Tiếng dân

Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Cần xem xét cấp phép mỏ đất tại xã Vĩnh Thịnh

Hòa Trường 20/09/2023 - 14:19

Thời gian gần đây Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) về việc UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đưa 6 ha đất đồi tại núi Côn Sơn để quy hoạch mỏ đất san lấp thông thường. Điều đáng nói là khi đưa vào quy hoạch các cấp chính quyền không tổ chức họp lấy ý kiến người dân, khiến cho người dân cảm thấy hoang mang do khu vực trên có nhiều khu lăng mộ và gần nhà dân sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, giao thông...

Ngày 22/12/2022, UBND huyện Vĩnh Lộc đã tổ chức Hội nghị và kiểm tra thực địa về việc xin đưa mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022.

Tại buổi kiểm tra thực địa có UBND xã Vĩnh Thịnh nhưng xã Vĩnh Thịnh lại không tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân. Nội dung trong biên bản kiểm tra thực địa, khu vực mỏ đất xin đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022 xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc có diện tích 6 ha, có nguồn gốc là đất trồng rừng sản xuất, đã giao cho các hộ gia đình cá nhân quản lý, sử dụng; hiện trạng đang trồng keo, bạch đàn. Trên khu vực mỏ không có các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, vị trí gần nhất cách hộ dân khoảng 120m.

anh1.jpg
UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại việc cấp phép mỏ đất 6 ha tại xã Vĩnh Thịnh tránh để những hệ lụy xảy ra sau này

Theo phản ánh của người dân, tại biên bản kiểm tra thực địa có UBND xã Vĩnh Thịnh là ghi nhận chưa thực tế bởi khu vực xin đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản có diện tích 6 ha thuộc núi Côn Sơn, làng Đông chỉ gần nhà dân vài chục mét, khu vực núi có rất nhiều lăng mộ. Đây là ngọn núi có nhiều yếu tố tâm linh, gắn liền với lịch sử và đời sống của bà con, là nơi an táng của nhiều thế hệ và nhiều dòng họ khác nhau từ bao đời nay. Việc cấp phép mỏ đất tại đây, khiến người dân lo ngại về vấn đề môi trường, cảnh quan, giao thông, đặc biệt là vấn đề tâm linh gây ra việc “chấn động” đến khu nghĩa trang thiêng liêng.

Ông Ngô Xuân Bình, Trưởng thôn 10, xã Vĩnh Thịnh cho rằng: Núi Côn Sơn là ngọn núi thiêng, có rất nhiều lăng mộ của nhiều thôn trong xã, nếu như cấp phép mỏ đất tại đây là không ổn. Đến nay, người dân chúng tôi chưa được xã tổ chức họp, lấy ý kiến về việc này, nếu như cấp phép mỏ đất ở núi Côn Sơn thì người dân không đồng tình. Theo cá nhân tôi, tôi không đồng ý việc cấp phép mỏ đất tại núi Côn Sơn vì sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tâm linh.

anh2.jpg
Người dân lo ngại việc khai thác, vận chuyển khoáng sản sẽ ảnh hưởng đến tâm linh

Ông Lê Đình Công, thôn 13, xã Vĩnh Thịnh cho biết: Từ chân núi Côn Sơn lên cao đều có rất nhiều lăng mộ hình thành từ rất lâu. Gia đình tôi cũng có lăng mộ trên núi nên cũng không muốn cấp phép mỏ đất tại đây.

Bà Nguyễn Thị Ái, Trưởng thôn 13 cũng cho rằng: Đến nay, tôi chưa được mời họp lấy ý kiến về việc cấp phép mỏ đất. Núi Côn Sơn có rất nhiều lăng mộ lâu đời của nhiều dòng họ, nhiều vị trí đang được chia cho các hộ để trồng rừng, người dân cũng không đồng ý việc cấp phép mỏ đất tại núi Côn Sơn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, để vào được khu vực mỏ đất 6 ha đang xin đưa vào đấu giá tại xã Vĩnh Thịnh, phải đi trên một tuyến đường không quá rộng, đi qua khu dân cư đông đúc và qua khu nghĩa trang. Tại núi Côn Sơn, có hàng trăm ngôi mộ của nhiều dòng họ khác nhau nằm thoai thoải trên các sườn núi, các khu lăng mộ này đã tồn tại tại đây từ rất lâu, việc lo lắng của người dân khi mỏ đất đi vào hoạt động gây ra những hệ lụy về môi trường, giao thông, ảnh hưởng tâm linh trong tương lai là có cơ sở. Hơn nữa, người dân đang sinh sống chỉ cách khu vực núi Côn Sơn vài chục mét.

Khu vực này đang được sử dụng cho mục đích trồng rừng sản xuất, phát triển kinh tế cho người dân, ngọn núi với cánh rừng bạt ngàn đang là một hệ sinh thái tự nhiên, có vai trò điều hòa, giảm thiểu các biến đổi, tác động xấu của thiên tai, đảm bảo cảnh quan môi trường, do đó việc khai thác, vận chuyển đi một khối lượng đất lớn lên tới trăm nghìn khối đất kéo dài trong nhiều năm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: Người dân có ý kiến về việc mỏ đất gần sát với khu mộ, trong quá trình khai thác sẽ ảnh hưởng các lăng mộ của họ, ngoài ra khu vực này khi vận chuyển đất sẽ phải đi qua khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường. Qua kiểm tra, xã cũng nhận thấy những ý kiến của người dân là hợp lý, sau đó UBND xã Vĩnh Thịnh đã có báo cáo lên huyện xin kiến tỉnh để xem xét cho dừng việc đấu thầu mỏ đất lại.

anh4.jpg
Biên bản kiểm tra thực địa

Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp do không kiểm tra kỹ thực địa, không lấy ý kiến, nguyện vọng nhân dân, dẫn đến sau khi cấp phép các mỏ khai thác khoáng sản đất, đá gần với khu di tích, khu dân cư, nghĩa trang, kéo theo nhiều hệ lụy như môi trường, giao thông, đặc biệt là gây bức xúc trong nhân dân. Đã có rất nhiều đơn thư phản ánh được gửi đi khắp các ban ngành, UBND các cấp, thậm chí đã có những trường hợp người dân tổ chức chặn xe chở khoáng sản, phản đối quyết liệt đối với các mỏ khoáng sản được cấp phép gần khu dân cư, khu tâm linh. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm xem xét việc cấp phép mỏ đất 6 ha tại xã Vĩnh Thịnh, tránh để những hệ lụy sẽ xảy ra sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Cần xem xét cấp phép mỏ đất tại xã Vĩnh Thịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO