Việt Nam sẽ tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa: Quyết tâm giảm thiểu và chuyển thành nguồn tài nguyên

Mai Chi| 17/12/2020 10:18

(TN&MT) - Rác thải nhựa gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường, đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Với tình trạng sử dụng đồ nhựa ngày càng tăng, Việt Nam đứng thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa (3,27 triệu tấn mỗi năm).

Để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Giảm một nửa lượng rác thải trên biển vào năm 2025

Theo Kế hoạch, đến năm 2025 phải tạo được sự đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Chung tay hành động giảm rác thải nhựa đại dương

Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg.

Tích cực xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương

Tháng 12/2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường của Liên Hợp Quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đồng thời, trong khuôn khổ Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GF6), sáng kiến về xây dựng quan hệ đối tác về quản lý rác thải nhựa đại dương của Việt Nam đã được quốc tế hết sức hoan nghênh, ủng hộ.

Việt Nam cũng đã vinh dự được UN Environment tin tưởng lựa chọn là quốc gia thứ 2 (sau Hội nghị năm 2019 tại Thái Lan) tổ chức Hội nghị Các giải pháp về nhựa khu vực các Biển Đông Á 2020 với Chủ đề "Giảm thiểu lãng phí nhựa và giữ sạch đại dương - Các hành động đến nay”.

Bộ TN&MT và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã cam kết hợp tác về tập hợp các chủ thể công và tư để thực hiện các sáng kiến, các chiến lược nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và ASEAN thông qua đối thoại chính sách, quan hệ đối tác mới và các cơ hội hợp tác. Bộ TN&MT đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam) và sẽ tổ chức Lễ khởi động Chương trình Hành động quốc gia về nhựa và Lễ khởi động Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như: Thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa: Quyết tâm giảm thiểu và chuyển thành nguồn tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO