Ưu tiên giải quyết, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước tại Đồng bằng sông Cửu Long

Báo TN&MT| 18/01/2022 20:11

(TN&MT) - Cử tri tỉnh An Giang cho biết: Tình hình sạt lở đất, thiếu nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt... do biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang, đề nghị có chủ trương, giải pháp giao các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch dài hạn để khắc phục kịp thời tình trạng sạt lở bờ sông, xâm ngập mặn như hiện nay.

Về vấn đề này, Bộ TN&MT có ý kiến như sau:

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết số 120/NQ-CP) là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm chuyển đổi quy mô lớn đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghị định nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong từng giai đoạn đã được Nghị quyết đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết với 06 nhóm nhiệm vụ giải pháp chính, phân kỳ định hướng thực hiện trong từng giai đoạn (đến năm 2020, 2021-2030, 2031-2050 và đến năm 2100) và phân công trách nhiệm thực hiện của các Bộ, ngành liên quan.

Ảnh minh họa

Trong Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, theo đó, chỉ thị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương trong vùng theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Về vấn đề sạt lở bờ sông, để quản lý, bảo vệ, phòng, chống sạt lở bờ sông, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Trong đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông liên tỉnh, nội tỉnh…

Ngày 06/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 tại Quyết định số 957/QĐ-TTg với mục tiêu chung nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế-xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch của Bộ thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở phân công, chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Quyết định này.

Về vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt do biến đổi khí hậu: Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong các năm 2019-2020, tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá toàn diện nguyên nhân hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy 9 ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng các giải pháp đồng bộ về hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại Công văn số 730/VPCP-NN ngày 29/01/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng ý với các nội dung, kiến nghị tại báo cáo nêu trên, chỉ đạo các Bộ và địa phương tập trung rà soát quy hoạch, nhất là quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước, thủy lợi, cấp nước, giao thông thủy, hoàn thiện quy hoạch vùng; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, mùa vụ; triển khai các biện pháp chủ động tích trữ nước ngọt…

Gần nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một trong những mục tiêu cụ thể (đến năm 2030) của Đề án là ưu tiên giải quyết, khắc phục có hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp, chương trình trọng tâm, trọng điểm đã được xác định là xây dựng và thực hiện các giải pháp tổng thể tăng cường khả năng ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước, đặc biệt tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất với quy mô phù hợp với từng vùng, từng lưu vực sông nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên giải quyết, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước tại Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO