Vụ cô giáo đòi đất ở Hà Giang: Vì sao xử mãi không xong?

26/04/2019 17:08

(TN&MT) - Phiên tòa phúc thẩm vụ cô giáo đòi đất tại Hà Giang lại một lần nữa phải hoãn lại khi vừa diễn ra phần thủ tục khai mạc. Như vậy suốt nhiều năm, cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang vẫn không ra được phán quyết cuối cùng.

Tại phiên xét xử vừa diễn ra hôm qua (25/4), TAND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu có mặt nhân chứng là ông Linh Văn Túc (Trường Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bắc Quang. Tuy nhiên, ông Túc vắng mặt không rõ lý do nên Hội đồng xét xử đã tuyên bố hoãn phiên tòa. Trước đó, kết quả thẩm định của Phòng Tài nguyên & Môi trường dựa theo hồ sơ đất đai tại địa phương qua nhiều thời ký, do ông Túc ký, đã bị tòa TAND huyện Bắc Quang bác bỏ.

Phiên tòa phúc thẩm trước đó vào tháng 9 năm 2018 cũng từng phải hoãn lại vì kết quả thẩm định đất đai chưa đảm bảo tỉnh khách quan. Sau đó các bên thống nhất mời cơ quan thẩm định độc lập. Sau nhiều lần thay đổi kết quả thẩm định, phiên tòa mới được mở lại nhưng tiếp tục hoãn.

Như Báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh, bà Nguyễn Thị Thu Phương (giáo viên ở xã Việt Vinh, Bắc Quang, Hà Giang) khởi kiện về việc nhà bà bị lấn chiếm đất đai nhưng chính quyền địa phương và cơ quan pháp luật giải quyết không đúng quy định pháp luật.

bac quang
Bản đồ năm 1991 đã thể hiện giữa mảnh đất của bà Phương và mảnh đất của doanh nghiệp Tỉnh Đào (trước đó của người khác) là 1 đường thẳng. Nay con đường này biến thành đường cong.

Theo nội dung đơn kiện, gia đình bà Phương có mảnh đất bên cạnh QL2 do bố mẹ để lại và đã được cấp sổ đỏ vào năm 2001. Bên cạnh đất nhà bà là đất 1 gia đình khác với phần tiếp giáp ở giữa là mương nước. Người dân trước đây thường hay đi tắt, qua lại dọc theo con mương này. Từ khi 1 doanh nghiệp mua mảnh đất bên cạnh rồi đổ đất lấn chiếm, con đường mòn dọc theo mương mất dần, người dân vẫn giữ thói quen đi qua đây rồi đi luôn lên phần đất nhà bà Phương. Năm 2015, người dân trong thôn tự ý tổ chức làm đường bê tông nối dài và đi qua phần đất nhà bà Phương.

Mặc dù cơ quan chuyên môn về đất đai đã chỉ, dựa theo bản đồ và tài liệu, đất nhà bà Phương bị lấn chiếm, nhưng UBND huyện Bắc Quang lại không coi đó là cơ sở mà lại ra quyết định theo 1 kiểu khác. Sau đó, tòa cấp sơ thẩm TAND huyện Bắc Quang lại đưa ra phán quyết vừa không giống UBND huyện, vừa khác hoàn toàn kết luận của cơ quan chuyên môn.

Lô đất bên cạnh của doanh nghiệp Đào Tỉnh đã bị kết luận là cấp sổ đỏ sai diện tích và bị thu hồi để cấp lại vì lấn ra ngoài. Theo bà, phần mương nước (cũng là con đường mòn của người dân) phải nằm trên phần đất đã bị doanh nghiệp này lấn chiếm. Đáng lẽ tòa phải yêu cầu doanh nghiệp trả lại phần đường này cho dân chứ không phải là nắn còn đường đi vào phần đất nhà bà.

Một trong những điều dễ dàng nhận thấy là kết quả xác minh của Phòng TN&MT huyện Bắc Quang đã chỉ rõ, theo bản đồ về đất đai năm 1991, con đường mòn trước đây nằm theo một đường thẳng nhưng thực tế hiện nay đã bị nắn cong sang một bên vào phần đất của bà Phương. Vậy nhưng tòa cấp sơ thẩm vẫn cho rằng đây là con đường cũ.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Phương cũng cho rằng, hồ sơ nguồn gốc đất đai tại địa phương đã thể hiện quá rõ. Vậy mà không hiểu lý do gì cơ quan tố tụng lại không công nhận cho bà.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật Interla, Hà Nội) cho biết, tại kết quả đo đạc của Văn phòng đăng ký đất đai ngày 28/12/2018 đã thể hiện nội dung kết quả này được đưa ra dựa trên mảnh trích đo địa chính với tài liệu, chứng cứ của tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang cung cấp. Việc tòa án cung cấp tài liệu chứng cứ để Văn phòng đăng ký đất đai ra kết quả đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ là hoàn toàn không khách quan. Tại buổi làm việc xem xét thẩm định tại chỗ ngày 26/12/2018 luật sư cũng như nguyên đơn không hề được biết thông tin TAND cung cấp bất cứ văn bản, tài liệu nào để phục vụ cho quá trình đo đạc. Mặt khác những tài liệu này là những văn bản gì cũng không được thể hiện trong biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 26/12/2018.

Trong vụ án này, mặc dù cơ quan tố tụng và chính quyền địa phương đưa ra những kết quả bất lợi cho bà Phương. Tuy nhiên trong các văn bản xác minh, thẩm định, các cơ quan này lại có những kết luận không giống nhau và theo những cơ sở không đồng nhất.

UBND huyện Bắc Quang lại ra quyết định thanh tra và kết luận rằng bà Phương chỉ bị lấn chiếm một phần đất rất nhỏ, chỉ 27m2. UBND huyện cũng xác nhận doanh nghiệp Tỉnh Đào bên cạnh đã được cấp sổ đỏ trái quy định pháp luật dẫn đến việc doanh nghiệp này đã lấn chiếm nhiều phần đất xung quanh. Bản án của TAND huyện Bắc Quang lại phủ nhận luôn cả quyết định của UBND huyện Bắc Quang. Diện tích đất bị lấn chiếm của bà Phương lại bị tòa thu hẹp lại chưa đến 1m2.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cô giáo đòi đất ở Hà Giang: Vì sao xử mãi không xong?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO