Vụ rừng sinh thái Buôn Đôn (Đắk Lắk) bị phá: Trách nhiệm thuộc về ai?

11/12/2014 00:00

(TN&MT) - Các cơ quan chức năng đã khẳng định trách nhiệm để mất rừng thuộc về chủ rừng, tức Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk.

   
(TN&MT) - Hơn 1.300ha rừng sinh thái ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tiếp tục bị tàn phá. Các cơ quan chức năng đã khẳng định trách nhiệm để mất rừng thuộc về chủ rừng, tức Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk.
   
Nhiều cây lớn trong rừng sinh thái Buôn Đôn bị lâm tặc vào khai thác trái phép
   
Có chủ như không?
   
  Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco) được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 1.336,7ha đất và rừng tự nhiên để xây dựng khu du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn theo Quyết định số 900/QĐ-UBND ngày 23/5/2005. Sau khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khu du lịch sinh thái, công ty đã làm khá tốt chiến lược kinh doanh và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên. Từ năm 2009, Dakruco bắt đầu xây dựng đề án thành lập Công ty Cổ phần và sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 2892/QĐ-UBND ngày 8/11/2011, công ty cho các cổ đông góp vốn để thành lập Công CP Thương mại và Du lịch sinh thái Bản Đôn (gọi tắt là Công ty Bản Đôn).
   
  Sau khi Công ty Bản Đôn có hồ sơ xin thuê đất, thuê rừng, ngày 26/7/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn liên ngành (gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Sở TN&MT, Chi Cục Lâm nghiệp của Sở NN&PTNT tỉnh và Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn), phối hợp với Công ty Buôn Đôn và đại diện đơn vị tư vấn (Công ty CP Y Trí Nguyễn) tiến hành kiểm tra, rà soát thực tế. Đoàn liên ngành đã xác định hiện trạng rừng và đất đai ngoài thực tế và hồ sơ phù hợp; đồng thời yêu cầu Công ty Buôn Đôn phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian làm các thủ tục pháp lý.
   
  Thế nhưng, do kinh doanh không có hiệu quả và cho rằng Dakruco chưa bàn giao xong, Công ty Bản Đôn đã buông lỏng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khiến cho khu rừng này bị xâm hại nghiêm trọng. Tháng 12/2013, Công an huyện Buôn Đôn đã phát hiện, khởi tố 1 vụ án gồm 5 bị can về hành vi khai thác lâm sản trái phép tại rừng sinh thái, giá trị thiệt hại về rừng trên 62m3. Từ đầu năm tới nay, Công ty Bản Đôn, UBND xã Krông Na và đoàn liên ngành của huyện Buôn Đôn đã phát hiện hàng chục vi phạm lâm luật, thu giữ nhiều tang vật và xử phạt các đối tượng liên quan. Ngày 9/9/2014, qua kiểm tra thực tế, đoàn liên ngành huyện Buôn Đôn đã phát hiện 10 cây gỗ bị khai thác trái phép (trong đó có 1 cây gỗ Giáng hương ngay giữa trung tâm). Mới đây, trong chuyến đi vào hiện trường cuối tháng 10/2014, PV Báo TN&MT đã tận mắt chứng kiến hàng chục cây gỗ quý như giáng hương, căm xe, lim, gáo vàng… bị lâm tặc chặt hạ và “xẻ thịt” ngay tại gốc. Đặc biệt, nhiều cây mới bị chặt hạ, thân còn tươi và nằm ngay khu trung tâm, cạnh trục đường chính hoặc gần trạm quản lý, bảo vệ rừng mà “chẳng ai biết”.
   
   
Chủ rừng phải chịu trách nhiệm
   
  Theo đại diện ban lãnh đạo Dakruco, căn cứ vào kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành ngày 26/7/2012, công ty đã lập Tờ trình số 62/TTr-CT (ngày 13/12/2012) gửi lên UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị thu hồi diện tích rừng này để giao cho Công ty Bản Đôn. Đến ngày 14/1/2013, Sở TN&MT đã có văn bản số 43/STNMT-QLĐĐ đề nghị Công ty Bản Đôn thực hiện rà soát thông tin về rừng, hoàn chỉnh các hồ sơ liên quan để gửi về sở. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trôi qua, chẳng hiểu hồ sơ “vướng” ở đâu mà UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có quyết định thu hồi diện tích rừng Dakruco thuê để bàn giao lại cho Công ty Bản Đôn.  Về trách nhiệm trong việc để mất rừng, ông Huỳnh Văn Toàn - Phó Tổng Giám đốc Dakruco, cho hay: “Công ty Bản Đôn phải chịu trách nhiệm vì đã được đoàn liên ngành của tỉnh đã giao cho đơn vị quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian làm các thủ tục pháp lý”.
   
  Thế nhưng, ông Huỳnh Ngọc Khang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bản Đôn, lại phủ nhận ý kiến trên: “Chúng tôi hiện chỉ kinh doanh du lịch, việc để mất rừng thì Dakruco phải chịu trách nhiệm. Khi nào UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định giao đất, giao rừng thì chúng tôi mới có trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích này”. Về việc đoàn liên ngành của tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Công ty Bản Đôn phải quản lý, bảo vệ rừng theo biên bản rà soát ngày 26/7/2012, ông Khang cho rằng mình “không biết” vì mới về tiếp quản công ty.
   
  Theo ông Dương Văn Xanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, chủ rừng sinh thái phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý bảo vệ, trong trường hợp xảy ra vụ việc nghiêm trọng phải báo lên các cơ quan chức năng phối hợp để xử lý. Thế nhưng, chủ rừng lại “bỏ mặc” rừng, tạo điều kiện để lâm tặc hoành hành và đến khi địa phương phát hiện thì rừng đã bị mất quá nhiều. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Sở NN&PTNT và UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của Dakruco và Công ty Bản Đôn trong việc để mất rừng; đồng thời sớm thu hồi diện tích này (theo nội dung văn bản ngày 22/10/2014) để giao lại cho đơn vị khác có năng lực và chức năng quản lý, bảo vệ rừng” - ông Xanh cho biết thêm.
   
  Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: “Trên danh nghĩa, Dakruco vẫn là chủ rừng của hơn 1.300 ha đất và rừng sinh thái ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Trong khi chờ đợi UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi, Dakruco phải chủ động tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chứ không thể giao nhiệm vụ này cho Công ty Bản Đôn. Việc để mất rừng trong diện tích được UBND giao cho quản lý bảo vệ, Dakruco phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
   
Bài & ảnh: Lê Phước
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ rừng sinh thái Buôn Đôn (Đắk Lắk) bị phá: Trách nhiệm thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO