Vào “trận địa” phá rừng Tây Nguyên

21/06/2018 15:47

(TN&MT) - Trong 10 năm lăn lộn với nghề báo, tôi đã viết hàng trăm bài viết điều tra về chuyện phá rừng, lấn chiếm và trục lợi từ những dự án liên đến đất rừng ở Tây Nguyên. Đây là mảng đề tài nguy hiểm khi nó đụng chạm đến lợi ích của nhiều cá nhân và cả những cán bộ đứng sau bảo kê cho việc phá rừng.

Nha ba o Co ng Hoan cu ng ngu o i da n i va o ie m no ng pha ru ng o La m o ng

Vào “điểm nóng” cùng người dân

Rừng Tây Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng, không những cho nội vùng mà còn chi phối rất lớn đến nguồn nước, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì thế, đề tài bảo vệ rừng được nhiều cơ quan báo chí khai thác và cử PV điều tra. Nhưng khi làm về mảng đề tài này, PV sẽ gặp rất nhiều hiểm nguy vì bị lâm tặc và cả những đối tượng cán bộ “biến chất” bảo kê cho lâm tặc đe dọa.

Vào năm 2009, tôi nhận được cuộc gọi của người dân ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) báo tin nhiều dự án trồng rừng ở đây đang phá rừng. Tôi báo cáo cơ quan và phóng xe máy lên đường xuống huyện Bảo Lâm.

Người báo tin đón tôi ngay đầu con đường tỉnh lộ đi vào xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Để tránh bị phát hiện, ông đeo khẩu trang kín mít và bảo tôi chạy vào một con đường đất đi xuống nương rẫy người dân. Trên đường đi, ông kể rằng, có rất nhiều doanh nghiệp đến xã Lộc Ngãi, Lộc Phú và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) nhận dự án trồng rừng nhưng lại đi phá rừng và họ được cán bộ tỉnh “bảo vệ” nên huyện cũng không dám đụng đến. Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng lại đi giao đất khai hoang của người dân cho các doanh nghiệp thực hiện dự án trồng rừng.

Vượt qua hơn 15km đường rừng khúc khuỷu, cuối cùng chúng tôi cũng đến được những dự án được giao rừng nhưng lại đi phá rừng của nhiều doanh nghiệp ở tiểu khu 442, xã Lộc Ngãi. Ngay tại tiểu khu 442, tỉnh Lâm Đồng đã giao Công ty Tân Đại Thanh (TP. HCM) thực hiện dự án quản lý, bảo vệ rừng ngay trên đất của người dân khai hoang từ lâu. Xung quanh trụ sở Công ty Tân Đại Thanh, đất rừng đã được khai phá trồng cà phê xanh tốt từ 2 năm trước. Công ty Tân Đại Thanh được huyện giao đất trồng rừng từ năm 2006 với diện tích khoảng 95ha nhưng công ty chẳng đoái hoài chuyện trồng rừng mà chỉ trồng 5ha cà phê.

Đến Công ty CP Văn Nguyên (xã Lộc Bảo), chúng tôi cũng chỉ gặp được một kế toán kiêm bảo vệ công ty. Khi chúng tôi hỏi công ty đã trồng được bao nhiêu rừng thì anh này bảo không biết. Khi hỏi số điện thoại của giám đốc để liên hệ, anh cũng không biết vì chưa gặp ông ta bao giờ(?). Cùng người dẫn đường đến nhiều dự án trồng rừng khác ở xã Lộc Phú và Lộc Bảo, tôi cũng chứng kiến cảnh nhiều doanh nghiệp nhận dự án trồng rừng nhưng lại đi trồng cây khác và bỏ mặc rừng bị phá.

Nha ba o Co ng Hoan nha p vai kie m la m Khu BTTN Ea So

Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra

Sau chuyến đi này, tôi đã gửi đăng hai bài viết trên báo SGGP 12G và Báo Tài Nguyên và Môi Trường về những hệ lụy của việc giao rừng tràn lan cho doanh nghiệp. Ngay sau đó, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lúc bấy giờ đã có Công văn giao Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ TN&MT thành lập Đoàn Kiểm tra, xác minh những phản ánh trong bài viết của Báo Tài Nguyên và Môi Trường. Đoàn Kiểm tra được thành lập sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng và do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị lúc bấy giờ làm Trưởng đoàn. Báo Tài Nguyên và Môi Trường cũng cử một lãnh đạo vào Lâm Đồng gặp tôi để cũng cố hồ sơ và nắm bắt tình hình vụ việc. Ban đầu, tôi cũng rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên bài viết của mình đã được Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý. Vị lãnh đạo Báo Tài Nguyên và Môi Trường chỉ hỏi tôi ngắn gọn: “Em có đủ tư liệu và hồ sơ vụ việc chứ”? Khi tôi trả lời rằng mình nắm chắc vụ việc này và đủ tư liệu chứng minh, vị lãnh đạo Báo Tài Nguyên và Môi Trường vỗ về nói: “Em yên tâm, không có gì phải lo lắng”! Sau câu nói của anh, tôi thấy nhẹ lòng và vững tin hơn.

Khi Đoàn Kiểm tra này vào làm việc và đi kiểm tra thực tế ở huyện Bảo Lâm, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhất quyết không cho tôi và một lãnh đạo Báo Tài Nguyên và Môi Trường đi cùng. Tại cuộc họp kết thúc đợt kiểm tra ở trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh này nhất quyết vẫn không cho tôi và lãnh đạo Báo Tài Nguyên và Môi Trường tham dự. Vì thế, vị lãnh đạo Báo Tài Nguyên và Môi Trường đã gọi cho Thứ trưởng Hứa Đức Nhị và được ông mời dự họp cùng đoàn kiểm tra. Ngay tại cuộc họp, một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cứ hỏi đi hỏi lại lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm báo viết có đúng sự việc không? Vị lãnh đạo huyện này rất quyết đoán và khẳng định những nội dung phản ánh trong bài viết của Báo Tài Nguyên và Môi Trường  là “hoàn toàn đúng sự thật”! Không còn cách gì để bắt bẻ bài báo, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lại xoay sang bắt bẻ cụm từ “rừng bị phá tràn lan”. Khó chịu trước cách thức bắt bẻ vô lý của vị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị liền đứng lên nói rằng: “Báo viết đúng rồi đó, anh đừng có bắt bẻ gì nữa”!

Sau cuộc kiểm tra này, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị đã gửi báo cáo hơn 40 trang cho Phó Thủ tướng và Thủ tưởng Chính phủ về những bất cập trong việc giao rừng cho các doanh nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng. Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi hàng chục dự án “nhận trồng rừng nhưng lại phá rừng” tại địa phương này.
 

Nha ba o Co ng Hoan trong mo t la n i ie u tra pha ru ng o a k La k

Nhập vai kiểm lâm

Để hiểu rõ những vất vả và gian nan trong việc bảo vệ rừng, cách đây 7 năm, tôi đã nhập vai kiểm Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô đi bắt lâm tặc. Khu BTTN Ea Sô nằm ở huyện Ea Kar (Đắk Lắk) với tổng diện tích 27.800ha, giáp ranh huyện Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Pa (Gia Lai). Nơi đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng và thường xuyên bị lâm tặc xâm nhập vào những khu rừng giáp ranh và đe dọa đến sự an nguy của khu bảo tồn này. Cuối tháng 8/2011, tôi đã có hành trình hai ngày lội bộ cùng những kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô qua những khu rừng giáp ranh đang bị lâm tặc đua nhau tàn phá.

Khi mặt trời vừa ló đầu ngọn núi, tôi cùng 3 đồng nghiệp và 4 kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô lên đường truy bắt lâm tặc với hành trang đầu đội mũ cối, vai mang ba lô, đeo bình nước, chân đi giày vải, khoác áo rằn ri… Mới là những “kiểm lâm tập sự”, chúng tôi không phải mang gạo, thức ăn, nước uống, xoong nồi… Anh Phan Văn Quang (Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 5) hỏi: “Chúng ta phải đi bộ khoảng 7 giờ, vượt qua nhiều đồi cỏ tranh, nhiều con suối và nhiều dốc núi mới tiếp cận được lâm tặc, các nhà báo đi có nổi không?”.  Mặc dù dõng dạc tuyên bố “đi tốt”, nhưng tôi vẫn thấy e ngại cho quãng đường trước mắt.

Vừa ra khỏi Trạm Kiểm lâm số 5 khoảng 1km, chúng tôi gặp thử thách đầu tiên - vượt suối E Puich. Anh Phạm Văn Định (Đội Kiểm lâm cơ động) được cử bơi qua trước để dò đường. Tưởng chừng mọi người cũng phải bơi theo anh Định, bỗng nghe tiếng anh từ bên kia suối: “Có thuyền”. Qua 10 phút chòng chành, cuối cùng thuyền cũng cập bờ. 5 đồng đội còn lại cũng lần lượt vượt suối sau hai lần đưa đò của anh Định.

Hành trình băng rừng khó khăn gấp bội. Chúng tôi băng qua giữa mênh mông lau lách không một lối mòn. Từ chân tới mặt đều bị lau lách cứa đứt da thịt đau nhói. Đá lổm nhổm cản bước chân, dây leo chằng chịt cản lối đi và chỉ cần chậm chân chút xíu sẽ mất dấu đồng đội. Mỗi lúc như thế, tôi lại trèo lên một tảng đá để dõi mắt tìm dấu vết. Từng lội rừng nhiều năm, nhưng lần này tôi mới có hành trình băng rừng không lối mòn. “Chúng tôi phải dẫn nhà báo đi dọc sông vì sợ các anh không đủ sức leo núi. Đi đường này chịu lau cắt một tí nhưng đỡ mệt hơn”, anh Quang trần tình. 

Truy đuổi lâm tặc

Men theo bờ sông Krông Hnăng - một chi lưu của sông Ba - khoảng 4km, chúng tôi đến cột mốc ranh giới giữa Khu BTTN Ea Sô và huyện Krông Pa. Đi theo hướng Tây Bắc về phía Gia Lai trên con đường mòn trong rừng chừng 1km nữa, chúng tôi bắt gặp con đường vận chuyển gỗ lậu từ rừng Krông Pa về sông Krông Hnăng.

Tại cuối dốc con đường đổ ra sông Krông Hnăng, lâm tặc còn bỏ lại chiếc cáng chở gỗ ra sông. Anh Lê Xuân Tùng (Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động) cho biết, đây là nơi lâm tặc thường đưa gỗ hương xuống sông, cột thành bè và sau đó bơi theo gỗ đưa về bến ông Hai Cả ở xã Krông Năng và Ia Ré (huyện Krông Pa), cách đó chừng 5km đường sông. Dừng chân tại tọa độ 0519314, 1437426, trong chốc lát đã nghe tiếng cưa máy xẻ gỗ ào ào từ xa.

Chúng tôi chia làm hai tốp lần theo tiếng cưa máy vào rừng. Tôi đi theo Tùng chừng 200m, bắt gặp 3 người dân đang chặt đẽo hương rục - tức gỗ hương đã khô. Ông Ksor Súp (ở xã Ia Ré) cùng con trai Ksor Tương và con rể Nay Tu (ở xã Krông Năng) ngỡ ngàng buông rìu khi chúng tôi đến. Ông Ksor Súp nài nỉ xin tha cho vì chỉ mới chặt có mấy khúc gỗ hương rục. “Cha con tôi mới lần đầu vào rừng chặt gỗ, xin mấy chú tha cho. Thấy cả buôn đua nhau vào rừng chặt gỗ, chúng tôi đi theo thôi mà!” - ông Ksor Súp than thở. Sau khi lấy lời khai, thu tang vật và bắt viết cam kết không phá rừng nữa, chúng tôi để cha con Ksor Súp về buôn.

Trên con đường mòn theo hướng Tây Bắc về huyện Krông Pa, đâu đâu cũng thấy những cây gỗ hương, căm xe bị đốn hạ nằm ngổn ngang lối đi. Gỗ hộp, gỗ ván, gỗ xẻ… đều có hết.

Sau một ngày truy đuổi lâm tặc, chúng tôi hạ trại ở tọa độ 0520080, 1439496, nằm cách suối E Bát chừng 200m và tìm cây mắc võng trước khi trời tối. Vừa ăn tối xong thì nghe tiếng anh Tùng gọi: “Lâm tặc chở gỗ đấy, anh em ơi mau lên”! Cả đoàn chạy đến nơi, 3 chiếc xe máy chở gỗ cũng vừa bị anh Tùng chặn dừng. Xe nào cũng chở khoảng ba tấc gỗ hương mới xẻ. “Năm nào khu bảo tồn cũng bắt được hàng trăm chiếc xe thế này” - anh Quang cho biết. Thu tang vật, lập biên bản xong, chúng tôi đi ăn tối. Bữa ăn tối trong rừng kết thúc chóng vánh khi những ngọn nến dần tắt và tôi có giấc ngủ đầu tiên giữa rừng bên cánh võng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào “trận địa” phá rừng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO