Việt Nam cam kết bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản và bảo vệ đại dương

Lan Anh| 28/11/2022 16:33

(TN&MT) - Ngày 28/11, tại TP. Đà Nẵng diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ 19 Uỷ ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19).

Hội nghị có sự tham gia của đại diện 26 quốc gia thành viên chính thức, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước, 8 nước thành viên có hợp tác (trong đó có Việt Nam) và 11 vùng lãnh thổ có tham gia một số hoạt động của WCPFC cùng Đại diện Diễn đàn nghề cá các quốc đảo Thái Bình Dương, Tổ chức Hòa bình xanh, Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ, Trung tâm Phát triển thủy sản Đông Nam châu Á, Ban Thư ký cộng đồng nghề cá Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ Môi trường toàn cầu… và hơn 550 đại biểu là các chuyên gia tư vấn thực hiện các dự án trong khuôn khổ WCPFC đến từ nhiều quốc gia.

hoithao1.jpg
Hơn 600 đại biểu đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 19 Uỷ ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19)

Hội nghị năm nay sẽ tập trung đánh giá một số hoạt động quan trọng của Ủy ban hoạt động trong năm; các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo. Quyết định sự tham gia, trong đó, có việc xem xét trách nhiệm tuân thủ và quyết định chấp thuận hay từ chối Đơn xin là quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác (CNM) (trong đó có Việt Nam).

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ (nghề cá nhân dân) sang nghề cá hướng tới phát triển bền vững với định hướng tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản và giảm sản lượng khai thác thủy sản.

hoithao2.jpg
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam

Tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11 năm 2022 ước đạt 8,2 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi ước đạt 4,6 triệu tấn. 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,4 tỷ USD.

Ngành khai thác thủy sản Việt Nam đã có giai đoạn phát triển nhanh, nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Với mục tiêu duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống ngư dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời tuân thủ các quy định của khu vực, quốc tế có liên quan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu nói trên như Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững; Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU đến năm 2025.

Thông qua các dự án của WPCPFC đã tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ, cá kiếm, nhận được thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi. Đồng thời, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu, tiếp cận và áp dụng những công cụ đánh giá và xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép hàng năm hoặc trong từng giai đoạn nhất định trên cơ sở đưa ra những giải pháp quản lý nguồn lợi và phương pháp khai thác để bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản di cư, trong đó chủ yếu là cá ngừ tại vùng biển Việt Nam.

ngudan3.jpg
Ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ sang nghề cá hướng tới phát triển bền vững 

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Ủy ban WCPFC lần thứ 19, năm 2022 sẽ tạo điều kiện để nghề cá ngừ nước ta hội nhập sâu rộng nghề cá thế giới, đóng góp cho việc đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ thẻ vàng của EC, thúc đẩy hợp tác song phương để phát triển khai thác viễn dương theo đề án khai thác viễn dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 và làm cho việc Việt Nam xin là CNM năm 2023 và các năm tiếp theo của WCPFC thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cam kết bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản và bảo vệ đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO