Ngành TN&MT

Việt Nam – Thụy Sỹ: Hợp tác để vừa đảm bảo phát triển, vừa giảm phát thải

Tống Minh 05/05/2023 - 23:43

Ngày 5/5, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Lê Công Thành đã tiếp và làm việc với Ngài Thomas Gass, Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam. Hai bên thống nhất quan điểm sẽ sâu sắc hóa mối quan hệ trong các lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

img_9365.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp và làm việc với Ngài Thomas Gass

Chào mừng Ngài Thomas Gass đã đến làm việc với Bộ, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ Đại sứ quán Thuỵ Sỹ trong thời gian vừa qua về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là lĩnh vực khí tượng thuỷ văn. Sắp tới, Đoàn công tác của Việt Nam, cụ thể là Bộ TN&MT, sẽ do Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn làm Trưởng đoàn và tham dự đầy đủ các sự kiện trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 19 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). Bộ TN&MT ủng hộ Cục trưởng Cục Khí tượng và Khí hậu Liên bang Thụy Sỹ tham gia Hội đồng điều hành WMO.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Thụy Sỹ hiện đang là Chủ tịch các nước Đối tác phát triển của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC), từ 1/7/2022 đến 30/6/2023, và là một trong những đối tác lớn của Ủy hội. Tại Hội nghị Cấp cao MRC lần thứ tư, Thụy Sỹ đại diện các Đối tác phát triển đã phát biểu coi trọng hợp tác với Ủy hội và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ MRC. Với tinh thần đó, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ mong muốn Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ các nước trong lưu vực sử dụng nước công bằng và hiệu quả, trong bối cảnh sự phát triển kinh tế của các quốc gia và tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến những diễn biến mới trong vấn đề sử dụng nước.

Chia sẻ về đề xuất này, Đại sứ Thụy Sỹ cho biết, ông đã đến đồng bằng sông Cửu Long, tận mắt chứng kiến tình hình sử dụng nước ở khu vực này. Từ đó, ông khẳng định, Thụy sỹ luôn quan tâm đến việc hợp tác nguồn nước xuyên biên giới. Sắp tới, ngày 10/5, Thụy Sỹ sẽ phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức Tọa đàm về kết quả hợp tác xuyên biên giới về nước. Đại sứ quán Thụy Sỹ trân trọng gửi lời mời đến Bộ TN&MT tham gia chương trình này.

img_9367.jpg
Các đại biểu tham dự buổi tiếp: Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái
và đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước; Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ TN&MT

Bên cạnh đó, Ngài Thomas Gass cho biết một số nội dung hợp tác mới mà Thụy Sỹ quan tâm. Đó là Chương trình hợp tác kinh tế chiến lược của Thụy Sỹ với Việt Nam, định hướng là phát triển các khu công nghiệp sinh thái, hướng đến bảo vệ môi trường, tái chế chất thải ở Việt Nam.

Đồng thời, Thụy Sỹ cũng đang phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học của Bộ TN&MT để triển khai các dự án nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong bảo tồn và thương mại hóa các sản phẩm sinh học, dựa trên nguồn vốn quý báu về đa dạng sinh học ở Viêt Nam.

Đặc biệt, Đại sứ Thomas Gass đề xuất một ý tưởng mới về hợp tác song phương giữa hai nước trong việc giảm khí thải theo Điều 6 được quy định tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Đây là cơ chế hợp tác trao đổi khí thải tự nguyện giữa các quốc gia với nhau, cho phép huy động được nguồn tài chính tư nhân vào lĩnh vực giảm phát thải. “Tôi muốn khám phá cơ hội giữa hai nước trong lĩnh vực này. Có 2 cách để bắt đầu con đường hợp tác này: Một là cơ quan môi trường giữa hai nước gặp gỡ để trao đổi; hai là Thụy sỹ có thể đàm phán và trực tiếp trao đổi với khu vực tư nhân để tham gia vào cơ chế này” – Ngài Thomas Gass nói.

img_9366.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp

Ghi nhận và đánh giá cao các đề xuất của Ngài Thomas Gass, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp là định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, những nội dung hợp tác về bảo vệ môi trường mà Ngài Đại sứ vừa gợi mở đều đúng hướng với quan điểm phát triển của Việt Nam. Thứ trưởng giao Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học kết nối với Thụy Sỹ để hiện thực hóa các ý tưởng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Về cơ chế song phương giảm khí thải, Thứ trưởng sẵn sàng hoan nghênh ý tưởng này và đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế cùng Cục Biến đổi khí hậu trao đổi kỹ lưỡng với Thụy Sỹ để nghiên cứu giải pháp cho bài toán vừa đảm bảo phát triển, vừa giảm phát thải./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam – Thụy Sỹ: Hợp tác để vừa đảm bảo phát triển, vừa giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO