Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng

07/04/2015 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, bên cạnh những địa phương đã làm tốt việc tuyên truyền, triển khai các phong trào tới người dân về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thì vẫn còn một số địa phương chưa thực sự coi trọng công tác này. Theo các nhà khoa học, để ứng phó với BĐKH hay có tầm nhìn xa hơn về BĐKH thì việc nâng cao nhận thức của cộng đồng là việc làm vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Ứng phó với BĐKH từ nhận thức của cộng đồng

Là một trong các quốc gia trên thế giới được dự báo là chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH, hiện 70% dân số Việt Nam đang phải đối mặt với những diễn biến tiêu cực và rủi ro từ thiên tai. Các nhà khoa học cũng ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 2 - 4% GDP hàng năm vào năm 2050 và có thể lên đến trên 6,5% do chịu ảnh hưởng của BĐKH.

Nhận thức được nguy cơ trước mắt và lâu dài của BĐKH, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng chiến lược và thực hiện các hoạt động thích ứng, giảm thiểu các tác hại, rủi ro từ BĐKH. Theo đó, công tác tuyên truyền đã được các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú và đa dạng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân về những tác động nguy hại, các giải pháp phòng ngừa.

Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Cụ thể, thông qua các hoạt động tập huấn, các hội thi về BĐKH, phổ biến các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai… đến nay, khái niệm về BĐKH không còn quá xa lạ với đại bộ phận người dân. Kết quả rõ nhất là việc người dân đã chủ động tìm cách thích nghi với thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH thông qua việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng. Chẳng hạn, tại huyện Giao Thủy (Nam Định) có khoảng 10 nghìn ha đất canh tác bị nhiễm mặn, khiến cho nông dân gặp rất nhiều khó khăn, song khoảng hơn 2 năm trở lại đây, nhờ được thử nghiệm mô hình chuyển giao công nghệ, sử dụng giống lúa chịu mặn RVT nên năng suất đạt cao hơn, đời sống bà con ổn định hơn. Hay tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng người dân đã chủ động tham gia mô hình tân dụng chất thải từ việc chăn nuôi lợn, biến chúng thành khí gas phục vụ đun nấu cho gia đình nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính…

Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của người dân cũng tăng lên, điển hình là tại Quang Nam. Những năm qua, gần 200 hộ dân thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành ra sức bảo vệ rừng. Theo thống kê, toàn xã Tam Giang có gần 30 hecta rừng ngập mặn nằm rải rác ở các thôn. Trong đó, Rừng Miếu – dọc ven sông Trường Giang, đoạn qua làng Đồng Xuân chiếm khoảng 20 ha chủ yếu là các loại cây mắm, mắm sừng, đước, bần, cóc… do dân trồng. Ngoài chức năng chắn sóng gió, bảo vệ làng mạc ít khi bị sạt lở đất, rừng Miếu còn giúp cá, tôm, sinh sản nhiều, nuôi sống lại người dân...

Lấy truyền thông làm gốc trong việc ứng phó với BĐKH

Bà Nguyễn Ngọc Diễm, Trung tâm Nghiên cứu môi trường, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng: Hiện nay ở một số địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH; vẫn coi đó là công việc của các Bộ, ngành chức năng, của các cơ quan truyền thông, cho nên chưa có sự đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chuyên môn, các cơ quan tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể, tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nhiều người dân vùng biển chưa được tiếp cận thông tin về BĐKH một cách đầy đủ nên bị hạn chế việc chuẩn bị các kỹ năng và thực hiện thích ứng. Kết quả điều tra tại xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau mới đây cho thấy, có tới 58,7% số người trả lời chưa từng nghe đến khái niệm BĐKH và thích ứng với BĐKH. Có đến 35,3% số người đã từng nghe đến BĐKH, nhưng thừa nhận không biết ý nghĩa của cụm từ này. Đặc biệt, nhiều người dân còn nhầm lẫn giữa các biểu hiện của BĐKH với các tác động/hệ quả của BĐKH hay những nguyên nhân dẫn đến BĐKH.

Theo bà Nguyễn Ngọc Diễm, chính do nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên họ bị hạn chế trong việc ứng phó với BĐKH, thậm chí một số người chỉ quan tâm đến cuộc sống với những lợi ích trước mắt, mà thiếu đi trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường sống của mình nên càng làm gia tăng các nguyên nhân gây ra BĐKH.

Các nhà khoa học cho rằng, để ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả nhất thì phải huy động được  mọi tầng lớp người dân tham gia. Do đó, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác truyền thông về BĐKH; hường xuyên đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền và xác định mục tiêu, giải pháp tuyên truyền làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương nhằm thay đổi những hành vi, lối sống của người dân tại các cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn, nhân rộng các mô hình, phong trào ứng phó với BĐKH có hiệu quả trong thời gian qua…

Linh Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO