Vì sao Bảo hiểm AAA bị kiện?

09/01/2014 00:00

(TN&MT) - Sau khi đối tượng được bảo hiểm bị tai nạn, thay vì giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thì công ty bảo hiểm lại “từ chối bồi...

   
(TN&MT) - Khách hàng tin tưởng vào câu slogan “Quyền được An Tâm” của Bảo hiểm AAA nên mới ký kết hợp đồng bảo hiểm cho chiếc xe tiền tỉ của mình. Vậy nhưng sau khi đối tượng được bảo hiểm bị tai nạn, thay vì nhanh chóng giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thì công ty bảo hiểm lại “từ chối bồi thường”. Nguyên nhân vì sao?.
   
   
Còn ai dám mua bảo hiểm?
   
  TAND TP. Hà Nội vừa tuyên án vụ kiện “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần vận tải thương mại tổng hợp quốc tế TVL Hà Nội và bị đơn là Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA. Buộc phía bị đơn phải bồi thường số tiền bảo hiểm cho nguyên đơn số tiền gần 2,8 tỉ đồng.
   
  Diễn biến sự việc như sau:
   
  Ngày 25/6/2012, Công ty cổ phần vận tải thương mại tổng hợp quốc tế TVL Hà Nội (gọi tắt là công ty TVL), đại diện là bà Vương Thị Thanh Thủy đã ký hợp đồng bảo hiểm kết hợp xe ô tô với Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA (gọi tắt là bảo hiểm AAA) theo Hợp đồng bảo hiểm số: 1101- 0400-070100-12-000268, có hiệu lực từ ngày 22/6/2012 đến ngày 22/6/2013. Số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm ghi trong hợp đồng là 83,737,500 đồng.
   
  Theo đó, đây là loại hình bảo hiểm vật chất xe ô tô (bảo hiểm toàn bộ) cho chiếc xe ôtô BKS 30Y-2839, hiệu xe Mercedes-Benz S550, tổng phí bảo hiểm 83.737.500 đồng. Kèm theo 3 điều khoản bổ xung AU 001 – Bảo hiểm mới thay cũ, AU 005 – Bảo hiểm lựa chọn Garage nhà sản xuất, và AU 006 – Thiệt hại rủi ro xe Ô tô bị ngập nước.
   
  Vào khoảng 23h, ngày 22/7/2012, trời mưa to, bà Thủy điều khiển xe ôtô BKS 30Y-2839 di chuyển trên đường Lý Thường Kiệt, khi đến đoạn giao cắt với đường Ngô Quyền thì có một xe chạy cùng chiều phóng nhanh vượt lên trước làm nước bắn tràn lên nắp capo. Bà Thủy liền đạp phanh gấp khiến xe chết máy. Ngay sau đó, bà Thủy ra khỏi xe, giữ nguyên hiện trường và thông báo sự việc cho nhân viên bảo hiểm AAA và Công an phường Phan Chu Trinh, TP. Hà Nội.
   
   
  Đại diện bảo hiểm AAA cùng đại diện Công an phường Phan Chu Trinh ngay lập tức có mặt tại hiện trường chứng kiến sự việc và lập biên bản. Các bên đã thống nhất cho xe cứu hộ cẩu xe đưa về xưởng dịch vụ của Công ty cổ phần Truyền thông và Dữ liệu thanh toán An Du (nhà phân phối ủy quyền của Mercedes - Benz Việt Nam) để giám định thiệt hại và sửa chữa.
   
  Ngày 3/8/2012, Công ty An Du ra công văn số 03/08/2012 /CV-Andu trong đó nêu rõ: Căn cứ biên bản kiểm tra, xử lý kỹ thuật của Công ty An Du (có đại diện của công ty kiểm định độc lập do bảo hiểm AAA cử đến) thì chiếc xe S550, BKS 30Y-2839 là xe bị ngập nước, một tay biên bị gãy đâm thủng lốc máy, tay biên khác bị cong, lòng xi lanh bị xước. Theo quy trình sửa chữa và tiêu chuẩn của Mercedes-Benz Việt Nam, để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất xưởng và lái xe an toàn, quý khách hàng phải thay mới toàn bộ tổng thành máy trị giá gần 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra không có phương án nào khác vì Mercedes-Benz Việt Nam không bán rời chi tiết kĩ thuật lốc máy.
   
  Ngày 24/8/2012, bảo hiểm AAA yêu cầu Công ty TVL cho di chuyển chiếc xe ôtô trên về Công ty TNHH Ô tô Ngôi Sao Việt Nam (một nhà phân phối ủy quyền khác của Mercedes - Benz Việt Nam) để tiếp tục khắc phục hậu quả tai nạn.
   
  Ngày 25/8/2012, Công ty Ngôi Sao gửi báo giá theo yêu cầu của bảo hiểm AAA về phương án khắc phục, sửa chữa chiếc xe S550 của công ty TVL. Nhận được bản báo giá, nhân viên bảo hiểm AAA đã tự ký vào phần xác nhận của khách hàng nội dung: thống nhất chi phí sửa chữa xe 30Y-2839 với chi phí là: 135,634,950 đồng. Và bảo hiểm AAA đã dùng bản báo giá này để gửi cho Công ty TVL, coi đó là phương án cuối cùng mà bảo hiểm AAA đã lựa chọn cho khách hàng.
   
  Không đồng ý với cách giải quyết bất nhất như trên nên Công ty TVL làm công văn gửi bảo hiểm AAA để “nhắc” lại cho bảo hiểm AAA nhớ rằng trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, ngoài hợp đồng chính thì phần phụ lục còn có các điều khoản bổ sung. Căn cứ vào các điều khoản này thì “xe bị thiệt hại động cơ hoặc hư hỏng về điện do ngập nước thì người mua bảo hiểm sẽ được bồi thường thiệt hại vật chất và được thay mới 100%, ngoài ra thì người mua bảo hiểm được quyền chỉ định Garage sửa chữa”. 
   
   
  Đáp lại thiện chí của Công ty TVL, ngày 26/9/2012, bảo hiểm AAA đã đơn phương ra văn bản “chấm dứt các hợp đồng bảo hiểm đã ký với quý công ty trên toàn hệ thống bảo hiểm AAA và sẽ không nhận bất kỳ các hợp đồng bao hiểm nào của quý công ty” vì cái “tội” của Công ty TVL là đã dám “có ý định đưa sự vụ lên các kênh thông tin truyền thông”.
   
  Nhận thấy công ty bảo hiểm AAA quyết tâm lập lờ “đánh bùn sang ao”, ngày 10/10/2012,  Công ty TVL có văn bản gửi tới hãng Mercedes - Benz Việt Nam đề nghị đưa ra phương án sửa chữa cuối cùng đối với trường hợp hỏng hóc của chiếc xe Mercedes – Benz S550, BKS 30Y-2839.
   
  Phúc đáp lại công văn của Công ty TVL, ngày 22/10/2012, ông Nguyễn Bảo Toàn, Trưởng phòng Kỹ thuật dịch vụ bảo hành của Mercedes - Benz Việt Nam khẳng định: “Với mức độ hư hỏng nặng như vậy thì không thể khắc phục được vết nứt này bằng những phương pháp thông thường (ví dụ như hàn phục hồi), phương pháp tối ưu là phải thay mới tổng thành động cơ”.
   
  Trước đó, ông Dương Quốc Bình, Trưởng phòng Dịch vụ sau bán hàng của Công ty Ngôi Sao đã trả lời: “Với tổn thất như trên, theo tiêu chuẩn của Mercedes - Benz thì động cơ này phải được thay mới. Hãng không áp dụng phương án sửa chữa. Liên quan tới việc sửa chữa chiếc xe nêu trên chúng tôi đã gửi cho bảo hiểm AAA một báo giá thay động cơ tổng thành với trị giá sửa chữa gần 2,1 tỷ đồng. Nhưng công ty bảo hiểm yêu cầu chúng tôi gửi một báo giá khắc phục, sửa chữa khác với trị giá sửa chữa là 135,634,950 đồng. Việc sửa chữa, hàn lốc máy là không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật của Mercedes - Benz Việt Nam mà là theo yêu cầu của bảo hiểm AAA”.
   
  Ngày 31/10/2012, trong công văn gửi cho Công ty TVL, ông Bùi Đức Long, Phó Tổng giám đốc vẫn nhất quán đưa ra quan điểm: Nếu Công ty TVL không đồng ý với phương án sửa chữa chiếc xe 30Y- 2839 với số tiền 135,634,950 đồng theo báo giá của Công ty Ngôi Sao thì bảo hiểm AAA sẽ trả tiền mặt trực tiếp. Trong khi đó, Công ty Ngôi Sao khẳng định báo giá này chỉ có tính chất tham khảo tại thời điểm báo giá – ngày 25/8/2012 và chỉ có giá trị trong vòng 7 ngày.
   
   
Ai bảo đảm "Quyền được An Tâm" của khách hàng?
   
  Thấy rằng nếu cứ kéo dài tình trạng công văn qua lại như vậy thì không biết vụ việc còn kéo dài tới đâu nên Công ty TVL đã thống nhất với bảo hiểm AAA cùng mời một tổ chức giám định độc lập là Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an để xác định nguyên nhân tai nạn và mức độ tổn thất xem có thuộc trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm AAA hay không.
   
  Sau khi Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an có kết luận nguyên nhân gây ra tổn thất nêu trên không thuộc về lỗi của khách hàng mà trách nhiệm thuộc về bảo hiểm thì bảo hiểm AAA không đồng ý vì cho rằng “kết luận” của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an không giải thích rõ ràng kết quả nguyên nhân tổn thất của xe. Đồng thời quyết định đơn phương đi mời một tổ chức giám định khác (Công ty Crawford Việt Nam) để giám định lại và đưa ra con số bồi thường cuối cùng là xấp xỉ 49 triệu đồng.
   
  Công ty TVL quyết định đưa vụ việc ra TAND Quận Đống Đa để giải quyết vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật bởi không thể chạy theo công ty bảo hiểm mãi như vậy được. Tại phiên sơ thẩm, sau khi nghe các bên liên quan trình bày cùng với ý kiến của VKSND thì tòa sơ thẩm đã tuyên buộc bảo hiểm AAA phải trả cho Công ty TVL số tiền gần 2,8 tỉ đồng bao gồm tiền thay mới tổng thành máy, tiền thuê chỗ gửi xe bị hư hỏng, tiền thuê xe khác thay thế để đi trong thời gian chờ bảo hiểm giải quyết bồi thường thiệt hại.
   
   
  Bảo hiểm AAA quyết định kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Ngày 2/1/2014, tòa phúc thẩm, TAND TP. Hà Nội tuyên y án như cấp sơ thẩm, buộc bảo hiểm AAA phải chi trả tiền bảo hiểm cho Công ty TVL số tiền là gần 2,8 tỉ đồng. Lí do là bởi bên kháng cáo không đưa ra được tình tiết nào mới để chứng minh vụ tai nạn xe bị ngập nước đó nằm ngoài phạm vi phải chi trả bồi thường cho khách hàng. Mặc dù ngay khi bắt đầu phiên tòa bảo hiểm AAA đã đồng ý thương lượng với công ty TVL và sẵn sàng trả 1 tỉ đồng tiền mặt để hỗ trợ nhưng công ty TVL từ chối.
   
  Vụ việc trên cho thấy: Không ai có thể an tâm khi chứng kiến hơn 4 tỷ đồng (trị giá chiếc xe tới thời điểm bị tai nạn ngập nước) nằm chết dí hơn 1 năm trời trong Garage. Đến lúc này, câu hỏi mà dư luận đặt ra là: Với cách cư xử như vậy thì “Quyền Được An Tâm” của khách hàng khi mua bảo hiểm AAA liệu có còn?.
   
        
Giám định tổn thất: Khoản 2, Điều 48, luật Kinh doanh bảo hiểm
        
Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
        
    
   
  Bài & ảnh: Lê Hưng
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Bảo hiểm AAA bị kiện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO