Về xứ Quảng kéo lưới rùng

Lan Anh | 20/06/2022, 10:01

(TN&MT) - Những tưởng nghề kéo lưới rùng đã trở thành “dĩ vãng” khi các loài cá, con ruốc ven bờ ngày càng cạn kiệt do con người khai thác quá mức và ô nhiễm biển, vậy mà ở vài làng chài ven biển xứ Quảng, ngư dân vẫn miệt mài mưu sinh, níu giữ truyền thống cha ông.

Kéo cá lên bờ

Sớm mai, trời còn chưa sáng rõ, bãi biển Mỹ Khê đã rộn ràng tiếng gọi nhau í ới cùng nhịp kéo lưới hối hả của ngư dân. Lão ngư Phạm Có (thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn dẻo dai không thua kém thanh niên, thoăn thoắt đưa những tấm lưới rùng chất lên chiếc thúng chai ra biển thả. Tấm lưới dùng trong nghề kéo lưới rùng dài khoảng 3.000m, mắt lưới khá nhỏ, chỉ nhỉnh hơn đầu đũa ăn cơm, được thả từ bờ ra biển khoảng 1,5km theo hình bán nguyệt sao cho vừa giáp vào bờ, khoảng cách giữa 2 đầu lưới thường 200 - 300m. Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình đánh bắt.

t20(1).jpg

Nghề kéo lưới rùng được liên tưởng với hình ảnh "đi giật lùi trên cát".

Ngoài xa trên ngọn sóng bạc, cá bơi trúng lưới vọt lên không xoay tròn một vòng rồi rơi xuống biển, trong vòng vây của sóng lưới lung linh. Khi lưới càng gần vào bờ, cá nhảy lên càng nhiều. Trên bờ, hơn chục người cả nam lẫn nữ chia thành 2 tốp đứng về hai bên, kéo giật lùi và dần tiến lại gần nhau khi lưới được đưa lại gần bờ.

2 giờ sau thả lưới, mẻ cá đầu tiên đã nằm trên cát trắng. Trong lưới chừng 20kg cá các loại như: Cá liệt, cá hố, cá lẹp, cá đối, cá chim, cá cơm, mực, tôm, cua... đành đạch, loạt xoạt liên hồi. Phụ nữ thì nhanh tay phân loại, cân ký và cho vào sọt; còn đàn ông tiếp tục thu dọn lưới, bơi thúng cho mẻ tiếp theo. Những đứa trẻ miền biển cũng hồn nhiên nhặt cá con thả về lại với biển mà không để ý tới vẻ mặt trầm ngâm của ba mẹ những hôm thất thu. Chúng không hề biết rằng, công việc mưu sinh của cha mẹ, ông bà chúng ngày càng khó khăn vì vô vàn lý do… Biển mẹ vẫn hào phóng ban tặng cho con người vô vàn sản vật nhưng không thể nào là vô hạn…

Rít một hơi thuốc dài, ông Có thong thả: Tính ra, nghề này gia đình làm 3 đời rồi, từ ông, cha rồi đến ông. Gần 50 năm gắn bó với nghề, có lúc kéo lên chỉ thấy rong biển, rác quấn vào lưới, nhưng không hiểu sao, ông Có vẫn đam mê, cái nghề “lạc hậu” ấy cứ thế gắn bó mãi với ông.

Ông Có kể, ông bà thời trước cũng chèo ghe, chèo thúng ra để đánh nhưng lưới rùng không như bây giờ, thời đó lưới làm bằng vải đan bằng sợi tơ rất tốt. “Mỗi giáp (một buổi kéo rùng) ngày xưa kéo được 5 - 7 tạ cá, có cả cá thu, cá hố… Dần dà về sau này, mỗi ngày càng ít đi. Giờ đánh bắt cá trên biển có nhiều phương tiện hiện đại, nên nghề rùng không được như xưa", ông Có thở dài.

Hiện nay, 3 dàn lưới rùng của ông Có, mỗi lần ra biển kéo từ 12 - 15 người, thu nhập bình quân được từ 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày, có hôm được nhất cả 1 triệu đồng/người. "Công việc không quá vất vả nên phụ nữ cũng có thể làm được, kiếm mấy trăm ngàn trong ngày không khó. Tôi muốn giữ nghề này", ông Có trải lòng.

Ngồi trên bãi cát nghỉ ngơi sau 2 mẻ lưới,bà Lê Thị Vương (50 tuổi, thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ) cho biết, kéo lưới rùng là cách đánh bắt hải sản bằng lưới gần bờ khá độc đáo của bà con vùng biển. Nghề này bắt đầu khi ăn Tết cổ truyền xong và kết thúc vào hết tháng 9 (Âm lịch). Việc kéo lưới rùng thường tiến hành vào sáng sớm, tuy nhiên, tất cả tuỳ thuộc vào thời tiết nên không cố định thời gian trong ngày. Cứ thấy sóng lặng thì cùng nhau mang lưới ra biển. “Thường kéo lưới từ 7 giờ đến 11 giờ sáng là được một giáp. Khi kéo vô mà có cá thì mình bán cho người dân hoặc đem ra bán ngoài chợ. Một ngày bình quân kéo khoảng vài chục ký hải sản, ít nhất được hơn 10kg" - bà Vương nói.

Trăn trở giữ nghề

Nghề kéo lưới rùng đã có từ rất lâu, được ngư dân ven biển ở tỉnh Quảng Ngãi duy trì đến ngày hôm nay. Nghề kéo lưới rùng không chỉ ở xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), mà còn có ở nhiều nơi khác như xã Đức Minh (huyện Mộ Đức); xã Bình Châu, xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn).

t20.(1).jpg

Nghề gắn với hình ảnh "đi giật lùi trên cát", dù có vất vả nhưng được cái tốn ít chi phí và mang lại thu nhập cho ngư dân nơi đây. So với lênh đênh bể bắc, bờ nam, ngư dân sống bằng nghề này an toàn tính mạng hơn.

Vì vậy, có không ít gia đình này theo nghề cha truyền con nối. Tuy nhiên, số lượng ngư dân theo nghề đã giảm nhiều so với ngày trước. Bây giờ, đây là nghề thường dành cho phụ nữ, hoặc những ngư dân đã lớn tuổi, người không còn đủ sức “cưỡi” sóng ra khơi đánh bắt.

Thôn Minh Tân Bắc (xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) cũng từng nổi tiếng với nghề kéo lưới rùng, mà nay chỉ có 4 ghe hành nghề. Ngư dân Nguyễn Phương thở dài, không giấu được vẻ tiếc nuối: “Phần thì cá ven bờ sụt giảm, phần thì chủ nuôi tôm xả thải ra biển. Dần dà, ngư dân thôn đành chuyển nghề khác mưu sinh, không bám vào nghề lưới rùng để sống nữa”.

Ở xã Tịnh Kỳ, từng có 20 chủ tàu và khoảng 300 ngư dân mưu sinh với nghề. Giờ thì số tàu đếm không đủ một bàn tay, lao động chỉ mấy mươi con người còn sót lại, níu giữ nghề truyền thống cha ông.

Tại bãi biển Khe Hai (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn), nghề kéo lưới rùng bây giờ chủ yếu là phục vụ du khách. Khách trải nghiệm kéo lưới, có cá thì lấy hết để nhậu, còn không có cá thì cười với biển. Chỉ có ngư dân vùng này, cầm tiền trên tay mà bùi ngùi, nghề chính mưu sinh một thời, giờ dường như chỉ để vui là chính.

Ông Nguyễn Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ chia sẻ, nghề kéo lưới rùng thuộc nghề truyền thống lâu đời của địa phương. Thế nhưng nghề này thu nhập bấp bênh, đánh cá phải theo con nước, theo mùa, lại phải huy động nhiều người cùng làm, nên giờ chỉ còn sót lại vài gia đình níu giữ nghề.

“Hiện nay địa phương đang vận động bà con giữ nghề kéo lưới rùng. Có nhiều du khách đến bãi biển đã trải nghiệm nghề này, ngư dân có thêm thu nhập. Trong xu thế về sau, khi phát triển du lịch biển ở đây, nghề kéo lưới rùng sẽ là sản phẩm du lịch trải nghiệm. Vào những ngày sương giăng, những tấm lưới rùng xanh, đỏ nổi bật mang lại bức tranh nhịp sống trên bãi biển Mỹ Khê rất đẹp hứa hẹn sẽ thu hút du khách", ông Thanh nói.

Quảng Ngãi là địa phương có cảnh quan thiên nhiên nên thơ, hoang sơ với những làng chài trăm tuổi ẩn chứa tầng tầng lớp lớp văn hóa bản địa đầy bí ẩn. Với ý tưởng phát triển du lịch trải nghiệm nghề kéo lưới rùng, hứa hẹn sẽ là mô hình du lịch xanh, được người Việt đón nhận nhiệt tình, vừa tăng thu nhập cho ngư dân, vừa giữ được văn hóa làng biển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Rừng mãi xanh nhờ… hương ước
(TN&MT) - Trong quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, rừng là sinh mệnh, là nơi thần linh ngự trị. Bởi lẽ đó mà người Cống bản Lả Chà, xã Pa Tần của huyện Nậm Pồ (Điện Biên) yêu rừng như yêu bản.
Đừng bỏ lỡ
  • Phân vùng sạt lở để chủ động phòng tránh
    (TN&MT) - Trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét là những hiện tượng thiên tai vô cùng nguy hiểm, hàng năm đều gây thiệt hại về người và tài sản cho tại các tỉnh miền núi. Nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xây dựng bản đồ phân vùng phục vụ phòng chống thiên tai một cách chủ động hơn.
  • Nam Định: Rác ngập và tiềm ẩn nhiều rủi ro tại điểm du lịch tự phát
    Điểm du lịch tự phát nhà thờ đổ thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang hiện hữu nhiều nguy cơ mất an toàn vì gắn liền với một công trình nhà thờ nằm ngay chân sóng, trong tình trạng "sắp đổ" những phần còn lại. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác tràn lan dọc bãi biển đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và hệ sinh thái.
  • Thanh Hóa: Báo động tình trạng sạt lở trên sông Bưởi
    Những ngày gần đây tình trạng sạt lở ở sông Bưởi xã Thạch Định, Thành Trực (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ dân sống ven sông Bưởi.
  • Thời tiết ngày 27/9, cả nước có mưa, nhiều nơi mưa to
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo KTTVQG, ngày 27/9, Hà Nội và khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông nam cấp 2-3. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
  • Nghệ An: Mưa lớn, nhiều thủy điện vận hành điều tiết nước hồ chứa
    Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa lớn tại tất cả các huyện, thành, thị. Vì thế, để đảm bảo công tác điều tiết nước hồ chứa các nhà máy thủy điện được an toàn theo đúng quy trình đơn hồ và Quy trình liên hồ chứa trên lưu vực các sông, nhiều Nhà máy thủy điện đã có thông báo về việc vận hành điều tiết nước hồ chứa.
  • Nghệ An: Nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lốc xoáy
    Trong đêm 25 và ngày 26/9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An xẩy ra mưa lớn khiến cho nhiều địa phương bị ngập. Ngoài ra, một số nơi còn xảy ra lốc xoáy gây thiệt hại nhiều tại sản của người dân.
  • Học sinh Điện Biên chế tạo máy vớt rác tự động trên kênh mương
    (TN&MT) - Mới đây, một nhóm học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã chế tạo thành công máy vớt rác tự động cho kênh mương. Thiết bị đã được sử dụng trong thực tế, khẳng định được hiệu quả và đạt giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Điện Biên năm 2023.
  • Ứng phó với BĐKH ở Bến Tre: Hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững
    (TN&MT) - Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, tỉnh Bến Tre đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, nhằm hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre xung quanh nội dung này.
  • Tân Uyên – Lai Châu: Hiệu quả từ dịch vụ môi trường rừng
    (TN&MT) - Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã có ý thức hơn trong việc giữ rừng, phát triển rừng. Những cánh rừng trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà ngày càng xanh tốt. Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện ngày một nâng lên.
  • Quảng Bình: Mưa lũ làm 22 thôn, bản bị chia cắt
    Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN kiêm PTDS tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 11h ngày 26/9/2023, mưa lớn do áp thấp nhiệt đới khiến 22 thôn, bản trên địa bàn tỉnh bị chia cắt. Trong đó, Huyện Minh Hóa có 14 thôn bản, huyện Quảng Ninh và Bố Trạch mỗi huyện có 4 thôn, bản bị chia cắt.
  • Phiên chợ xanh — Bảo vệ môi trường nông thôn
    (TN&MT) - Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, ngày 26/9, tại Bến đò Tam Cốc (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình tổ chức sự kiện truyền thông “Phiên chợ xanh – Bảo vệ môi trường nông thôn” với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”.
  • Bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng
    Bảo vệ và phát triển rừng bền vững luôn được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống thực hiện rất tốt trong những năm qua. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống về vấn đề này.
  • Dự báo thời tiết ngày 26/9: Đông Bắc Bộ mưa rào rải rác và có nơi có dông
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ngày 26/9, phía Tây Bắc Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng khu vực đồng bằng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO