Ứng dụng GIS cho đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững

Nguyễn Quỳnh| 05/12/2020 20:35

(TN&MT) - Ứng dụng GIS cho đô thị thông minh hướng đến phát triển bền vững phải đảm bảo ba trục: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, trục môi trường phải thể hiện là một đô thị sạch, đáng sống và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu nhiều nội dung liên quan đến ứng dụng GIS trong cuộc sống

Đây là thông điệp được đưa ra từ Hội thảo khoa học GIS toàn quốc năm 2020 với chủ đề “GIS cho đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức từ ngày 1-5/12 tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM. Hội thảo là diễn đàn thường niên để các nhà khoa học trao đổi và chia sẻ các kết quả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng GIS, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS), công nghệ viễn thám (RS) trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và đô thị. Từ đó, đề xuất các hướng nghiên cứu, hợp tác và phát triển các công nghệ này trong thời gian tới.

GIS là nền tảng của đô thị thông minh

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Danh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: Hiện nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, từng bước ứng dụng GIS phục vụ quản lý nhà nước và dịch vụ Chính phủ điện tử và đang mở rộng  một số hệ thống Web GIS ứng dụng kết hợp với  thiết bị thông minh…nhằm hướng đến ứng dụng GIS phục vụ quản lý đô thị thông minh (Smart City).

PGS. TS Lê Văn Trung,Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: Trong thời gian qua, GIS kết hợp với công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…và các thiết bị thông minh tạo ra những ứng dụng đa dạng trong quản lý đô thị, chăm sóc sức khỏe, quản lý dịch bệnh; hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

PGS.TS Võ Lê Phú, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM

Riêng trong lĩnh vực môi trường, theo PGS.TS Võ Lê Phú, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: Công nghệ GIS kết hợp với công nghệ viễn thám, công nghệ không gian ứng dụng đã tạo ra những ứng dụng môi trường thông minh có khả năng giám sát hiện trạng và dự báo ô nhiễm, suy giảm tài nguyên; quản lý rừng; quản lý, giám sát sự thay đổi đường bờ, đánh giá được mức độ sạt lở do thiên tai, do biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang lan rộng trên thế giới; tình trạng biến đổi khí hậu gây mưa bão miền Trung và khô hạn, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL; mực nước biển dâng gây ngập cho các đô thị lớn như Cần Thơ, TP.HCM..., đòi hỏi chúng ta cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa trong phát triển các công nghệ hiện đại, trong đó có công nghệ GIS, công nghệ viễn thám…

Đồng thời, cần tạo đột phá trong khái phá dữ liệu và ứng dụng trí thuệ nhân tạo để triển khai Chiến lược ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam, hình thành những giải pháp hiệu quả trong quản lý thông minh trên nền tảng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian của từng đô thị. Đặc biệt, công nghệ vũ trụ, công nghệ bay không người lái sẽ là công nghệ tiềm năng trong thành lập bản đồ tỷ lệ lớn và tạo dữ liệu 3D cho đô thị thông minh. Ngoài ra, cần phân tích đánh giá theo từng kịch bản biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng sống và hình thành xã hội thông minh.

Bài toán chất lượng nguồn nhân lực

Theo GS. Mai Trọng Nhuận, Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong thời gian tới, để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, đặc biệt là việc xây dựng chuỗi đô thị thông minh tại Việt Nam, chúng ta cần nâng cao việc thay đổi nhận thức về GIS, viễn thám theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, đa ứng dụng.

“Chúng ta cần tạo ra sản phẩm độc đáo, giá trị ứng dụng cao trong phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững, carbon thấp, chống chịu cao; thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiên tai; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học…” – GS. Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh.

Cũng theo GS. Mai Trọng Nhuận: Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông minh, nhạy cảm, đam mê với phát triển và ứng dụng tích hợp GIS, viễn thám. Để làm được điều này cần kết hợp hiệu quả nhanh, gọn giữa “ba nhà”: Khoa học công nghệ - Nhà nước – Doanh nghiệp theo mô hình technopolis…

Đồng quan điểm trên, PGS. TS Lê Văn Trung cho rằng: Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phải là xu thế liên ngành, không thể đứng riêng lẻ, từng khoa, từng bộ môn mà có thể triển khai được yêu cầu đặt ra đối với đô thị thông minh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Vì vậy, các chương trình đào tạo trong các cơ sở đào tạo cần thiết 2 năm cập nhật một lần để tiếp cận công nghệ mới và hình thành giải pháp mới.

Nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực GIS, viễn thám...được giới thiệu trong khuôn khổ Hội thảo GIS toàn quốc 2020

Tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, PGS. TS Phạm Danh Thảo chia sẻ: TP.HCM với vai trò đầu tầu kinh tế của cả nước đã và đang không ngừng đẩy mạnh hoạt động phát triển khoa học ứng dụng, tối ưu hóa nguồn lực để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hướng tới đô thị thông minh. Trước xu thế đó, Trường Đại học Bách khoa đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Trường đã tập trung nghiên cứu, đào taọ công nghệ GIS, viễn thám kết hợp với điện toán đám mây, khai phá dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo…

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp công nghệ mới cũng đã đưa ra những giải pháp cho đô thị thông minh; Ứng dụng GIS trong quản lý Nhà nước; Quản lý tài nguyên môi trường và phát triển bền vững; Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hạ tầng đô thị…

Kêu gọi ăn chay bảo vệ môi trường

Trong khuôn khổ Hội thảo GIS toàn quốc 2020, Ban Tổ chức đã kêu gọi cộng đồng cùng lan tỏa lối sống xanh, tích cực ăn chay, giảm phụ thuộc vào thịt để bảo vệ sức khỏe và hướng đến hành động bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển.

Theo đó, tối 4/12, hàng trăm đại biểu tham dự Hội thảo đã hào hứng tham dự tiệc ganar diner thuần chay với các món ăn làm hoàn toàn từ thực vật.

Các đại biểu tham dự buổi tiệc thuần chay kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển

PGS.TS Võ Lê Phú, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên cho biết: Ăn chay không đơn thuần chỉ là vấn đề tín ngưỡng, mà còn đảm bảo sức khỏe và hướng đến bảo vệ môi trường. Chúng ta càng giảm tiêu thụ thịt động vật, lượng khí thải chăn nuôi sẽ càng giảm. Việc ăn chay, giảm ăn thịt sẽ gián tiếp giảm khí thải nhà kính. Vì phân bò, phân heo những chất thải từ động vật là những nguồn phát khải khí metan (CH4) thông qua quá trình phân hủy.Trong khi đó, metan là một khí gây hiệu ứng nhà kính, trung bình cứ 100 năm mỗi kg mêtan làm ấm Trái Đất gấp 25 lần 1 kg CO2.

Theo các đại biểu, đã đến lúc chúng ta cần bàn tới kế hoạch cụ thể hóa quy định giảm ăn thịt ở mức độ, phạm vi cụ thể. Ví dụ tại Pháp, từ ngày 4/11/2019, Luật quy định bắt buộc căn tin các trường học mỗi tuần phải có một bữa ăn trưa thuần chay.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng GIS cho đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO