UBND tỉnh Bình Định ra "hậu thư" cho đơn vị đóng tàu

27/05/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 27-5, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và...

 

(TN&MT) - Ngày 27-5, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do đơn vị mình đóng bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với các chủ tàu và việc triển khai thực hiện phải hoàn thành trong tháng 6-2017.

Các đơn vị đóng tàu không được tự ý thay tôn thép vỏ tàu từ loại Hàn Quốc, Nhật bản sang loại của Trung Quốc mà không được sự chấp thuận của chủ tàu. Xem xét hoàn trả chi phí thiết kế cho chủ tàu; đồng thời, hỗ trợ cho chủ tàu cá bị thiệt hại do nằm bờ, không thể ra khơi hoạt động do lỗi của cơ sở đóng tàu.

Chuyên gia Hàn Quốc mướt mồ hôi kiểm tra sự cố máy cho ngư dân.
Chuyên gia Hàn Quốc mướt mồ hôi kiểm tra sự cố máy cho ngư dân.

UBND tỉnh Bình Định cũng giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập để xác định giá trị, chất lượng các con tàu được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Báo cáo kết quả để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ báo cáo UBND tỉnh để tỉnh kiến nghị với Chính phủ về những vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương. Trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình, UBND TP. Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ tàu cá các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.

Theo Sở NNPTNT Bình Định, thời gian qua cơ quan này đã nhận 10 đơn phản ánh về tình trạng tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67/CP tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu bị hư hỏng liên tục, không thể vươn khơi. Qua kiểm tra 3 tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng... Đặc biệt, theo hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn Quốc/ Nhật Bản nhưng công ty lại đóng tàu bằng thép Trung Quốc.

Chuyên gia kiểm tra hiện trạng tàu vỏ thép
Chuyên gia kiểm tra hiện trạng tàu vỏ thép

Qua kiểm tra 4 tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu, thân, vỏ tàu bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han rỉ, đứt gãy. Ngư dân phản ánh rằng trong hợp đồng: hộp số trang bị cho tàu đồng bộ với máy thủy chính nhưng thực tế công ty trang bị hộp số không đồng bộ dẫn đến hư hỏng, đề nghị công ty thay hộp số khác cho đồng bộ.

Không thay máy mới, ngư dân đòi trả lại tàu

Liên quan đến vấn đề tàu vỏ thép hư hỏng, ngày 26-5, đại diện hãng máy tàu DOOSAN (Hàn Quốc), nhà cung cấp máy tàu DOOSAN tại Việt Nam và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã đối thoại với ngư dân Bình Định. Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ôtô Đông Hải, đại diện quyền phân phối máy DOOSAN tại Việt Nam cho biết sẽ bảo hành miễn phí các lỗi hư hỏng máy tàu cho ngư dân. Dự kiến đầu tháng 6 tới, các linh kiện, phụ tùng phục vụ việc sữa chữa máy tàu sẽ được đưa về Việt Nam. Đến giữa tháng 6-201, công tác khắc phục hư hỏng máy tàu sẽ hoàn thành để ngư dân vươn khơi.

Tuy nhiên sau nghe ông Hải trình bày, các ngư dân bày tỏ sự không đồng tình và yêu cầu công ty phải thay máy mới cho tàu vỏ thép. Ông Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) được lắp máy của hãng DOOSAN, bức xúc nói: “Máy tàu mới mà đi 15 ngày đã xảy ra sự cố gãy trục chính thì chẳng ai dám mang con tàu này ra khơi lần nữa. Chất lượng máy tàu không đảm bảo thì không ai dám giao sinh mạng 12 ngư dân cho con tàu này. Tôi yêu cầu phải thay máy tàu mới chứ không phải thay thế phụ tùng".

Thể hiện sự bức xúc tột độ, ông Sơn rời khỏi vị trí ngồi ra giữa phòng họp yêu cầu phía cung cấp máy tàu phải đổi máy mới cho tàu. Nếu không thì phía đơn vị đóng tàu và nhà cung cấp máy tàu lập biên bản để ông Sơn trả lại tàu. Quá bức xúc, các ngư dân đồng loạt đứng lên rời khỏi buổi đối thoại khi chưa có kết quả gì.

Buổi đối thoại kết thúc trong tình cảnh căng thẳng, đôi co giữa các bên và không tìm được tiếng nói chung.

Hoàng Nguyên

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBND tỉnh Bình Định ra "hậu thư" cho đơn vị đóng tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO