Dân tộc thiểu số

Về Ngọc Chiến, học cách bà con bảo vệ môi trường

Nguyễn Nga (thực hiện) 13:33 23/10/2023

(TN&MT) - Là xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện 32km, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La có 15 bản, 4 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chung tay đồng lòng của toàn thể nhân dân, công tác bảo vệ môi trường tại Ngọc Chiến đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến.

bi-thu-btsy.jpg
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến.

PV: Xin ông thông tin một số nét chính về tiềm năng, lợi thế của xã Ngọc Chiến?

Ông Bùi Tiến Sỹ:

Ngọc Chiến có tổng diện tích tự nhiên hơn 21.000ha, với 2.305 hộ, 11.670 nhân khẩu. Có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Thái 65%, Mông 33%, La Ha 0,17%, Kinh 0,25%.

Nằm ở độ cao 1.800m so mặt nước biển, Ngọc Chiến là vùng đất giàu tiềm năng, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 23 độ C. Xã có 2 cánh đồng lớn, diện tích trên 300ha, độ che phủ rừng 87%; 13 khu khoáng nóng, 52km dòng suối Chiến hiền hòa, trong xanh; trên 300 ha đồi thông bon sai, hơn 2.600 ha sơn tra, trên 1.000 ha chè cổ thụ trong rừng nguyên sinh, hơn 400 ha diện tích lòng hồ thủy điện, thác nước, hang động phong phú và đẹp.

Cùng với đó là hệ thống di tích, nghề truyền thống, các lễ hội, nền ẩm thực các dân tộc đặc sắc, phong phú được nhân dân Ngọc Chiến giữ gìn hiệu quả. Đặc biệt là những công trình, điểm du lịch độc đáo, được tạo nên từ chính bàn tay, khối óc và sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, người dân nơi đây.

a4.jpg
Đoàn thanh niên Bộ TN&MT, Tỉnh đoàn Sơn La trồng, trao tặng Hàng cây thanh niên cho Đoàn thanh niên xã Ngọc Chiến.

PV: Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Ngọc Chiến triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Tiến Sỹ:

Ban chấp hành Đảng bộ xã đã thống nhất ban hành 76 chủ trương, việc làm cụ thể, gồm các nhóm lĩnh vực: Kinh tế, đường giao thông, văn hóa – xã hội, môi trường, du lịch, an ninh trật tự và nhóm chủ trương lĩnh vực khác. Đây còn gọi là các dự án “0 đồng” bởi tất cả nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp, triển khai thực hiện và hưởng lợi.

Đảng ủy xã đã thành lập Tổ công tác Ngày thứ 7 với dân gồm 15 Tổ công tác của Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách 15 bản. Mỗi Tổ công tác gồm có 5 - 7 đồng chí, chịu trách nhiệm toàn diện về mọi mặt tại bản phụ trách, cùng ăn, cùng ở, cùng bà con san nền, cuốc đất, làm đường giao thông, bờ kè, xây mương thủy lợi, hướng dẫn cách sắp xếp đồ đạc gọn gàng, dọn vệ sinh nhà ở sạch sẽ...

Chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở, xa khu dân cư; làm hố thu gom rác thải sinh hoạt, làm nhà vệ sinh tự hoại...; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng địa phương nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng xử văn minh đối với khách du lịch.

Đến nay, xã đã hoàn thành được 37/76 chủ trương, tạo nên diện mạo nông thôn mới cho “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến. Song, hơn hết là đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân, đồng thuận cao trong bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

ngoc-chien-1.jpg
Mốc giới đá tại đầu các bản, với các hình vẽ mang đậm nét đặc trưng văn hóa của từng bản.

PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường ở Ngọc Chiến ?

Ông Bùi Tiến Sỹ:

Nhóm chủ trương về môi trường gồm 6 chỉ tiêu chính, đã có bước đột phá quan trọng, làm thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đến nay, tại 15/15 bản đã thực hiện cứng hóa nền nhà bằng bê tông hoạt lát gạch; có nhà vệ sinh tự hoại; có đường bê tông đến tận nhà để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường. Các bản phân công từng hộ (đánh vạch từng mét, ghi rõ tên hộ gia đình) tự quản, tự bào vệ, chịu trách nhiệm vệ sinh sạch sẽ từng tuyến đường.

Xã đã chọn bản Kẻ làm điểm để tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp. Sau 6 tháng triển khai, từ bản được mệnh danh “Không có rượu thì buồn nôn” đến nay nhân dân bản Kẻ cơ bản đã biết vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang được làm, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân thay đổi. Mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã.

Tại các bản đã triển khai làm mốc giới đá tại đầu bản và cuối bản, với các hình vẽ trên các cột đá là các hình ảnh đặc trưng văn hóa của từng bản, từ đó, tạo thêm sản phẩm du lịch để quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người Ngọc Chiến.

Bản Giạng Phổng đã xây dựng bản “con đường đá, đào cổ” với chiều dài 3km, trồng 500 cây đào đang chăm sóc; nhân dân bản Đông Xuông làm 400 chậu hoa mào gà, địa lan trong khuôn viên nhà dân; nhân dân bản Mường Chiến trồng 4,5km tường bằng cây trúc, hoa trạng nguyên; nhân dân bản Phày xây dựng con đường đá lá đỏ hoa hồng thơm…

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động nhân dân trồng hoa để mỗi bản có một tuyến đường hoa phụ nữ và triển khai quyết liệt “5 không 3 sạch”. Xây dựng tuyến đường du lịch kiểu mẫu tại tuyến đường đôi bản Mường Chiến với hệ thống điện thắp sáng 2 bên đường tổng chiều dài 3km. Vận động nhân dân trồng gần 40.000 cây ban, cây mai anh đào, cây lê Talung, trám đen, giổi và mác ca...

ngoc-chien-2.jpg
Bình yên Ngọc Chiến.

PV: Những giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà Ngọc Chiến đang đặt ra là gì, thưa ông?

Ông Bùi Tiến Sỹ:

Bài học kinh nghiệm mà Ngọc Chiến rút ra là, mọi việc lấy dân làm gốc, dân là chủ thể để hướng đến, chủ thể thực hiện và chủ thể hưởng thụ.

Trên quan điểm đó, Ngọc Chiến đang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng các dịch vụ du lịch đảm bảo uy tín, chất lượng, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch di tích lịch sử - văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; kết nối và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng.

Xã tiếp tục triển khai hiệu quả 39/76 chủ trương đang thực hiện; Duy trì, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, hướng tới xây dựng du lịch xanh – du lịch bền vững. Đồng thời xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngọc Chiến sẽ tập trung xây dựng bản Nà Tâu thành bản nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng…

Để phát triển kinh tế bền vững, Ngọc Chiến có chính sách tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch từ số lượng sang chất lượng dịch vụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch, kế hoạch và lộ trình cụ thể; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa về du lịch.

Trong tương lai, chính quyền xã và người dân đồng lòng xây dựng môi trường Ngọc Chiến xanh – sạch – đẹp, trong lành; hình ảnh, con người, điểm đến du lịch cộng đồng Ngọc Chiến chất lượng, hiệu quả, thân thiện, an toàn trong lòng du khách.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO