Văn phòng cho thuê trước bước ngoặc đại dịch Covid-19

Thục Vy| 07/06/2021 16:29

(TN&MT) - Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp kích hoạt mô hình làm việc tại nhà. Thời điểm này, các doanh nghiệp cần tập trung xem xét thiết kế lại không gian văn phòng hiện tại và tương lai nhằm đáp ứng cho các yêu cầu của mô hình làm việc mới.

Nhiều doanh nghiệp kích hoạt mô hình làm việc tại nhà do giãn cách xã hội (ảnh minh họa)

Theo JLL Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một cuộc thử nghiệm làm việc tại nhà có quy mô toàn thế giới, củng cố cho quan điểm rằng nhiều công việc văn phòng có thể được thực hiện tại sân vườn, phòng khách và thậm chí là bàn ăn trong nhà bếp. Về mặt lợi ích người lao động linh hoạt thời gian và chủ động nhiều hơn trong công việc. Tuy nhiên, hơn một năm trải qua đại dịch đã xuất hiện nhiều sự "mệt mỏi" của nhân viên khi làm việc tại nhà, phần lớn người lao động muốn làm việc tại văn phòng.

Trong cuộc khảo sát của JLL Việt Nam với 3.300 nhân viên được thực hiện vào tháng 3/ 2021, ghi nhận người lao động sẵn sàng làm việc tại nhà 1,5 ngày một tuần, giảm so với 2 ngày một tuần trong một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào tháng 4 năm ngoái. 37% người cho rằng làm việc ở nhà hiệu quả nhưng vẫn phải đến văn phòng vào một số thời điểm. Một phần ba người khẳng định họ không muốn làm việc tại nhà và bộ phận này đang càng ngày tăng lên. Sự bùng phát Covid-19 mới tại Việt Nam vào tháng 4 vừa qua đã khiến các doanh nghiệp cũng phải mau chóng chuyển sang chế độ làm việc tại nhà, nhằm hỗ trợ chính sách giãn cách xã hội của Chính phủ. 

Bà Trang Bùi - Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL Việt Nam cho rằng, có một thực tế, khi ngồi tại nhà nhiều ngày, người lao động cảm thấy bế tắc trong một "ngày dài vô tận" và họ đang đánh mất khái niệm về thời gian. Nhân viên đang mong muốn có các mô hình làm việc cân bằng hơn. Dưới những áp lực trên, các công ty đã phải tính toán các cấu trúc phù hợp để đáp ứng những gì cả nhân viên và doanh nghiệp yêu cầu. Đơn cử, tại Việt Nam, Tập đoàn JLL Việt Nam cũng đã áp dụng mô hình làm việc linh hoạt kể từ đầu tháng 4, cho phép tất cả nhân viên hoàn thành công việc tại nhà và có thể đến văn phòng cho các công việc cần thiết như truyền tải dữ liệu, văn thư và ký kết giấy tờ. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có không gian đủ tốt để làm việc tại nhà. Với quỹ đất chật hẹp khiến diện tích nhà ở ngày càng nhỏ lại, đa số nhà ở tại các đô thị ở Việt Nam không có phòng làm việc riêng. Những ảnh hưởng của tiếng ồn, thiếu ánh sáng, kích thước bàn và ghế không đủ chuẩn để ngồi trong thời gian dài, các vấn đề về kết nối internet, điện thoại hoặc máy in là những lý do để khẳng định rằng văn phòng vẫn sẽ là một phần quan trọng trong công việc.

Nhiều công ty phải tạm ngừng các kế hoạch mở rộng hoặc di dời do tình hình dịch bệnh bất ổn. Mặt khác, các công ty công nghệ và bảo hiểm vẫn mở rộng quy mô kinh doanh khi nhu cầu về thương mại trực tuyến và giao hàng tăng đáng kể. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần tập trung xem xét thiết kế lại không gian văn phòng hiện tại và tương lai nhằm đáp ứng cho các yêu cầu của mô hình làm việc mới.

Trong khi thị trường đang trong giai đoạn phục hồi, gần 150.000 m2 diện tích văn phòng cho thuê mới sẽ ra mắt trong năm 2021 tại TP.HCM và Hà Nội, JLL Việt Nam kỳ vọng chủ nhà sẽ có những thiết kết không gian tối ưu bao gồm các hệ thống thông minh, cảm biến không chạm tay, cảm nhiệt, hệ thống lọc không khí và khử khuẩn nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thể thiết lập văn phòng an toàn để nhân viên quay trở lại trong tương lai gần.

“Tạo ra môi trường tốt để người lao động có thể phát huy hết khả năng, cho dù đó là ở nhà hay tại văn phòng đều sẽ mang lại lợi nhuận cao cho các công ty. Điều này cũng là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe và hạnh phúc đang được ưu tiên hàng đầu của các công ty. Làm cho mọi người cảm thấy rằng họ được an toàn và thoải mái làm việc ở bất cứ nơi đâu là điều mà mọi doanh nghiệp phải làm ngay bây giờ”, JLL Việt Nam cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn phòng cho thuê trước bước ngoặc đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO