Võ Nhai (Thái Nguyên): Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

03/09/2019 17:58

(TN&MT) - Võ Nhai là địa bàn giàu tiềm năng khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên. Ở đây có nhiều loại tài nguyên khoáng sản gồm: Sắt, chì kẽm, vàng gốc, vàng sa khoáng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, đá cát kết, cát, sỏi). Chính vì vậy, công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản được huyện quan tâm, quán triệt thực hiện nghiêm túc.

IMG 2492
Huyện Võ Nhai có tiềm năng khoáng sản phong phú.

Hiện, trên địa bàn huyện Võ Nhai có 15 đơn vị  được cấp phép khai thác khoáng sản; tổng có 19 giấy phép khai thác được cấp;  có 3 đơn vị, 3 giấy phép khai thác mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực.
Từ năm 2018 trở lại đây, huyện Võ Nhai đã ban hành nhiều văn bản phục vụ quản lý nhà nước về khoáng sản và khai thác khoáng sản như: Kế hoạch số 1934/KH-UBND ngày 25/9/2018 của UBND huyện về kế hoạch quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện; Công văn số 1961/UBND-TNMT ngày 28/9/2018 của UBND huyện về việc tổ chức thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa huyện võ Nhai với các huyện của tỉnh Lạng Sơn; Công văn số 377/UBND-TNMT ngày 28/02/2019 của UBND huyện về việc tăng cường và thực hiện quản lý các hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn huyện và ban hành các văn bản chỉ đạo khác về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện. 

IMG 2606
Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trọng tín (Cụm công nghiệp Trúc Mai - Võ Nhai) sản xuất chế biến khoáng sản, quan tâm bảo vệ môi trường.

Ông Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai khẳng định: Công tác quản lý khoáng sản đã đem lại hiệu quả, các hoạt động khoáng sản đã đi vào nề nếp, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đã đóng góp ngân sách cho huyện nguồn thu đáng kể và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, các yếu tố đó đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Kết quả đó là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện, sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, nên tình trạng khai thác, thu mua, vận chuyển, tàng trữ khoáng cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn, triệt để.

Thực tế các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đều đã lập đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường (BVMT). Hầu hết các cơ sở đều chấp hành  tốt công tác BVMT. Bên cạnh đó, một số đơn vị khác, trong quá trình hoạt động vẫn xảy ra tình trạng gây ô nhiễm như trong khai thác vàng, cát sỏi. Nguyên nhân chính ở đây là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở thiếu nghiêm túc, thậm chí có biểu hiện đối phó (xả thải về đêm, lợi dụng trời mưa,…). Với chức năng quản lý của cấp huyện khi phát hiện vi phạm đã đôn đốc nhắc nhở, yêu cầu  đơn vị khắc phục nhưng cũng nhiều trường hợp chưa kiên quyết xử lý dứt điểm.  Lý do là việc đo, đếm các chỉ số để xác định mức độ vi phạm ở huyện không làm được, việc phối hợp với đơn vị chuyên môn cấp trên cũng chưa kịp thời. Đây là vấn đề tồn tại cần sớm khắc phục, thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết vi phạm giữa cấp xã, huyện và tỉnh trong thời gian tới.

IMG 2613

Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cũng cho biết: Địa phương sẽ có kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý giải quyết nếu vượt thẩm quyền. Thường xuyên thực hiện theo kế hoạch năm và quy chế phối hợp quản lý khu vực giáp ranh; Lập phương án, xây dựng kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo, yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê các vị trí khoáng sản chưa khai thác cần bảo vệ và các vị trí thường xảy ra các hoạt động khai thác khoáng sản để  kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép; Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; xem xét những mặt được, những tồn tại trong việc quản lý nhà nước và việc thực hiện các quy định của pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.
Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thực hiện chế độ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khoáng sản, các văn bản pháp luật khác liên quan; Tham gia phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát tham mưu cho UBND tỉnh trong việc lập, điều chỉnh, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khai thác khoáng sản trên địa bàn, bao gồm khoáng sản vàng, quặng sắt, đá vôi, cát sỏi, đất san lấp; Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng như Chi cục thuế huyện, Công an huyện, Phòng Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn, kiểm tra, đối chiếu khối lượng kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kê khai, thu nộp các loại thuế, phí, lệ phí, bảo đảm thu đúng, đủ theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Võ Nhai (Thái Nguyên): Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO