Về Quỳnh Nhai xem bà con làm du lịch cộng đồng

Nguyễn Nga | 25/07/2022, 22:28

(TN&MT) - Được ví như "vịnh Hạ Long" của vùng Tây Bắc, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã dồn các nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch lòng hồ Sông Đà.

Nằm cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 60 km, cùng với Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai là 1 trong các địa phương đang được tỉnh Sơn La quy hoạch để thực hiện Đề án phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch quốc gia. Cùng với đó, huyện đang triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2025.

a1.jpg

Lòng hồ Thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có diện tích trên 10.000ha; với nhiều cảnh đẹp, nhiều đảo lớn nhỏ, những dãy núi kỳ vĩ, những cánh rừng xanh tốt. Cùng cây cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà có trụ cao nhất Việt Nam, các lễ hội đua thuyền, lễ hội gội đầu truyền thống… của bà con đồng bào dân tộc Thái ven sông Đà. Đây là những tiềm năng, lợi thế để Quỳnh Nhai tập trung phát triển du lịch.

Theo lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Nhai, hiện nay, huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư Bản du lịch cộng đồng Bản Bon; Bến du thuyền Tâm Anh; Đền thờ Linh sơn - Thủy từ và Nàng Han… Đang tiếp tục triển khai xây dựng các homestay, khách sạn, nhà hàng, bến tàu du lịch, công viên nước đảo trái tim, bungalo nổi đảo trái tim của HTX du lịch sinh thái Quỳnh Nhai; Nhà nghỉ dưỡng trên đảo, du lịch trải nghiệm, Khu vui chơi thể thao nước, thuyền cao tốc và xe đưa đón du lịch của Bến du thuyền Tâm Anh; Bungalo nổi, vườn hoa trên đảo của HTX Quỳnh Nhai Travel; Khu du lịch: Di tích lịch sử cây đa Pắc Ma…

a2.jpg

Là một trong những địa điểm hấp dẫn khách du lịch, bản Bon nằm ở trung tâm xã Mường Chiên gắn với trung tâm huyện cũ, với những nét đẹp di sản văn hóa Thái và du lịch sinh thái lòng hồ sông Đà. Bản Bon nằm cách trung tâm huyện khoảng hơn 40km đường bộ; hoặc đi du thuyền từ đầu cầu Pá Uôn ngược lên thượng nguồn Sông Đà, đến cột mốc trung tâm huyện cũ.

Các dự án đầu tư vào các lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đều gắn với vùng lòng hồ như: du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng... Chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu cho du khách khám phá, trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa cộng đồng như: Phục dựng lễ hội truyền thống; trò chơi dân gian; phục dựng duy trì nghề thủ công truyền thống…

a3.jpg

Công trình Cột mốc đánh dấu huyện Quỳnh Nhai cũ được xây dựng sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La đóng đập ngăn sông tích nước lòng hồ với diện tích 80m2, phần kiến trúc bố trí biểu tượng đặc trưng của văn hóa Quỳnh Nhai. Đây cũng là minh chứng về một thời nhộn nhịp đông đúc trên bến dưới thuyền, nơi khởi nguồn của người Thái Quỳnh Nhai trong lịch sử.

a4.jpg
Bản Bon có hơn 150 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái trắng. Sau khi thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, người dân nơi đây đã chuyển dần sang phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thu hút ngày một nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.
a5.jpg
Một trong những nét đặc sắc ở đây là nguồn suối khoáng nóng hấp dẫn, chảy tự nhiên từ khe núi, không qua tác động của con người. Nhiệt độ nước suối khoáng thường xuyên duy trì từ 40 – 45 độ C, rất phù hợp để ngâm mình thư giãn.
a6.jpg
a7.jpg
Ngay cạnh nguồn suối khoáng nóng là một thác nước và suối lạnh, tạo sự hấp dẫn, đa dạng trải nghiệm cho du khách.
a8.jpg

Một điểm đáng ghi nhận nữa là bản Bon còn giữ được khá nguyên vẹn các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trắng với những nếp nhà sàn truyền thống; duy trì nghề thủ công truyền thống như đan lát, sản xuất đàn tính tẩu, dệt thổ cẩm, sản xuất nón…

a9.jpg
a10.jpg

Không chỉ thế, du khách còn được đắm mình cùng các làn điệu múa, điệu xòe của các cô gái Thái; được xuống bếp cùng chủ nhà tự trải nghiệm văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn dân tộc đậm đà hương vị riêng, như cơm lam, xôi nếp tan, chẳm chéo, thịt trâu gác bếp, pa pỉng tộp (cá nướng), rêu nướng…

a11.jpg

Với mục tiêu, đến năm 2025, lượt khách du lịch đạt 250.000 lượt/năm; doanh thu từ du lịch nội địa đạt 120 tỷ đồng, huyện Quỳnh Nhai đang tiếp tục dồn các nguồn lực để khai thác, phát huy tài nguyên du lịch, tiềm năng, lợi thế xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài liên quan
  • Bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch cộng đồng
    (TN&MT) - Nghệ An là tỉnh có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc. Các huyện miền núi lại có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng và ngày càng được quan tâm phát triển. Việc phát huy thế mạnh này cũng luôn gắn với bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp vốn có ở các huyện vùng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO