Vụ phá hộ lan QL 1A tại Bắc Giang: Chọn đường vào doanh nghiệp hay chọn cống chui?

03/03/2018 16:42

(TN&MT) – Nhiều đoạn đường dọc tuyến QL 1A đoạn qua huyện Lạng Giang dù có hầm chui dân sinh giúp người dân thuận tiện đi lại, nhưng các đoạn hộ lan, dải tôn...

(TN&MT) – Nhiều đoạn đường dọc tuyến QL 1A đoạn qua huyện Lạng Giang dù có hầm chui dân sinh giúp người dân thuận tiện đi lại, nhưng các đoạn hộ lan, dải tôn lượn sóng vẫn bị tháo dỡ làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, hiện nay dọc tuyến đường QL 1A đoạn qua huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có rất nhiều đoạn hộ lan, dải tôn lượn sóng đã bị tháo dỡ nhằm mục đích làm bãi tập kết xe tải, bãi đỗ xe, kinh doanh VLXD hoặc làm xưởng sửa chữa ô tô…

Cụ thể, tại Km 96 + 400 (phải tuyến) lối vào bãi đỗ xe Samsung của doanh nghiệp Hoa Kỳ thuộc xã Quang Thịnh; Km 108 + 800 (trái tuyến) là lối vào bãi đỗ xe của Công ty Bích Thủy thuộc xã Tân Dĩnh; Km 109 + 700 (trái tuyến) là đường vào của một doanh nghiệp tư nhân tại xã Tân Dĩnh.

Bên cạnh đó, tại Km 109 + 802 (trái tuyến) cũng bị phá dỡ nhằm phục vụ đường vào nhà nghỉ Phúc Lâm của Công ty Đại Hồng Phúc và làm bãi tập kết ô tô hay như việc tháo dỡ hộ lan đoạn trước cửa Công ty Casablanca tại xã Tân Dĩnh.

Ngoài các địa điểm nêu trên, thì hiện nay trên địa bàn huyện Lạng Giang còn rất nhiều điểm hộ lan, dải tôn lượn sóng bị tháo dỡ nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm và lắp lại để đảm bảo an toàn giao thông. 

Trong khi đó, tại vị trí Km 109 + 802 trên QL 1A đoạn qua thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang) mặc dù có hầm chui dân sinh giúp người dân thuận tiện đi lại cũng như để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng tại đoạn này dải tôn lượn sóng vẫn bị tháo dỡ từ nhiều năm nay.
Vụ phá hộ lan QL 1A tại Bắc Giang: Chọn đường vào doanh nghiệp hay chọn cống chui?.
Nhiều đoạn đường dọc tuyến QL 1A đoạn qua huyện Lạng Giang dù có hầm chui dân sinh nhưng các đoạn hộ lan, dải tôn lượn sóng vẫn bị tháo dỡ.
Theo ý kiến của một số người dân cho rằng, việc tháo dỡ hộ lan sẽ giúp họ thuận tiện hơn cho việc đi lại, dễ dàng ra vào đường Quốc lộ.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, việc tự ý tháo dỡ hộ lan là nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của một số doanh nghiệp, cá nhân chứ không hẳn chỉ là để thuận tiện việc đi lại của người dân.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, cách đây vài năm, khi người dân có đơn đề nghị tháo dỡ đoạn hộ lan để mở lối đi xuống nhà nghỉ Phúc Lâm của Công ty Đại Hồng Phúc thì phía chính quyền xã Tân Dĩnh cũng đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế thì khu vực đó đã có hầm chui dân sinh để phục vụ việc đi lại của người dân nên đề nghị của người dân cho mở hộ lan làm đường đi dân sinh không được chấp thuận.
Vụ phá hộ lan QL 1A tại Bắc Giang: Chọn đường vào doanh nghiệp hay chọn cống chui?
Tình trạng phá dỡ hộ lan tại Km 108 + 800 (trái tuyến), lối vào bãi đỗ xe của Công ty Bích Thủy thuộc xã Tân Dĩnh.
Trước nhiều ý kiến thắc mắc về việc có hầm chui thì có được phép mở hộ lan lấy lối đi hay không, đại diện Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn (đơn vị thực hiện dự án làm cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn) cho biết, nếu điểm taluy trên 3m thì phải đóng hộ lan lại, còn dưới 3m thì không phải đóng. Tuy nhiên do công tác quản lý đất đai tại huyện Lạng Giang không tốt dẫn đến nhiều đoạn trước đây vốn là đất trũng, thùng vũng nhưng bị các cá nhân, tổ chức san lấp trái phép ngang bằng với mặt đường hiện tại.

Được biết cách đây gần 1 tháng, sau khi báo TN&MT phản ánh về tình trạng tự ý tháo dỡ hộ lan tôn lượn sóng, Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn tổ chức đóng hộ lan tại một số vị trí nhưng bị một số doanh nghiệp cùng người dân ra ngăn cản trái phép khiến việc khắc phục ngưng trệ.

Trả lời PV Báo Tài nguyên và Môi trường về việc có tiếp tục việc lắp đặt lại các vị trí hộ lan đã bị tháo dỡ hay không, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết trong tuần tới sẽ đề nghị Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn tiếp tục lắp lại các điểm bị phá dỡ.

Trong khi đó, ông Đặng Đình Quang – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.5 (Cục Quản lý đường bộ I) cho biết, do lần trước khi lắp đặt đã bị người dân ngăn cản nên cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu các quy định của pháp luật và hướng dẫn người dân nếu muốn được mở hộ lan thì phải làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Vụ phá hộ lan QL 1A tại Bắc Giang: Chọn đường vào doanh nghiệp hay chọn cống chui?
Việc khắc phục hộ lan bị phá dỡ vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh về thực trạng hàng rào hộ lan, dải tôn lượn sóng bảo vệ hành lang đường bộ QL 1A đoạn qua huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang liên tục bị các cá nhân, doanh nghiệp tự ý phá bỏ để mở lối đi làm bãi tập kết ôtô, kinh doanh nhà xưởng và vật liệu xây dựng gây bức xúc cho người tham giao thông.

Điều đáng nói, dù các cơ quan thông tấn báo chí liên tục phản ánh cũng như liên hệ với các đơn vị có trách nhiệm nhằm sớm khắc phục tình trạng trên nhưng dường như không có kết quả.

Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, tại thời điểm ngày 01/03, đa số đoạn rào hộ lan bị tháo dỡ trái phép trên QL 1A đoạn qua địa bàn huyện Lạng Giang vẫn chưa được cơ quan có trách nhiệm khắc phục, xử lý triệt để.

Đáng chú ý nhất là đoạn hộ lan sát nhà máy gạch Tân Xuyên thuộc xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang bị phá dỡ dẫn vào một khu đất rộng hàng nghìn m2 và thường xuyên có hàng chục xe trọng tải lớn tập kết.

Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang khẳng định, việc khắc phục dải tôn lượn sóng trên tuyến QL1A bị phá dỡ thuộc trách nhiệm của đơn vị BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, do đơn vị đã tháo dỡ và để các cá nhân, tổ chức lợi dụng phá theo.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ phá hộ lan QL 1A tại Bắc Giang: Chọn đường vào doanh nghiệp hay chọn cống chui?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO