đa tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật.
  • Triển lãm Nghệ thuật “Sen Việt 2023 – vẻ đẹp thuần khiết”
    (TN&MT) - Triển lãm "Nghệ thuật Sen Việt 2023: Vẻ đẹp thuần khiết" (diễn ra từ ngày 25/3 – 31/3, tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UNESCO phối hợp thực hiện với mong muốn chia sẻ, lan tỏa sự thuần khiết của hoa sen và vẻ đẹp trân quý của Phật giáo.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO