Vụ thương binh hơn 20 năm đi đòi đất: Từ chối nhận đất có diện tích không tương xứng

14/11/2016 00:00

(TN&MT) - Hơn 20 năm nay, vợ chồng người thương binh hạng 4/4 nhiễm chất độc da cam Lê Văn Dinh vừa phải còng lưng đi đòi lại thửa đất được mẹ vợ cho từ...

(TN&MT) – Hơn 20 năm nay, vợ chồng người thương binh hạng 4/4 nhiễm chất độc da cam Lê Văn Dinh (70 tuổi ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) không những vừa phải đi đòi lại thửa đất được mẹ vợ cho từ những năm 1975 của thế kỷ trước mà còn phải đấu tranh cho quyền lợi của hai người con trai của ông. Lí do là nhiều năm nay, vợ chồng ông đã gõ khắp các cửa quan để đề nghị cho hai con trai ông đi giám định thương tật xem có bị nhiễm chất độc da cam từ bố mình hay không?. Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu chính đáng của vợ chồng ông, UBND huyện Lục Nam tiếp tục thờ ơ với người thương bình đã từng là Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2.
 
Quyết định về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Sở Lao Động - TB&XH tỉnh Bắc Giang cấp cho ông Lê Văn Dinh vào năm 2010
Quyết định về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Sở Lao Động - TB&XH tỉnh Bắc Giang cấp cho ông Lê Văn Dinh vào năm 2010
 
Bố đấu tranh, con mất quyền lợi?
 
Ra quân sau hơn 17 năm cống hiến cho Quân đội nhân dân Việt Nam với quân hàm Thượng úy, chức vụ Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 với tỉ lệ thương tật lên đến 61% và bị nhiễm chất độc hóa học. Người cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Lê Văn Dinh về quê làm ăn sinh sống như bao người khác. Những tưởng cuộc sống của vợ chồng ông sẽ an lành hạnh phúc khi vào năm 1975, vợ chồng ông được mẹ vợ cho một thửa đất rộng hơn 200m2 tại thị trấn Đồi Ngô hiện nay và hai đứa con trai lần lượt ra đời. Tuy nhiên, khi các con bắt đầu lớn lên thì cũng là lúc những triệu chứng bệnh tật bắt đầu xuất hiện. Cả hai người con trai của vợ chồng ông bị mắc chứng bệnh toàn thân lở loét, chảy nước, quanh năm da bong tróc, mẩn ngứa.
 
Nuốt nước mắt vào trong, cả hai vợ chồng tìm mọi cách để lo cho hai con không thua kém bạn bè nhưng khi hai con chưa kịp trưởng thành thì thửa đất của hai vợ chồng ông bị UBND xã Tiên Hưng, UBND thị trấn Đồi Ngô và UBND huyện  Lục Nam cưỡng chế, thu hồi để bán cho hai người khác (trong đó có em trai của Chủ tịch UBND xã Tiên Hưng lúc bấy giờ). Không những thế, người con lớn là Lê Văn Giang (SN 1979) mặc dù may mắn lấy được vợ và có con. Nhưng trong quá trình hai vợ chồng sinh sống, do cơ thể anh Giang bị bong tróc lở loét như quá nhiều nên người vợ đã bỏ chồng, bỏ con đi. Còn người con thứ hai là anh Lê Văn Sỹ (SN 1987) thì không lấy được vợ vì không người con gái nào dám lấy anh khi cơ thể cũng bị như anh trai.
 
Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án một trong hai con trai của ông Lê Văn Dinh, trong đó ghi rõ bệnh diễn biến 20 năm nay
Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án một trong hai con trai của ông Lê Văn Dinh, trong đó ghi rõ bệnh diễn biến 20 năm nay
 
Ông cho biết, gia đình đã đưa các con đi khám, chữa trị ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng không khỏi. Chính vì thế, sau khi có chuẩn đoán của bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang về 2 người con của ông bị bệnh vẩy nến, nấm da thì ông nghĩ ngay đến việc hai người con bị di chứng của chất độc da cam từ mình truyền sang. 
 
Ông đã mang hồ sơ lên phòng Lao Động – Thương Binh & Xã Hội huyện Lục Nam để đề nghị hướng dẫn cho 2 người con trai đi giám định y khoa xem có phải bị phơi nhiễm với chất độc hóa học hay không mà sinh ra lại bị dị dạng, di tật như vậy. Tuy nhiên, cán bộ nơi đây họ không xem xét, cũng không hướng dẫn ông phải làm như nào mà chỉ bảo con ông không đủ điều kiện được hưởng theo quy định mặc dù bản khai cá nhân của hai người con trai bị dị dạng, dị tật đã được UBND thị trấn Đồi Ngô xác nhận.
 
Ông Lê Văn Dinh từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt, trước khi ra quân do sức khỏe yếu ông Dinh là Thượng úy, chức vụ Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2
Ông Lê Văn Dinh từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt, trước khi ra quân do sức khỏe yếu ông Dinh là Thượng úy, chức vụ Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2
 
Theo lời tâm sự của vợ chồng ông Dinh và ghi nhận trên thực tế của PV thì ngoài khoản tiền trợ cấp thương binh hàng tháng thì gia đình ông không có thêm các nguồn thu giá trị khác vì hai người con trai không có sức khỏe được “bình thường” như những người khác. Vì vậy, cho dù hiện tại hai ông bà sức khỏe đã yếu nhưng vẫn phải gồng mình làm các công việc nặng nhọc để có tiền trang trải sinh hoạt và thuốc men cho hai người con.
 
Bản khai đề nghị giải quyết chế độ cho con cái người hoạt động kháng chiến sinh con bị dị tật, dị dạng đã được UBND thị trấn Đồi Ngô xác nhận nhưng UBND huyện Lục Nam đã phớt lờ đề nghị chính đáng này của ông Lê Văn Dinh
Bản khai đề nghị giải quyết chế độ cho con cái người hoạt động kháng chiến sinh con bị dị tật, dị dạng đã được UBND thị trấn Đồi Ngô xác nhận nhưng UBND huyện Lục Nam đã phớt lờ đề nghị chính đáng này của ông Lê Văn Dinh
 
Vô cảm, thiếu trách nhiệm?
 
Trong vụ việc này, không phải nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường không có thiện chí để tìm gặp những người có trách nhiệm tại huyện Lục Nam cũng như cá nhân ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Đức Đăng (người khi còn giữ chức PCT UBND huyện Lục Nam đã ký trực tiếp cấp sổ đỏ cho hai người mua được đất của ông Dinh do UBND huyện Lục Nam thu hồi và bán lại), để nhằm có thông tin đa chiều, khách quan. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của chúng tôi (nhiều lần tới UBND huyện) chỉ là thái độ thờ ơ và lẩn tránh của họ khi không trả lời, không cung cấp bất cứ văn bản nào liên quan tới việc này.
 
Quyết định của Tư lệnh Quân đoàn 2 đồng ý cho Thượng úy, Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 được nghỉ mất sức sau hơn 17 năm trong quân đội.
Quyết định của Tư lệnh Quân đoàn 2 vào tháng 4/1983 đồng ý cho Thượng úy Lê Văn Dinh, Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 được nghỉ mất sức và được hưởng trợ cấp sau hơn 17 năm trong quân đội.
 
Và kết quả là sau rất nhiều nỗ lực thì chúng tôi đã có gần như đầy đủ các tài liệu cần thiết và cho đăng tải một loạt bài báo trên các ấn phẩm của Báo Tài nguyên và Môi trường về vụ người thương binh già Lê Văn Dinh hơn 20 năm đi đòi đất. Sau đó, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang là ông Nguyễn Văn Linh đã giao cho Thanh tra tỉnh thành lập Tổ công tác để tiến hành thanh tra lại toàn bộ vụ việc.
 
Ngày 18/10/2016 vừa qua, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang là ông Trương Văn Nam đã ký ban hành bản Báo cáo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu rõ: “UBND huyện Lục Nam và UBND xã Tiên Hưng, UBND thị trấn Đồi Ngô có biểu hiện tùy tiện, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, gây hậu quả khó khắc phục được” bởi chính việc thu hồi đất của hộ đang sử dụng (gia đình ông Lê Văn Dinh) có nhu cầu được giao đất để “hợp thức” cho 02 hộ chưa sử dụng đất gây nên sự mất công bằng giữa công dân với công dân đã dẫn tới sự khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Không những vậy còn làm mất lòng tin của nhân dân với chính quyền.
 
Chính vì vậy, tổ công tác kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý cán bộ vi phạm, chỉ đạo UBND huyện Lục Nam “Xem xét có giải pháp giải quyết về quyền lợi (xét giao đất ở) tương xứng cho hộ bà Thanh, ông Dinh và vận động công dân chấm dứt khiếu kiện”.
 
Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận UBND huyện Lục Nam, UBND thị trấn Đồi Ngô, UBND xã Tiên Hưng có biểu hiện tùy tiện, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, gây hậu quả khó khắc phục được
Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận UBND huyện Lục Nam, UBND thị trấn Đồi Ngô, UBND xã Tiên Hưng có biểu hiện tùy tiện, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, gây hậu quả khó khắc phục được
 
Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Lục Nam lại chỉ giao cho gia đình bà Thanh, ông Dinh một lô đất 81m2 (trong khi đất bị thu hồi nằm ở mặt đường thị trấn Đồi Ngô, có diện tích 229,6m2) tại khu vực kém giá trị hơn nhiều đó là khu đồng Rãng, thôn Già Khê Làng, xã Tiên Hưng và phải nộp tiền sử dụng đất. Sau khi biết được thông tin này và lên UBND huyện làm việc thì gia đình bà Thanh chỉ thống nhất phương án được giao đất ở và chấm dứt khiếu kiện nhưng phải giao đất có vị trí tương đương, bằng số diện tích đã thu hồi của gia đình bà trước đó và không phải nộp tiền sử dụng đất.
 
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Lục Nam thì đề nghị trên của bà Thanh, UBND huyện chưa đáp ứng được. UBND huyện đang tiếp tục xem xét, tìm biện pháp giải quyết vụ việc. Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang là ông Nguyễn Văn Linh đang chỉ đạo UBND huyện tập trung xem xét giải quyết vụ việc xong trong năm 2016.
 
Một trong hai người con trai bị bệnh 20 năm nay nhưng không được UBND huyện Lục Nam hướng dẫn thủ tục để đủ điều kiện đưa đi xét nghiệm, giám định xem có bị nhiễm chất độc da cam từ bố hay không
Một trong hai người con trai bị bệnh 20 năm nay nhưng không được UBND huyện Lục Nam hướng dẫn thủ tục để đủ điều kiện đưa đi xét nghiệm, giám định xem có bị nhiễm chất độc da cam từ bố hay không
 
Hy vọng rằng, sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thì các “công bộc” của huyện Lục Nam và những cá nhân, tổ chức có liên quan khác sẽ phải làm theo đúng tinh thần chỉ đạo là xong trong năm 2016 theo hướng vừa hợp lý lại vừa hợp tình. 
 
 
Tại thông tư liên tịch Số: 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Bộ Y Tế - Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ như sau
 
Điều 2. Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học
 
1. Ung thư phần mềm (Soft tissue sarcoma).
2. U lympho không Hodgkin (Non - Hodgkin's lymphoma).
3. U lympho Hodgkin (Hodgkin's disease).
4. Ung thư phế quản - phổi (Lung and Bronchus   cancer).
5. Ung thư khí quản (Trachea cancer).
6. Ung thư thanh quản (Larynx cancer).
7. Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer).
8. Ung thư gan nguyên phát (Primary liver cancers).
9. Bệnh đa u tủy xương ác tính (Kahler's disease).
10. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính (Acute and subacute peripheral neuropathy).
11. Bệnh trứng cá do clo (Chloracne).
12. Bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes).
13. Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm (Porphyria cutanea tarda).
14. Các bất thường sinh sản (Unusual births).
15. Rối loạn tâm thần (Mental disorders).
16. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh.
17. Tật gai sống chẻ đôi (Spina Bifida).
 
Điều 3. Phạm vi áp dụng Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học
 
1. Các bệnh, tật quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều 2 Thông tư này được áp dụng cho người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học.
 
2. Bệnh, tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh quy định tại các Khoản 14, 15 (chậm phát triển tâm trí hoặc gọi là chậm phát triển trí tuệ), 16 và 17 Điều 2 Thông tư này được áp dụng cho con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học.

Báo TN&MT tiếp tục thông tin vụ việc./.

Bích Động – Yên Thế
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ thương binh hơn 20 năm đi đòi đất: Từ chối nhận đất có diện tích không tương xứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO