Vi phạm các quy định về phòng, chống sạt, lở bờ suối bị phạt như thế nào?

Phạm Oanh | 21/09/2021, 19:15

(TN&MT) - Trước cửa nhà tôi có một con suối lớn, gần bờ suối, nhà tôi có trồng 1 vườn cây lâu năm. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, bờ suối thường vị xói lở, diện tích lấn sâu vào vườn cây của gia đình tôi. Xin hỏi, gia đình tôi có được xây kè bờ suối để tránh tình trạng xói lở hay không? Khi xây dựng, gia đình tôi có phải xin phép chính quyền địa phương hay không? (Hoàng Văn Khánh, Hà Giang).

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, người dân có quyền sử dụng đất và bảo vệ diện tích đất của mình. Vì vậy, để tránh tình trạng bờ suối xói lở, xâm lấn vào diện tích đất vườn, đất trồng cây, gia đình bạn hoàn toàn có thể xây dựng bờ kè suối.

Tuy nhiên, khi xây dựng bờ kè suối gia đình bạn cần lưu ý một số điểm sau: Việc xây dựng phải xin phép chính quyền địa phương; Quá trình xây dựng phải đảm bảo trật tự xây dựng; Đặc biệt, gia đình bạn chỉ được xây dựng kè suối tại phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình mình, không được lấn chiếm đất công.

Nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu trên, việc tự ý xây dựng kè suối là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt tuỳ vào mức độ vi phạm.

Ảnh minh họa

Các mức phạt như sau:

Điều 25 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về các mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đặt vật cản, chướng ngại vật, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh rạch.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đặt đường ống hoặc dây cáp bắc qua sông, suối, kênh, rạch, đặt lồng, bè không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật gây cản trở dòng chảy.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản, xây dựng cầu, bến tàu hoặc công trình khác ngăn, vượt sông, suối, kênh, rạch không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật gây cản trở dòng chảy.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kè bờ, gia cố bờ sông, nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

- Phạt tiền đối với hành vi san lấp sông, suối, kênh, rạch gây thu hẹp dòng chảy không được cơ quan có Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận như sau:

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp dưới 5% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 5% đến dưới 20% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 20% đến dưới 30% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 30% đến dưới 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch trở lên.

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Kè bờ, gia cố bờ sông, nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông; Sử dụng phần diện tích lấn sông không đúng mục đích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận…

Ngoài các mức phạt trên, gia đình bạn sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; Buộc tháo dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy.

Bài liên quan
  • Những trường hợp khoan giếng không phải đăng ký?
    (TN&MT) - Xin hỏi, hiện nay, pháp luật quy định những trường hợp nào khoan giếng không phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước? Khoan giếng, khai thác sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình, hoạt động văn hoá, tôn giáo, khoa học có thuộc trường hợp không phải đăng ký khai thác hay không? (Phạm Anh Như, Nga Sơn, Thanh Hóa).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO