Việt Nam còn “nghèo” nhà vệ sinh, trình độ giáo dục người lớn

20/12/2018 12:04

Trình độ giáo dục người lớn và tiếp cận nhà vệ sinh hợp vệ sinh đang đóng góp cao nhất vào chỉ số nghèo đa chiều chung.

Ngày 19/12, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người.

Để chuyển đổi mạnh mẽ chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng, năm 2014, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện từ năm 2016.

ngheo da chieu ymqg
Tỷ lệ đóng góp của các chiều vào chỉ số nghèo đa chiều các năm 2012, 2016. (Nguồn: UNDP)

Trên cơ sở đó, vào năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã thông qua phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói. Theo đó nghèo đa chiều được đo lường bằng mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch; vệ sinh; thông tin và được đo bằng 10 chỉ số. Hộ được coi là nghèo đa chiều nếu thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trở lên.

Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016. Tương đương với khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo.

Ngoại trừ trình độ giáo dục của người lớn thì tỷ lệ thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều quốc gia đều giảm xuống trong thời kỳ 2012- 2016. Bên cạnh đó vẫn còn sự chênh lệch đáng kể về trình độ giáo dục giữa các nhóm Kinh, Hoa và đồng bào các dân tộc thiểu số cũng là đáng kể. Tỷ lệ những người không có bằng cấp trong nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số năm 2016 là 43,8%, cao khoảng gấp đôi so với tỷ lệ này của các nhóm người Kinh và Hoa. Tỷ lệ những người có trình độ phổ thông trung học trở lên trong nhóm dân tộc thiểu số năm 2016 chỉ đạt 7,8%.

Tỷ lệ thiếu hụt thông tin giảm mạnh do sự phát triển của điện thoại di động và internet. Điều kiện nhà ở và vệ sinh cũng được cải thiện nhưng tốc độ cải thiện khá thấp. Hiện nay, mức độ thiếu hụt lớn nhất là các chỉ tiêu về nhà tiêu hợp vệ sinh và trình độ giáo dục người lớn. Năm 2016, cả nước có 36,1% dân số không thiếu hụt bất kỳ chỉ số nghèo đa chiều nào và có 1,3% dân số thiếu hụt trầm trọng từ 5 - 7 chỉ số.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, giáo dục nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và ảnh hưởng đến tình trạng đói nghèo. Chỉ 1% số hộ nghèo có chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trong khi có đến 26,6% hộ nghèo có chủ hộ chưa học xong tiểu học. Các hộ nghèo có chủ hộ làm trong lĩnh vực nông nghiệp tỷ lệ nghèo cao nhất, tiếp đến là các hộ có chủ hộ làm việc trong các ngành nghề không có kỹ năng.

Mặc dù tỷ lệ nghèo giảm nhưng vẫn có tình trạng tái nghèo hoặc các hộ dễ bị tổn thương rơi vào nghèo. Trong giai đoạn 2012 - 2020, có 6,7% dân số nghèo cả hai năm, 2,6% dân số rơi vào nghèo và 9,4% dân số thoát nghèo. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tái nghèo và phát sinh nghèo mới là mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng trầm trọng, nhất là năm 2013 thiệt hại hơn 19,6 nghìn tỷ đồng và năm 2016 thiệt hại lên đến hơn 39,7 nghìn tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà cho rằng: Để phát huy những thành tựu đã đạt được về xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam tiếp tục xác định mục tiêu giảm nghèo cho mọi người ở mọi nơi và bảo đảm an sinh xã hội phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, được nhân dân ủng hộ và huy động hợp tác có hiệu quả của các tổ chức quốc tế.

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng cần làm cho người nghèo nhận thức rõ mình chính là chủ thể trong tiến trình giảm nghèo, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân, đặc biệt là người nghèo trong tiến trình ra quyết định. Và tăng cường, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo.

Theo ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi xây dựng các chính sách hỗ trợ người nghèo, cũng cần xem xét kỹ lưỡng, tránh những chính sách mang tính cào bằng. “Trong việc cho vay tín dụng cần rất thận trọng. Xưa nay vẫn làm theo kiểu áp đặt từ trên xuống, nghĩ tín dụng là quan trọng, nhưng có những nhóm họ thực sự không cần thiết. Nhà nước cần xem xét có những nhóm nào cần tín dụng để sản xuất, nhưng đang gặp những rào cản. Cần tìm ra những đối tượng ưu tiên và cần thiết, không nên đánh đồng tất cả các nhóm”, ông Thắng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam còn “nghèo” nhà vệ sinh, trình độ giáo dục người lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO