Hướng tới đối tượng thu nhập thấp
Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Viết Mạnh cho biết: Tác động của chương trình đối với thị trường bất động sản là tích cực. Đây không phải là gói giải cứu thị trường bất động sản mà nó nằm trong tổng thể các giải pháp của Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…; đặc biệt là hướng tới những đối tượng theo Chiến lược Nhà ở. Hiện trong thị trường bất động sản, phân khúc dành cho người có nhu cầu ở thực sự còn đang thiếu nhưng lại dư phân khúc cao cấp, vì vậy, gói này sẽ giúp những người thu nhập thấp có cơ hội tạo dựng chỗ ở phù hợp. Đồng thời, chuyển động của phân khúc nhà ở thu nhập thấp sẽ tác động lan tỏa đến toàn thị trường, giúp điều chỉnh cán cân cung cầu sát thực tế.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định giải pháp khắc phục khó khăn thị trường bất động sản chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn là chính, chứ không dùng nguồn tiền, vì chúng ta cũng không đủ nguồn lực. Bởi vậy, Nghị quyết 02 đã nói rõ các cơ chế, chính sách, giải pháp là rà soát lại các dự án nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Dự án chưa phù hợp thì điều chỉnh; dự án đang dở dang, năng lực chủ đầu tư yếu kém, nguồn lực thực hiện cũng như nhu cầu không phù hợp thì đình hoãn, giãn tiến độ… Nhược điểm lớn của thị trường là mất cân đối cung cầu, không phù hợp khả năng thanh toán của người dân. Do đó, phải chuyển một số dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc điều chỉnh quy mô căn hộ cho phù hợp.
Để tạo cú hích cũng như tạo khả năng cầu thực sự cho người dân khó khăn nhà ở, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ thông qua Nghị quyết 02, chấp thuận gói kích cầu để kết hợp giải quyết khó khăn của người dân về nhà ở với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong điều kiện hiện tại, một mặt dùng khoảng 30% để tạo nguồn cung, cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực, thì bổ sung thêm nguồn tiền cho doanh nghiệp vay trong thời hạn thích hợp, lãi suất thấp để tạo nguồn cung. Phần lớn nguồn lực của gói 30.000 tỷ đồng dành cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn nếu có điều chỉnh. Điển hình có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) đã công bố gói lãi suất cho người dân vay lên tới 15 năm; 10 năm đầu trả lãi suất ưu đãi theo quy định Chính phủ, 5 năm sau lãi suất thỏa thuận với ngân hàng.
Việc xây nhà ở xã hội sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp theo từng thời kỳ để giải quyết dần dần từng bước… Việc dùng 30% gói tín dụng cho các doanh nghiệp vay có tác dụng như “vốn mồi” vì một số ngân hàng được phép giải ngân nguồn vốn 9.000 tỷ đồng để cho vay kèm thêm nguồn vốn thương mại với mức lãi suất chấp nhận được để phối trộn nguồn vốn tín dụng - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chia sẻ.
Minh bạch, rõ ràng thông tin
Gói tín dụng có lãi suất “mềm”, hướng tới số đông người dân nên thu hút sự quan tâm của xã hội, do đó rất cần sự minh bạch rõ ràng về thông tin, đúng đối tượng. Tuy nhiên, chương trình dự kiến giải ngân trong 3 năm nên giai đoạn đầu người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ và lựa chọn ngân hàng để làm thủ tục xin vay.
Ngay từ khi triển khai, ngân hàng đã quy định rõ trách nhiệm của khách hàng, cơ chế và chế tài xử lý khi vi phạm quy định cũng như công tác thanh tra, kiểm soát của ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải vào cuộc, cùng với sự kiểm soát của cả hệ thống chính trị và của người dân thì mới hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) cho biết đã chủ động tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thông qua hướng dẫn, quy định của các thông tư này để làm hồ sơ theo quy định nhằm đáp ứng nguồn vốn nhanh chóng cho các dự án. Mặt khác, thủ tục hoàn tất nhanh cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đáp ứng thời hạn vay.
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Xuân Hoàng, trong 10 ngày qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phổ biến hướng dẫn các quy định nghiệp vụ cho các bộ phận cho vay để nghiên cứu, triển khai. Người đi vay cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu xem khả năng có thể tiếp cận nguồn vốn như thế nào, để đối chiếu khả năng, điều kiện, thu nhập của bản thân và bàn bạc với gia đình để đưa ra quyết định vay vốn. Như vậy, hiện nay, bên ngân hàng đang bắt đầu triển khai và phía người vay đang tìm hiểu phương thức, điều kiện. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, mới có 10 ngày thì chưa thể triển khai cho vay ngay được, cần một thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân.
Đồng thời, ông Hoàng cũng chỉ rõ: Không phải tất cả các phòng giao dịch của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đều có chức năng cho vay mà một số được giao nhiệm vụ chính là huy động vốn. Vì vậy, nếu khách hàng có nhu cầu thì nên đến ngay trụ sở chính hoặc các phòng giao dịch lớn bởi chắc chắn tại các điểm đó thì khách hàng sẽ được hướng dẫn cụ thể, thấu đáo hơn về phương thức cho vay.
Trước những băn khoăn về kiểm soát tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp (30%) và người dân (70%) trong gói tín dụng này, Vụ trưởng Nguyễn Viết Mạnh khẳng định: Không có chuyện trong gói này sẽ dành ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp mà sẽ đảm bảo kiểm soát được ở mức 30%. Phương án kiểm soát đã sẵn sàng, tuy nhiên, trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng tổng toàn bộ gói 30.000 tỷ đồng này chỉ có 9.000 tỷ đồng được dành cho vay doanh nghiệp.
Cân nhắc phương án trả nợ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam , dù lãi suất rất ưu đãi nhưng các gia đình nên cân nhắc khi vay vốn bởi phải tính phương án trả nợ sao cho phù hợp với thu nhập. Những gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Bất kỳ nước nào, kể cả nước phát triển cũng vậy. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm.
Trước phản ánh của người dân về mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì ngân hàng không chấp nhận cho vay với lý do không đủ để trả nợ, ông Trần Xuân Hoàng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích: Với mức vay 500 triệu thì dòng thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng hoàn toàn không khả thi. Bởi vì thu nhập đó còn phải dành để sinh hoạt gia đình, khi ấy, số tiền còn lại bao nhiêu để trả nợ? Ít nhất họ phải chi 3-4 triệu đồng/tháng để sinh hoạt, vậy chỉ còn 1-2 triệu đồng để trả nợ. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ giới hạn trong 10 năm đối với khách vay là cá nhân. Không phải là cứ có hợp đồng mua nhà thì đến ngân hàng đương nhiên được vay tiền mà khách hàng còn phải chứng minh khả năng trả được nợ trong thời hạn cho vay là 10 năm hoặc 15 năm. Nhà nước chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho vay thông qua tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước còn trách nhiệm trả và thu nợ là của các ngân hàng cho vay. Như vậy, điều kiện để khách hàng vay vốn là phải thu nhập đủ khả năng trả nợ.
Cùng đó, bản thân các ngân hàng phải đảm bảo quy định cho vay thông thường, không nên chỉ vì giải quyết vấn đề hôm nay mà lại vấp phải nợ xấu, không đòi được nợ. Khi ngân hàng quyết định cho vay thì phải thẩm định kỹ, đủ điều kiện vay và khả năng trả nợ để tránh nợ xấu. Do đó, gói tín dụng này không thể giải quyết cho tất cả các đối tượng thụ hưởng mà phải đủ điều kiện hoàn trả vốn cả gốc lẫn lãi thì mới được vay. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này.
Gói tín dụng hỗ trợ phân khúc nhà ở xã hội của Chính phủ đã được người dân và cả doanh nghiệp đón nhận kèm theo những tín hiệu khả quan, tích cực của thị trường bất động sản. Hiện tại, không nên lo chuyện vốn ít hay nhiều mà cần tập trung triển khai có hiệu quả gói tín dụng đã có, giải ngân tốt, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đến tay người thu nhập thấp, đến tay các dự án nhà ở xã hội, rồi mới tính đến chuyện tiếp theo. Sau khi hoàn thành giải ngân 30.000 tỷ đồng này, những gói tín dụng tương tự hoàn toàn có thể kỳ vọng được triển khai tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận xét.
Thu Hằng