Được người dân địa phương giới thiệu, chúng tôi tìm đến gặp Già làng Giàng Nhà Lử và vợ là Sổng Thị Sua, người đã nhiều năm gắn bó với Suối Giàng và nghề chè; thấm đượm những câu chuyện từ quá khứ xa xưa; chứng kiến bao đổi thay trên vùng đất Suối Giàng.
Cây chè Tổ tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái |
Trời lãng đãng màu chiều muộn, vài ba ánh nắng cuối cùng còn sót lại nơi rẻo cao, trên vai là chiếc gùi đầy ắp lá chè, nhưng đôi chân cụ bà Sổng Thị Sua hơn tám mươi tuổi vẫn thoăn thoắt bước đi giữa tiếng gió rít trên con dốc sâu hun hút để về nhà sau ngày dài miệt mài làm việc.
Cụ đặt chiếc gùi giữa nhà ngay cạnh bếp lửa, với tay lấy thanh củi khơi thông đống tro còn lốm đốm đỏ, nghiêng người ghé vào gần bếp thổi mấy hơi, ngọn lửa bùng lên trong tiếng nổ lép bép vui tai. Đặt ấm nước lên bếp, xong xuôi, cụ vẫy chúng tôi ngồi xuống bên cạnh, đưa tay chỉ về phía xa xa, nơi những gốc chè cổ thụ trăm tuổi cao lớn, tán lá sum suê phủ xanh thẫm một góc đồi chiều, cụ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện từ bao đời nay của người dân tộc Mông gắn với cây chè Suối Giàng ở vùng đất này.
Tổ tiên người Mông kể lại rằng, vào một sớm mùa xuân, có nàng tiên giáng trần dạo chơi ở vùng đất này đã vô tình đánh rơi những hạt lạ trên tay xuống đất. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nảy mầm thành cây. Theo thời gian, cây càng ngày càng xanh tốt, thân cây to hơn cả một vòng ôm, trắng mốc rêu phong, tán vươn rộng, phiến lá dày xanh ngăn ngắt, những búp non được phủ một lớp lông tơ mịn, mỏng và phớt trắng như tuyết.
Những người Mông trên con đường tìm vùng đất định cư, sinh sống đã qua đây, do đường xa, thiếu đồ ăn thức uống lại bị bệnh sốt rét hoành hành, họ thấy cây xanh tốt lại mọc giữa chốn non cao nên liền hái lá cây ăn thử. Kỳ lạ thay, sau khi ăn thấy người tỉnh táo lạ thường. Họ lấy lá cây đun với nước suối uống, ngày qua ngày mọi người đều hết sốt và khỏe khoắn trở lại. Cho là ông trời cứu giúp, họ quyết định ở lại đây và đặt tên nơi này là Suối Giàng (suối của trời).
Cụ Sổng Thị Sua đang thu hoạch chè |
Trải qua thời gian, cây chè được đồng bào người Mông trân trọng, giữ gìn và phát triển. Quần thể 400 cây chè Shan Tuyết được công nhận là Cây di sản, cây ít tuổi thì cũng đã hơn trăm năm, cây nhiều tuổi cũng đã hơn ba trăm, chẳng cần chăm sóc búp xanh non vẫn mọc mơn mởn trên những ngọn cây thân to xù xì, trắng mốc sừng sững giữa núi đồi cheo leo đầy sương giăng mắc. Vậy nên, người dân nơi đây hay có câu rằng: Không phải khom lưng mà là trèo lên cao để hái trà cổ thụ trăm năm.
Ấm nước sôi lục bục, cụ Giàng Nhà Lử pha chè mời chúng tôi thưởng thức. Cả gian nhà đượm trong hương thơm ngào ngạt, đặc quánh. Nhấp một ngụm chè sóng sánh màu vàng mật ong rừng, vị chan chát đưa qua đầu lưỡi rồi đọng lại nơi cuống họng chút ngọt thanh lâu tan, tôi tưởng như mình vừa nếm được vị của núi rừng cuộn trong mây sớm rồi lại thấy trước mắt mình là những cây những cỏ chờn vờn trong làn khói chiều muộn, văng vẳng đằng xa ai đi nương về đang ngân nga một điệu tình ca Khâu- xìa- plềnh hòa với tiếng mưa rơi lộp bộp trên những mái nhà lợp gỗ pơ ru.
Cây chè hợp với khí hậu, nguồn nước và đất đai nơi đây nên chẳng bao giờ người Mông phải bón phân hay phun thuốc trừ sâu, cũng vì thế mà được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, một trong những yếu tố khiến chè Suối Giàng nổi tiếng gần xa là việc thu hoạch và chế biến chè đến nay vẫn hoàn toàn dựa trên những phương pháp thủ công truyền thống của người Mông.
Cụ Lử nâng ly trà trên tay, chậm rãi và từ tốn nói: “Chè hái về phải chọn lựa thật kỹ, bỏ những lá sâu, lá già sau đó cho vào chảo gang để sao. Củi sao chè phải thật khô, thật đượm, lúc nào cũng để lửa liu riu. Sao chè xong thì vò chè bằng tay, vò thật khéo để chè săn lại bằng hạt đỗ, ấy là được”.
Chè Suối Giàng phát triển xanh tốt |
Cuộc sống của đồng bào Mông ngày càng khởi sắc khi thương hiệu về chè Suối Giàng ngày càng được biết đến rộng rãi. Đặc biệt, người dân ở đây đã có ý thức trong việc bảo vệ diện tích đất trồng chè, sản xuất các sản phẩm chè có chất lượng cao và giữ gìn thương hiệu đặc sản quê hương.
Để bảo tồn phát huy thương hiệu Chè Suối Giàng bằng những sản phẩm tốt, Hợp tác xã Suối Giàng ra đời và đi vào hoạt động, tập hợp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia mô hình kinh tế tập thể, từ vận động bà con các dân tộc thu hái chè đúng tiêu chuẩn, chất lượng và thu mua nguyên liệu đúng giá; chế biến sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập hàng năm cho các thành viên và người dân.
Đến nay, HTX đã có 6 loại sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Giá bán chè tùy thuộc theo loại, dao động từ 250 đến 650 nghìn đồng/kg và cao nhất là hơn 3 triệu đồng/kg.
Người Mông yêu cây chè của mình lắm. Già làng Giàng Nhà Lử thì bảo “cây chè đã mang lại cho người dân Suối Giàng đời sống ấm no nên cây chè ở đây được quý hơn cả vàng”. Hơn thế, vượt lên giá trị về kinh tế là giá trị về tinh thần và văn hóa của đồng bào nơi đây. Họ luôn răn dạy con cháu mình phải biết trân quý và bảo vệ loài cây “huyền thoại” này.
Trong Lễ cúng “ma nhà” đầu năm, bên cạnh con gà trống lúc nào cũng có một nhành chè hái từ trên đồi xuống cùng với ấm chè nóng do đích thân người chủ gia đình pha để cầu khấn cho những thành viên trong nhà thật nhiều sức khỏe và nguyện ước cho cây chè luôn xanh tốt.
Chia tay Già làng Giàng Nhà Lử và người dân xã Suối Giàng cũng là lúc hương vị trà Tuyết Sơn Trà dần ngấm vào cơ thể, vị ngọt dịu cùng hương thơm thoang thoảng. Đi trên con đường quanh co, những cánh rừng xanh bạt ngàn với những tiếng chim hót râm ran, những vườn chè của người dân đang vươn lên đang báo hiệu một mùa vụ bội thu, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những người Mông đang gùi hàng đi rừng về, hay những gùi chè vừa thu hoạch xong.
Trong sâu thẳm, nghĩ về người Mông, tôi mong sẽ có ngày về lại nơi đây, cùng với lời mời của Già làng: “Tháng 10 này, đồng bào Mông ở Suối Giàng sẽ tổ chức Lễ cúng để tạ ơn cây chè Tổ, đây cũng là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Suối Giàng, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên quê hương, Nhà báo về dự nhé”.