Vụ "chai nước Number 1 có ruồi": Vi phạm tố tụng từ giai đoạn điều tra?

20/12/2015 00:00

  (TN&MT) - Luật sư Nguyễn Tấn Thi, người bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh, cho rằng vụ án đã vi phạm tố tụng từ giai đoạn điều tra khi điều tra viên...

 

(TN&MT) - Vụ án Võ Văn Minh (ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị truy tố phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” đã bị Toà án tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 7 năm tù giam. Ngay sau phiên toà bị cáo Võ Văn Minh trao đổi với luật sư Phạm Hoài Nam (người bào chữa miễn phí) sẽ kháng cáo kêu oan ngay lên cấp phúc thẩm.

Bị cáo Võ Văn Minh đã bị tuyên án 7 năm tù
Bị cáo Võ Văn Minh đã bị tuyên án 7 năm tù

Tại diễn biến phiên tòa xét xử bị cáo Võ Văn Minh tội “cưỡng đoạt tài sản” - người được cho là đã dùng chai nước ngọt có ruồi để cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát. Luật sư Nguyễn Tấn Thi, người bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh, cho rằng vụ án đã vi phạm tố tụng từ giai đoạn điều tra khi điều tra viên cho phép luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn dân sự (Công ty Tân Hiệp Phát) dự cung.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi - người bào chữa miễn phí ho bị cáo Võ Văn Minh
Luật sư Nguyễn Tấn Thi - người bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh

Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng đây là hành vi vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng và đáng lẽ phiên tòa này không được xử bởi cần phải trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại theo đúng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, đáp trả những tranh luận này của luật sư, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định luật pháp không cấm và điều tra viên có quyền dùng mọi biện pháp để điều tra. Trong khi đó, Bộ luật tố tụng hình sự không có điều khoản nào qui định về việc luật sư của bị hại được tham dự những buổi lấy cung của bị can.

Luật sư Phạm Hoài Nam cùng Luật sư Nguyễn Tấn Thi bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh
Luật sư Phạm Hoài Nam cùng Luật sư Nguyễn Tấn Thi bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh

 

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại tòa
Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại tòa

Trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này Luật sư Quynh cho PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường biết: “Bản án sơ thẩm xử bị cáo Võ Văn Minh vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, có dấu hiệu không vô tư trong hoạt động điều tra của Điều tra viên khi cho luật sư đại diện nguyên đơn dân sự dự cung là bất thường, trái pháp luật tố tụng. Về nguyên tắc "Tố tụng hình sự" tại Điều 3, 12 BLTTHS " Điều 3 "Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”. Điều 12 "Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Như vậy, lí lẽ của vị Công tố viên đưa ra là “pháp luật không cấm” thì vẫn được làm là hoàn toàn trái với quy định của luật tố tụng hình sự. Việc điều tra viên của vụ án cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho Nguyên đơn được ngồi dự cung, ký biên bản hỏi cung là vi phạm nghiêm trong pháp luật tố tụng hình sự. Bởi lẽ trong luật tố tụng hình sự Điều 59 (BLTTHS) không có quy định nào cho phép luật sư (Người bảo vệ quyền lợi của đương sự) được phép dự cung. Luật tố tụng hình sự chỉ quy định luật sư bảo vệ quyền lợi, có quyền được phép tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi kết thúc hoạt động điều tra theo khoản 3 Điều 59 (BLTTHS)”.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

“Do đó, kiến nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh là hoàn toàn có cơ sở pháp luật. Việc vi phạm tố tụng là rõ ràng, có dấu hiệu thông cung, tiết lộ bí mật điều tra vụ án, không vô tư khách quan khi tiến hành tố tụng” – Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết.

 

Trong một diễn biến mới, Công ty Tân Hiệp Phát phát đi một thông cáo báo chí xin lỗi khách hàng và gia đình anh Võ Văn Minh. Trước đó tại Phiên toà bà Trần Bích Ngọc (Giám đốc điều hành) khi trả lời HĐXX về yêu cầu của mình thì bà trả lời: “Không yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng ông Minh đang nợ Công ty Tân Hiệp Phát một lời xin lỗi”.  

 

 

Điều 59. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự

1. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình.

2. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

3. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà; xem biên bản phiên tòa;

d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này. Đối với đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

4. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có nghĩa vụ:

a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật của vụ án;

b) Giúp đương sự về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

 

PV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ "chai nước Number 1 có ruồi": Vi phạm tố tụng từ giai đoạn điều tra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO