Việt Nam phát triển thương hiệu du lịch biển hội nhập quốc tế: Để sự hấp dẫn không chỉ là tiềm năng!

13/06/2014 00:00

(TN&MT) - Nhiều bãi biển, vịnh biển của Việt Nam được du khách cả thế giới biết đến như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang và bãi biển Đà Nẵng...

(TN&MT) - Nhiều bãi biển, vịnh biển của Việt Nam được du khách cả thế giới biết đến như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, thậm chí bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh… đã nói lên sức hút của biển Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước. Song chúng ta vẫn chưa có được một bãi biển nào có thương hiệu quốc tế, như Bali của Indonesia, Phuket của Thái Lan, Lankawi của Malaysia hay Boracay của Philippines là bởi những hạn chế, yếu kém về mặt quản lý, rất cần được điều chỉnh để phát triển nền công nghiệp không khói trong tương lai…
   
Vịnh Hạ Long
    
Lãng phí tiềm năng…
   
  Mặc dù có đầy đủ lợi thế như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên… nhưng du lịch biển Việt Nam hiện vẫn ở dạng tiềm năng. Bởi ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa trả lời được 4 câu hỏi quan trọng nhất của phát triển du lịch biển, đó là: Ai đến, đến đây làm gì, đến bằng cách nào và đến đây để lại cái gì? Chúng ta có số liệu chung chung về du khách quốc tế chọn biển Việt Nam làm điểm đến, nhưng chưa phân tích rõ từng thị trường vì mỗi thị trường khách có nhu cầu khác nhau. Còn câu hỏi đến đây để làm gì cũng chưa trả lời thỏa đáng, vì biển Việt Nam thiếu quá nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc không đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển như các nước trong khu vực.
   
  Ở một khía cạnh khác, du lịch Việt Nam đang lãng phí trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch biển. Quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp ở Việt Nam đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Bãi biển Mũi Né đang kẹt cứng trong không gian ven bờ, khi có quá nhiều khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển, che khuất gần như hoàn toàn đường ra biển của du khách và cả cư dân địa phương. Nhìn ra quy hoạch biển ở các nước trong khu vực gần chúng ta như Thái Lan, hệ thống khách sạn được quy hoạch không nằm trên bãi biển mà lùi vào bên trong, nhường bãi biển cho tất cả mọi người. Chỉ một số nơi đặc biệt, các khu nghỉ cao cấp mới được phép nằm trên bãi biển. Điều này cho phép khai thác tối đa lợi thế của bãi biển và từ đó có thể phát triển được các cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi, ăn uống sâu vào bên trong.
   
  Ngành du lịch tàu biển ở Việt Nam chưa thu hút du khách vì hiện tại Việt Nam vẫn chưa có cảng hành khách tàu biển chuyên biệt. Các tàu biển du lịch đang phải cập cảng chung với cảng hàng hóa nên chất lượng dịch vụ cũng như điều kiện kỹ thuật tại các cảng này chưa đảm bảo chất lượng cao cho khách du lịch.
   
  Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch ở các điểm dừng chân của du khách còn đơn điệu, vấn đề an ninh du lịch còn nhiều bất cập, trình độ nhân lực phục vụ cho ngành du lịch này còn nhiều hạn chế về kỹ năng, ngoại ngữ...
   
  An ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc. Rất nhiều khu du lịch lên giá vào giờ chót, làm cho khách bất bình. Với những khu du lịch, theo nguyên tắc giá có thể cao vào những ngày cao điểm nhưng không nên vượt quá 50% so với ngày thường và điều này cần được thông báo trước cho khách cũng như các công ty lữ hành. Còn các khu nghỉ dưỡng ven biển ở Việt Nam có giá cả quá cao, chủ yếu nhắm vào đối tượng khách quốc tế và một phần du khách giàu có trong nước và rốt cuộc đã đẩy du khách có thu nhập trung bình đi du lịch ra nước ngoài.
   
Xây dựng thương hiệu bằng thế mạnh vùng
   
  Để những cái tên như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long… không chỉ là thương hiệu của ngành du lịch trong nước mà còn là thương hiệu du lịch quốc gia đối với du khách quốc tế, rất cần sự thay đổi tư duy phát triển ngành du lịch biển của các nhà quản lý. Bởi lẽ, muốn xây dựng được thương hiệu du lịch quốc tế không chỉ là bãi biển đẹp, mà còn cần một kiến trúc tổng thể, tổ chức không gian du lịch hài hòa và đầy đủ dịch vụ. Trong khi hiện nay các bãi biển Việt Nam cho đến nay phát triển theo lối tự phát và phần nào tùy tiện, mang tính riêng lẻ và không có đặc trưng.
   
  Để nâng cao tầm vóc và xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 201/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đây là điểm tựa vững vàng về mặt chủ trương để ngành du lịch phát triển đúng hướng.
   
  Theo đó, cần tận dụng khai thác các thị trường du lịch đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; chú trọng phân đoạn thị trường khách có mục đích du lịch thuần túy, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày và chi tiêu cao. Mặt khác, cần  tổ chức lại không gian du lịch theo 7 vùng (vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long) nhằm khai thác tối đa lợi thế đặc trưng sự khác biệt vùng miền nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch, tránh được sự trùng lắp.
   
  Bên cạnh đó, các địa phương có điểm du lịch cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất tại các bến cảng; cải tạo những điều kiện về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn tại các bến cảng hàng hóa để phù hợp cho việc đón tàu du lịch; tập trung đầu tư trang bị mới và cải tạo đội tàu du lịch để phục vụ du khách với chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế,... Về lâu dài, để phát triển bền vững ngành Du lịch tàu biển phải đầu tư xây dựng một số cảng du lịch với ga đón khách hiện đại, đầy đủ tiện nghi dành cho du lịch tàu biển…
   
K.Liên
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phát triển thương hiệu du lịch biển hội nhập quốc tế: Để sự hấp dẫn không chỉ là tiềm năng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO