“Vết thương” miền khoáng sản

Đình Tiệp| 17/12/2020 13:08

(TN&MT) - Đau thương, tang tóc không biết bao nhiêu lần phủ kín bản làng nghèo khó ở miền khoáng sản Quỳ Hợp (Nghệ An). Những đau thương, tang tóc đó là do tai nạn tại các mỏ quặng thiếc, đá trắng và là cung bậc cao nhất của những nỗi đau bên cạnh các “vết thương” đã đến nỗi “tật nguyền” trên những ngọn núi, quả đồi.

“Vết thương” của núi

Con đường từ thị trấn Quỳ Hợp vào Tỉnh lộ 532 để đến với “miền khoáng sản” Quỳ Hợp dù chỉ dài hơn 2 chục cây số nhưng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới có thể vượt qua “cung đường đau khổ” này. Những dòng xe tải hạng nặng ngày đêm chở các loại khoáng sản từ đá trắng đến quặng thiếc cứ rầm rập cày xới khiến cho toàn tuyến đường hầu như không mét vuông nào còn nguyên vẹn.

Những ngọn núi “tật nguyền” (Ảnh chụp tại khu vực mỏ của Công ty Khoáng sản Nghệ An tại bản Phẩy, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp)

“Ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi bay mù trời. Đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do xe tải chở khoáng sản cày xới đã hàng chục năm qua, nhưng không ai dám sửa chữa, vì chưa sửa xong đoạn này thì đoạn khác đã hỏng. Khổ nhất là những người đi xe máy, khi vượt qua cung đường này đều có chung cảm giác ghê sợ” – Một người dân ở bản Na Hiêng, xã Châu Hồng tâm sự.

Vê tuyến đường này, theo như lời ông Lương Văn Long - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, mấy năm trước đã có dự án cải tạo, sửa chữa tuyến đường này. Thế nhưng khi nhà tài trợ đi khảo sát thực địa cũng phải lắc đầu ngao ngán, vì có làm đường cũng hỏng ngay do lượng xe tải trọng lớn chở khoáng sản lưu thông quá nhiều. Sau đó, nhà đầu tư đã đưa nguồn vốn đáng lẽ thuộc về tuyến đường trên lên đầu tư tận huyện biên giới Quế Phong.

Trở lại với câu chuyện những ngọn núi. Sau quãng đường vất vả “đánh đu” với những ổ gà, ổ voi, chúng tôi vượt qua dốc cao nhất của cung đường là dốc Cài Cón. Đứng trên dốc phóng tầm mắt về tứ phía đều thấy vây quanh những ngọn núi nham nhở “vết sẹo”.

Chỉ bên trái chúng tôi, em Vi Văn Thành - ở xã Châu Hồng nói: “Phía đồi cao tít bên trái kia gọi là Suối Bắc, nhìn vậy thôi nhưng trong lòng núi chằng chịt hầm hố do khai thác quặng thiếc đấy. Còn phía đối diện chúng ta là những núi Lần Toong, Phá Líu…trước đây núi đá rất đẹp, cây cối phủ lên một màu xanh ngát; giờ các anh thấy rồi đó, nham nhở, tan hoang, đôi lúc bọn em nhìn mà thấy ớn lạnh”.

Nước suối Nậm Tôn đỏ quạch do khai thác quặng thiếc

Nhìn những ngọn núi nham nhở, toang hoác, cơ man nào là đá trắng đủ loại to, nhỏ, ai trông thấy đều không khỏi xót xa, luyến tiếc. Tiếng khoan đá, tiếng máy nghiền, tiếng nổ mìn… đinh tai nhức óc. Theo ông Long “tiếng ồn có thường xuyên ở vùng này rồi”. Không cần sổ sách, ông Chủ tịch xã Châu Hồng đọc rành mạch 11 điểm mỏ trên địa bàn đang được 11 công ty khai thác, còn trước đây thì con số này lên tới 22. Đó là chưa kể những khu vực bị khai thác “chui” ở trong núi.

“Hiện, ngoài khoảng 50 người dân được tuyển dụng vào làm công nhân thì xã không được gì, kể cả phí bảo vệ môi trường. Trong khi đó, đường sá hư hỏng nặng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rồi cả tai nạn chết người nữa... Chỉ doanh nghiệp được lợi thôi” - ông Long thở dài cho biết thêm.

Tại xã Châu Quang, con đường dẫn vào bản Bành nhuộm trắng một màu bụi đá. Những ngọn núi xưa nay xanh ngát giờ phải nhường chỗ cho thứ màu hỗn tạp. Gần như không còn một ngọn núi nào vẹn nguyên. Khai thác, chế biến… hết tiếng nổ mìn, máy khoan, máy nghiền đến tiếng xe ầm ĩ suốt ngày đêm. Xe chạy đến đâu, bụi tung đến đó. Bụi đến nỗi người dân phải lắp vòi nước hai bên đường để tưới liên tục nhưng cũng không xuể. Không một ngọn cây nào ở bản Bành còn rõ màu xanh...

Anh em cháu Lương Tuấn Thành (giữa) ở xã Châu Hồng kể về cái chết của bố và mẹ do sập hầm quặng thiếc

Nằm sâu hơn các xã khác, nhưng xem “tình cảnh” của xã Châu Tiến cũng chẳng khá hơn. Niềm an ủi duy nhất theo như ông Vy Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã là: “Nguồn nước xã tôi may mắn nằm ở bên phải đường, không bị ô nhiễm do khai thác quặng thiếc”. Cũng theo ông Dương, mùa nào cũng khổ, nắng thì bụi bặm, mưa thì lầy lội. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do đường quá trơn... Đoạn ông chùng giọng: “Ở bản Phẩy hồi tháng 6 năm nay có người vừa bị đá lăn vùi chết”.

Và những nỗi đau

Ngôi nhà nhỏ của chị Lương Thị Bình (bản Phẩy, xã Châu Tiến) nằm chênh vênh bên sườn đồi. Chúng tôi ghé giữa trưa, căn nhà vắng tanh trông càng hoang lạnh. Chị là vợ anh Vi Văn Hợp, người mới tử nạn khi đang khai thác đá. Đến nhà, hàng xóm bảo chị đang đi làm đá. Đợi mãi, gần trưa may gặp được bà Lương Thị Tuyết, mẹ anh Hợp.

Bà Tuyết kể, gia đình bà quê ở trên huyện Quỳ Châu xuống bản Phẩy lập nghiệp. Hợp là lao động chính trong gia đình. Tháng 6 vừa qua, khoảng 9h sáng, trong khi Hợp đang lái máy để đập đá phía dưới chân núi Na Hiêng thì một khối đá phía trên đổ ập xuống. Hợp mất, để lại mẹ già, bố thần kinh không ổn định, vợ và 2 đứa con, trong đó đứa đầu đang học đại học năm thứ 2. Bà Tuyết ngậm ngùi: “Nhiều người cũng hỏi có thắc mắc chi về chế độ của thằng Hợp không? Nhưng tôi nói thắc mắc chi nữa, có cũng không lấy lại được mạng sống của con tôi, tiền tỷ cũng không lấy lại được…”.

Người nhà anh Vi Văn Hợp (bên trái) ở Bản Phẩy, xã Châu Tiến kể chuyện với PV

Ghé thăm anh Lô Trung Tuấn (45 tuổi, ở bản Bành, xã Châu Quang), người mới hồi phục do tai nạn từ nổ mìn phá đá. Anh Tuấn kể, hôm ấy, hết giờ làm, anh lấy xe máy để về. Xe hỏng nên anh dừng lại sửa. Trong lúc anh đang sửa xe thì tổ đá hộc của công ty nổ mìn phá đá. Một hòn đá văng trúng đầu, anh bị hôn mê 3 ngày, sau đó phải mổ, chạy chữa khắp nơi mới hồi phục. Giờ anh và 2 đứa con trông chờ cả vào người vợ. Vợ anh cũng làm đá, mỗi ngày chỉ được 180.000 - 200.000 đồng, nhưng là “làm chay” không hợp đồng lao động, không bảo hiểm. Anh Tuấn bảo, như anh còn may, cách đây mấy tháng có người cũng bị tai nạn từ sản xuất đá, chết. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang, anh Sầm Thanh Ngọc thông tin, năm 2016 chỉ một vụ tai nạn mỏ đã cướp đi sinh mạng của 3 người, 1 người bị thương.

Đau đớn hơn là cái chết của cả hai vợ chồng anh Lương Văn Tuấn và chị Lương Thị Hảo ở bản Huống, xã Châu Hồng. Anh chị có 3 con trai, đứa lớn năm nay 18 tuổi, con út 8 tuổi. Có lẽ với ước mong con cái phương trưởng, nên người mà anh chị chọn đặt tên hai đứa đầu là Thành và Công. Lương Tuấn Thành, cậu anh cả bây giờ phải gánh cả ba vai, vừa làm anh vừa phải làm cha làm mẹ cho hai đứa em thơ dại.

Thành kể: “Ra tết năm ngoái, con theo người ta sang Trung Quốc làm ăn với mong muốn kiếm tiền góp với cha mẹ để mổ não cho em út tên An, em bị bệnh não úng thủy. Chiều 13/3/2019, con nhận được điện thoại của bác, bảo về ngay. Tối 14/3, con về đến nhà thì cha mẹ đã được bà con an táng”.

Anh Lô Trung Tuấn (bên phải) ở bản Bành, xã Châu Quang đang nhớ lại những ám ảnh do bị đá bay vào đầu khi nổ mìn phá đá

Thành nghẹn ngào: “Trưa hôm đó, khi ăn cơm xong, không kịp nghỉ ngơi, bố mẹ con vào mỏ thiếc Suối Bắc để mót quặng. Đến hơn 2 giờ chiều thì tai nạn ập đến, mỏ bị sập khiến hai người và cô Hải nhà kế bên bị vùi lấp”.

Hỏi Thành về công việc, về dự định và cả việc chăm sóc các em? Thành nói, giờ thì ai thuê gì làm nấy, chỉ loanh quanh trong xã, không dám đi xa vì không có ai chăm sóc cho các em. Còn em Công cũng đã nghỉ học, đang đi làm thuê cho một doanh nghiệp, cũng khai thác quặng thiếc. “Bây giờ chỉ lo kiếm đủ cơm cho ba anh em đã, chứ con chưa có dự định gì được cả…” – Thành tay lau nước mắt, tay ôm chặt đứa em thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vết thương” miền khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO