Việt Nam chưa bỏ ra đồng nào để đặt cọc việc tổ chức ASIAD 18

01/04/2014 00:00

(TN&MT) - Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 01/4, nhiều vấn đề được báo chí quan tâm như sự kiện thể thao ASIAD...

   
(TN&MT) - Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 01/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã khái quát một số nội dung của phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra cùng ngày và tập trung giải đáp, làm rõ thêm nhiều câu hỏi đang được dư luận xã hội quan tâm như sự kiện thể thao ASIAD 18, vấn đề nhà công vụ…
   
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo
   
  Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, các thành viên Chính phủ đều nhất trí cho rằng đến giờ này, có thể đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ công tác của quý I/2014, tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật...
   
  Ba tháng đầu năm, Thường trực Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo triển khai kế hoạch nhiệm vụ của năm 2014; tình hình chung cho thấy kinh tế-xã hội có những tín hiệu tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, có những chỉ tiêu cơ bản không phát triển từ lâu cũng đã nhích lên.
   
  Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tiếp tục tháo gỡ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA… Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế.
   
  Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để định hướng dư luận xã hội, tạo tâm lý ổn định cho người dân.
   
  Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí xung quanh sự kiện thể thao ASIAD 18, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Đây là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư để tạo điểm nhấn, qua đó phát triển các mặt khác.
   
  Theo quy trình đăng cai ASIAD thông thường, từ năm 2010 Bộ VHTT&DL đã nắm thông tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn bạc thống nhất chủ trương bắt đầu chuẩn bị việc đăng cai tổ chức ASIAD 18. Sau khi được sự đồng ý về chủ trương, Bộ VHTT&DL phối hợp các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức ASIAD 18. Trước đó, chúng ta đã tổ chức các sự kiện lớn nhưng chưa tầm cỡ bằng ASIAD. Sau đó Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý để Việt Nam đăng cai.
   
  Về nhà đầu tư, nguồn tiền cho ASIAD 18, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Trong 150 triệu USD để đầu tư cho ASIAD 18 đã có phần xã hội hóa chứ không phải chỉ Nhà nước. Ngành thể thao đã tính được cả phần đầu tư ngoài nhà nước.
   
  “Chúng ta chưa quyết định có tổ chức ASIAD 18 hay không nên chưa biết nhà đầu tư cụ thể nào. Tuy nhiên, đã có 1 số nhà đầu tư ngành thể thao cũng sẵn sàng làm. Chỉ khi nào quyết định có hay không tổ chức ASIAD thì nước chủ nhà mới dám nhận nhà đầu tư” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.
   
  Về những thắc mắc xung quanh việc Việt Nam phải đặt cọc một số tiền nhất định mới có quyền đăng cai sự kiện này, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Đến thời điểm này, tôi được biết là chưa đặt cọc đồng nào cả. Chỉ là đăng ký số tiền  bỏ ra cho sự kiện này là 150 triệu USD. Có ý kiến nói chúng ta đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng tôi cho là không có vấn đề gì ở đây, vì tiền lệ đã có 2 nước vì điều kiện khách quan đã trả lại quyền đăng cai. Dĩ nhiên trả lại thì phải có điều kiện, tôi chưa nghiên cứu kỹ nhưng được biết là chưa có chế tài xử phạt”.
   
  Trả lời câu hỏi của báo chí về hướng xử lý nhà công vụ đối với không ít cán bộ sau khi nghỉ hưu không có nhu cầu sử dụng nhà nữa nhưng vẫn giữ lại nhà, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Theo luật quy định, nhà công vụ là nhà dành cho những cán bộ nhận nhiệm vụ ở những nơi họ không có nhà ở. Đối tượng thứ nhất là những cán bộ, công chức. Đối tượng thứ hai là lực lượng sĩ quan công an, quân đội chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng. Đối tượng thứ ba là cán bộ lãnh đạo.
   
  Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, thông thường, cán bộ cứ đến công tác ở đâu sẽ được bố trí nhà theo điều kiện sẵn có ở địa phương đó. Có nơi đã xây những nhà công vụ theo đúng nghĩa, tùy theo điều kiện khách quan của từng nơi. “Đến giờ này, theo tôi nghe phản ánh chung thời gian qua thì nhà công vụ không nhiều lắm, mà chỉ tập trung ở các thành phố lớn, Hà Nội là nhiều nhất và tập trung ở Hoàng Cầu”.
  Bộ trưởng cho rằng, những người ở nhà công vụ khi hết thời gian công tác thì không còn tiêu chuẩn ở nhà công vụ nữa. Tuy nhiên, theo báo cáo, có rất nhiều trường hợp, nhiều người khi hoàn thành nhiệm vụ đã trả nhà, kể cả cán bộ cao cấp. Nhưng cũng không ít trường hợp ở lại, có trường hợp vì lý do khách quan, có trường hợp lại là những người khác ở lại…
   
  Lý giải về những tồn tại hiện nay trong vấn đề quản lý nhà công vụ, Bộ trưởng cho rằng, theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ trước đó đối với nhà công vụ, đơn giản chỉ là làm nhà công vụ để ở, quy định, chế tài chưa được rạch ròi, rõ ràng. Hồ sơ giao nhà, thu hồi nhà cũng phần lớn là tự giác. Khi xuất hiện tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 615 năm 2013 quy định rõ về thủ tục, chế tài, nhằm điều chỉnh tồn đọng, giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng quản lý. Bộ Xây dựng thành lập một tổ chức chuyên trách. Về mặt chế tài, nếu như ai hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ, tổ chức này sẽ báo trước thời gian 6 tháng. Khi tổ chức đã thông báo, nếu vì lý do nào đó cán bộ chưa thực hiện thì tổ chức sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết.
   
  Tuy nhiên, bản thân cán bộ cũng phải tự giác, gương mẫu chấp hành đúng quy định về nhà công vụ. “Tôi tin rằng sau Quyết định năm 2013 và những công việc hiện nay đang làm, sẽ khắc phục được tồn tại. Đây là mô hình đúng để quản lý nhà công vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
   
Nguyên Vũ
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chưa bỏ ra đồng nào để đặt cọc việc tổ chức ASIAD 18
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO