Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thanh Tùng| 14/03/2022 22:44

Chiều 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 1/7/2016 đến 1/7/2021, dự kiến đơn vị và địa phương tiến hành giám sát thực tế".

2(3).jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lê Sơn

Số lượt khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng

Báo cáo của Đoàn giám sát do Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước giảm 16,1%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước; tố cáo tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương. Nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng; công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng.

Một nguyên nhân khác là do công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Việc quy định quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai chưa thực sự có hiệu quả để xác định điểm dừng của việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Công tác quản lý, lập hồ sơ địa chính không đồng bộ, bản đồ, tư liệu về địa chính còn thiếu gây khó xác định nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất nên khi phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết.

Theo Đoàn giám sát, trong quá trình làm việc trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương, ngoài các nội dung tìm hiểu, đánh giá về tình hình, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, Đoàn giám sát sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá và dự báo về tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của quốc gia, của các địa phương được triển khai, thực hiện để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền có những giải pháp hữu hiệu hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh, nhất là điểm nóng khiếu kiện. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, "từ sớm, từ xa" nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới của Đảng và Nhà nước.

3(3).jpg
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: TTXVN

Trách nhiệm trong tiếp công dân ở một số địa phương còn hạn chế

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, qua bước đầu giám sát nổi lên một số tồn tại, hạn chế như trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế.

Việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các Sở, ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Công tác phối hợp trong việc chuyển hồ sơ vụ án giữa Tòa án và Viện kiểm sát còn nhiều bất cập, không đảm bảo đúng quy định về thời hạn nghiên cứu hồ sơ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn, thời hiệu và chất lượng giải quyết đơn của công dân. Theo báo cáo của VKSNDTC, vấn đề này còn nhiều bất cập, đặc biệt có sự “ưu tiên” chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp trên khi cả Tòa và Viện cùng có yêu cầu rút hồ sơ .

Việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của cơ quan kiểm sát chủ yếu thực hiện đối với án hình sự và thi hành án còn đối với hoạt động kiểm sát đối với án hành chính, án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp gặp nhiều khó khăn do còn thiếu quy định cụ thể.

Trong quá trình làm việc với Bộ, ngành và địa phương, Đoàn giám sát sẽ tập trung đi sâu, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc như đã nêu trên để xem xét, đánh giá trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; nghiên cứu để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các cơ quan; đề nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, cáo.

Đối với việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực hành chính, ông Dương Thanh Bình cho biết, căn cứ tiêu chí vụ việc, kế hoạch rà soát của Thanh tra Chính phủ được ban hành theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.052 vụ việc để rà soát. Trong đó, có 35 vụ việc ở 21 địa phương do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát; 221 vụ việc ở 43 địa phương do Thanh tra Chính phủ lập danh sách đề nghị các địa phương rà soát; 765 vụ việc do 62 địa phương chủ động lập danh sách rà soát và 31 vụ việc trong số 74 vụ việc công dân thường xuyên khiếu nại, tố cáo đông người tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đến nay, các cơ quan đã thực hiện rà soát xong 940 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,35%, trong số 940 vụ việc đã rà soát, qua theo dõi có 120 vụ việc công dân còn tiếp tục khiếu nại.

Qua rà soát, phân loại, trong số 501 vụ việc do cơ quan Công an lập danh sách có 192 vụ việc nằm trong danh sách 1.052 vụ việc đã và đang được các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp rà soát, còn 309 vụ việc không nằm trong danh sách.

Từ kết quả giám sát trên, Đoàn giám sát sẽ lập danh sách các vụ việc cụ thể để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Phiên họp định kỳ hằng tháng và kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

Về việc triển khai thực hiện giám sát tại các đơn vị, địa phương, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát dự kiến thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Đối với các Bộ, ngành Tung ương, ngoài các nội dung báo cáo theo đề cương chung, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với 8 bộ, ngành, gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân Tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

8.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Làm rõ vì sao có khiếu kiện đông người

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả giám sát bước đầu, đề nghị cần Đoàn giám sát khẩn trương triển khai nhiều công việc tiếp theo để bảo đảm tiến độ, kết luận giám sát đạt kết quả cao nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đây là chuyên đề rất quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; gồm các luật chủ yếu như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và cũng liên quan đến nhiều bộ luật khác liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, phạm vi rộng nên phải đảm bảo tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi đến chốn, kiến nghị xử lý được những tồn tại, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện và kiến nghị sửa đổi các văn bản luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo ban đầu; trên cơ sở phải nắm vững các quy định của luật, rà soát đề cương để làm rõ những ưu, khuyết điểm nổi bật cũng như nguyên nhân của hai lĩnh vực hành pháp và tư pháp, trọng tâm xoay quanh vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sử dụng đội ngũ cán bộ nhằm khắc phục tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng, xử lý đơn trùng, người đứng đầu tiếp công dân, trợ giúp pháp lý, làm rõ vì sao có khiếu kiện đông người, các lĩnh vực gì còn tồn tại, phức tạp ra sao. Giám sát các vụ việc cụ thể với tinh thần không phải giải quyết các vụ việc mà để kiến nghị đẩy nhanh việc giải quyết các vụ việc đó...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO