Xã hội

Viết ước mơ xanh trên ngọn núi lửa xưa

Phạm Ngọc Hoài 11/02/2024 - 22:40

(TN&MT) - Nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch xanh, là nơi hội tụ các giá trị về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm cỡ quốc tế và khu vực.

36a.jpg
nui-lua-nam-kar-anh-tran-an-6624-1695029127.jpg

Những yếu tố đặc trưng tạo nên thương hiệu của du lịch Đắk Nông phải kể đến Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. Trải dài trên diện tích 4.760km2 với 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m có các miệng núi lửa, thác nước… và là một phần của cao nguyên M,Nông nên thơ, hùng vĩ. Đây được xem là điểm nhấn để phát triển du lịch xanh trên vùng đất đại ngàn.

Hùng vĩ trên cao nguyên M'Nông

Đắk Nông được thiên nhiên ban tặng một kho tàng danh thắng thiên nhiên và di sản văn hóa hết sức độc đáo và phong phú như hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Tà Đùng cùng với hệ thống thác nước nổi tiếng như thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, thác Đắk Glun, thác Liêng Nung, thác Đắk Buk So, thác Lưu Ly… cùng với đó là sự đa dạng bản sắc văn hóa của 40 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên một giá trị lịch sử văn hóa vô cùng đặc sắc. Từ đây tạo nên tiềm năng để khai thác phát triển du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên kết hợp nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, mãi đến khi Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thì vùng đất này mới bắt đầu có những đổi thay và được bạn bè quốc tế quan tâm, góp phần định vị giá trị và đẳng cấp toàn cầu về du lịch cho địa phương.

thac-lieng-nung-ha-the-bao-4412-1695029127(1).jpg

Trò chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường vào những ngày đầu Xuân năm mới, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Ngoài những sản phẩm du lịch gắn với các giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo, riêng có, địa phương đang tập trung vào một số dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng… và một số dự án đầu tư du lịch. Đặc biệt, du lịch cộng đồng (homestay) là sản phẩm mà Đắk Nông đang hướng tới. Với hơn 70% dân số làm nông nghiệp và nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của 40 dân tộc anh em đến từ các vùng miền, du lịch cộng đồng được xem là phương kế giúp Đắk Nông giảm nghèo, tạo thu nhập, xuất khẩu tại chỗ (nông sản, các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương). Ngoài ra, dựa trên điều kiện tự nhiên với nhiều thác rừng đẹp, thiên nhiên hoang sơ, khí hậu nhiệt đới mát mẻ, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khai thác những lợi thế này phục vụ cho xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu của du khách và phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay.

“Thời gian qua, Đắk Nông đã xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào phát triển các loại hình dịch vụ gắn với du lịch, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong vùng công viên địa chất. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trên cơ sở bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch gắn với công viên địa chất. Đồng thời, xúc tiến, quảng bá và xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài khu vực với mục tiêu sớm biến “viên ngọc thô” giữa đại ngàn Tây Nguyên tỏa sáng” - bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nói.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch Đắk Nông vẫn chưa thực sự phát triển, mới chỉ khai thác được một phần; Du lịch đang gặp khó khăn trong quá trình kêu gọi đầu tư; Nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế; Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch có lúc, có nơi chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách, đặc biệt là vào các mùa du lịch cao điểm. Địa phương vẫn chưa phát triển nhiều mô hình du lịch, các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm, các trung tâm mua sắm có quy mô lớn... là hàng loạt câu hỏi đặt ra với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.

to-chuc-tai-tham-dinh-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-dak-nong.jpeg

Do đó, để du lịch Đắk Nông có sự phát triển bứt phá, thực sự là 1 trong 3 trụ cột của ngành kinh tế, Đắk Nông tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với bài toán thu hút đầu tư, thay vì kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm đơn lẻ như trước đây, tỉnh chủ trương tập trung kêu gọi các công ty lữ hành, doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào chuỗi các sản phẩm du lịch. Trong đó ưu tiên vào hoạt động du lịch sinh thái, lưu trú để tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch đặc trưng. Đảng bộ tỉnh Đắk Nông xác định, một trong những “đòn bẩy”, nhiệm vụ quan trọng để kích cầu du lịch là đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 10 dự án đầu tư các khu, điểm du lịch. Trong đó, nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến khảo sát tiềm năng du lịch.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, lượng du khách đến Đắk Nông những năm gần đây tăng mạnh, nhất là dịp lễ. Năm 2021, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh là 126.100 lượt; năm 2022 là 512.500 lượt; năm 2023 ước đạt 615.000 lượt. Trong đó, chỉ tính riêng tổng lượt khách du lịch trong tháng 8/2023 ước đạt 34.500 lượt khách, tăng 106,1% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 490.200 lượt khách, tăng 154,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượt khách quốc tế 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.290 lượt khách, tăng 361,1%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 97,5 tỷ đồng, tăng 262,1% so với cùng kỳ.

Để hiện thực hóa chủ trương đó, năm 2023, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Kế hoạch này nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch của tỉnh Đắk Nông. Trong đó, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Kế hoạch còn nhằm tăng cường đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo nhu cầu của du khách và xu hướng phát triển hiện nay, để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh. Từ đó, phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách.

Nói như chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh thì: “Du lịch là 1 trong 3 trụ cột, thế mạnh của địa phương. Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh rất lớn, nhưng chưa được đầu tư, khai thác. Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, chú trọng khai thác, phát triển du lịch mang tính đặc trưng riêng có của Đắk Nông, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết ước mơ xanh trên ngọn núi lửa xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO