Voọc chà vá chân nâu - biểu tượng đa dạng sinh học của Đà Nẵng

03/03/2016 00:00

(TN&MT) - Với nhiều đặc điểm tự nhiên thuận lợi, bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) đang là nơi cư trú và phát triển lý tưởng của loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất hành tinh - Voọc chà vá chân nâu.

Bán đảo Sơn Trà - lá phổi xanh của Đà Nẵng
Bán đảo Sơn Trà - lá phổi xanh của Đà Nẵng

Nơi cư trú tuyệt vời của “Nữ hoàng” linh trưởng

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là một quần thể rừng và biển nằm bên cạnh thành phố, được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia năm 1980.

Với tổng diện tích tự nhiên là 4.439 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới mưa ẩm nguyên sinh. Rừng nguyên sinh trên bán đảo là nơi giao lưu của hai hệ động thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc. Nơi đây có thảm thực vật đặc sắc, nguồn gen thực vật nhiệt đới rất đa dạng, phong phú với số lượng cá thể lớn.

Theo các nhà sinh thái học, hiện, Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có Vọoc chà vá chân nâu, một loại linh trưởng đặc biệt hiếm hoi trên thế giới. 

" Nữ hoàng" của các loài linh trưởng

Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Ảnh: ST
Ảnh: ST

Ở Việt Nam, số lượng Voọc chà vá chân nâu  chiếm tới 83% số lượng vọoc trên thế giới, với khoảng 530 cá thể. Voọc chà vá chân nâu sống ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai... nhưng nhiều nhất là ở bán đảo Sơn Trà.

Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện từ năm 1969. Theo số liệu khảo sát nghiên cứu, theo dõi của Tổ chức bảo tồn Vooc chà vá quốc tế, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định.

Bảo vệ “biểu tượng đa dạng sinh học” của thành phố

Trong thời gian qua, thành phố Đã Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thực tế nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đặc biệt đối với loài Voọc chà vá chân nâu. Đồng thời, xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa ban quản lý rừng với các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước.

Ðặc biệt, thành phố đã đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái tại Sơn Trà phải theo hướng kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sự an toàn cho loài Voọc chà vá chân nâu.

Để nâng tầm công tác bảo vệ đa dạng sinh học, mới đây, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, Sở đã có tờ trình gửi UBND thành phố kiến nghị khẩn cấp thực thi các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã và đảm bảo đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.

Theo đó, Sở TN&MT đề nghị thành phố Đà Nẵng giao Sở NN&PTNT thực hiện báo cáo xác định diện tích, cắm mốc và có biện pháp quản lý chặt đối với Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, kiến nghị thành phố xem xét, sớm phê duyệt chủ trương lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2040.

Với quy hoạch này, Sở TN&MT đề nghị thành phố cho phép xây dựng hình ảnh cá thể voọc chà vá chân nâu là biểu tượng đa dạng sinh học của thành phố trong năm 2016. Đồng thời, đề nghị các hoạt động phát triển du lịch sinh thái phải đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của voọc chà vá chân nâu mới được xem xét.

H.Phúc

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Voọc chà vá chân nâu - biểu tượng đa dạng sinh học của Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO