Việt Nam sẽ tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa: Sức mạnh từ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Tống Minh| 17/12/2020 10:19

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện đậm nét quan điểm coi chất thải là tài nguyên, trong đó có chất thải nhựa. Những chế định nhằm tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa được kỳ vọng sẽ thay đổi ý thức, thói quen của người dân và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Chống rác nhựa – không lùi bước

Cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào Chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ “nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, toàn xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa” đã nhận được sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Liên minh tái chế bao bì được thành lập; những chuỗi siêu thị, nhà hàng không dùng đồ nhựa dùng một lần; những hội phụ nữ dùng làn đi chợ thay túi ni lông…

Vậy nhưng, rác thải nhựa vẫn hiện hữu và trở thành mối nguy hại cho cuộc sống của con người. Theo thống kê của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), bãi rác Nam Sơn, Hà Nội tiếp nhận 5.000 tấn rác thải mỗi ngày, trong đó, 10% (khoảng 500 tấn rác) là đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông. Còn tại Vĩnh Phúc, suốt 3 năm nay, người dân thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường phải sống chung với rác thải như màn hình tivi, máy tính chất ngổn ngang, bừa bãi. Theo chứng thư thẩm định giá, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần chi hơn 3,6 tỷ đồng để xử lý núi rác này.

Hoàn thiện chính sách “mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất” là một phần không thể thiếu trong quá trình đổi mới chính sách quản lý chất thải rắn và trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay

Những câu chuyện này cho thấy, không gì dễ dàng như việc sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần hay mặc nhiên thải bỏ chúng ra môi trường; song cũng vô cùng khó khăn và đầy thách thức khi xử lý. Không dừng bước hay nhân nhượng trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị này cho thấy, việc chống rác thải nhựa không chỉ ở việc truyền thông nâng cao nhận thức mà đã được chỉ đạo ở góc độ chính sách pháp luật cho đến các hành động cụ thể để chống rác thải nhựa.

Tiếp đó, ngày 28/10/2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ký Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa ra các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa. Về phía người dân, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Về phía nhà sản xuất, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, để định hình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Giải thích cụ thể về quy định này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, đây là một cách tiếp cận trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Theo đó, quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng.

Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định, tuy nhiên không thực hiện được. Hiện trạng cho thấy, những năm qua, gần như không có nhà sản xuất nào tự nguyện thu hồi sản phẩm khi hết vòng đời. Người tiêu dùng vứt các loại rác thải kể cả rác thải nguy hại vào chung với rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên.

“Chính vì vậy, lần này, chúng tôi đưa quy định nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất vào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và có những điều chỉnh phù hợp. Theo đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có 2 trách nhiệm: trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý” – ông Phan Tuấn Hùng cho biết.

Theo đó, về trách nhiệm xử lý: Nhà sản xuất khi sản xuất một số mặt hàng như thiết bị điện tử, pin, ắc quy, dầu, săm lốp… có giá trị tái chế cao, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế các sản phẩm đó sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Cụ thể, nhà sản xuất phải có Kế hoạch tái chế và trình Bộ TN&MT theo dõi, giám sát. Hàng năm, Bộ TN&MT sẽ công bố tỷ lệ tái chế và quy chuẩn tái chế.

Nhà sản xuất có thể tự tái chế nếu có đủ điều kiện, năng lực được cấp phép; hoặc liên minh giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội cùng ngành hàng để giúp tái chế, tiết kiệm chi phí. Nếu không tự tái chế được, có thể đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để Quỹ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp tái chế. Trong trường hợp này, Bộ TN&MT sẽ đưa ra hình thức, mức phí cần đóng.

Vụ trưởng Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh, đối với sản phẩm hàng hóa được sản xuất ra có tính độc hại, không có khả năng tái chế hoặc tái chế với tỷ lệ thu hồi thấp, hoặc không thể thu hồi được, ví dụ như các sản phẩm nhựa dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá…, nhà sản xuất phải có trách nhiệm nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để Bộ TN&MT hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng, địa phương thực hiện dự án thu gom xử lý rác thải sinh hoạt.

Luật cũng quy định rõ hơn đối với các sản phẩm dán nhãn sinh thái thân thiện với môi trường, trong đó có sản phẩm tái chế và đưa ra các quy định liên quan đến mua sắm xanh, ưu tiên ngân sách Nhà nước mua các sản phẩm thân thiện môi trường, các sản phẩm tái chế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa: Sức mạnh từ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO