Bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề rất cấp thiết trong cộng đồng. Đối với các tỉnh miền núi như Gia Lai, đồng bào người DTTS chiếm đến 50% thì công tác tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức và thay đổi thói quen, chủ động tham gia công tác bảo vệ môi trường là một việc làm rất khó. Cho nên, việc làm này cần sự chung tay của tất cả các Ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về bảo vệ môi trường là cách làm mà các cấp Hội Phụ nữ tại huyện Chư Păh (Gia Lai) đang thực hiện. Bà H’Uyên Nie - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông cho biết, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ Nói không với rác thải nhựa. Qua đó, Hội đã tuyên truyền người dân các thôn, làng vùng đồng bào DTTS của xã sử dụng gùi truyền thống để đi chợ, dùng hộp nhựa đựng thịt, cá, mang theo lá chuối để gói rau hay sử dụng bầu truyền thống để đựng nước thay cho chai nhựa…
Phụ nữ DTTS làng Phung (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) mang gùi truyền thống đi chợ |
Nhận thức về tác hại của túi ni lông với môi trường, bà Rơ Châm H’Yúi (làng Phung, xã Ia Mơ Nông) thì chia sẻ: “Được tuyên truyền nhiều lần nên bây giờ tôi đã quen dùng gùi và mang theo hộp nhựa, lá chuối đựng thực phẩm khi đi chợ. Việc này không chỉ giúp giảm sử dụng túi ni lông gây ô nhiễm môi trường mà còn góp phần giúp các nghệ nhân duy trì nghề đan lát. Tôi cũng sẽ tuyên truyền, vận động các chị em trong làng mua gùi để đi chợ nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi đến các làng trong xã”.
Còn tại làng Kó (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh), Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư Đăng Ya đã phối hợp cùng Phòng TN&MT huyện Chư Păh tiến hành in tờ gấp tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng 2 thứ tiếng là Kinh và Jarai và gửi tới từng người dân ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn xã.
Tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến từng thôn, làng đồng bào DTTS bằng tờ gấp in 2 thứ tiếng Kinh và Jarai. |
Bà Quách Thị Thùy Trang - Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư Đăng Ya cho biết, tờ gấp tuyên truyền được in bằng 2 thứ tiếng kèm hình ảnh minh họa rõ ràng giúp người DTTS hiểu rõ hơn, nhờ đó có nhận thức tốt hơn về bảo vệ môi trường. “Hội phụ nữ xã cũng phối hợp với các đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tặng túi vải cho bà con sử dụng hàng ngày, cấp phát chai thủy tinh đựng nước và thường xuyên vận động bà con tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường tại nhà và nơi công cộng”, bà Trang nói.
Cùng với các Ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho đồng bào DTTS. Theo bà Lê Thị Hồng Quyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Gia Lai, Sở TN&MT đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Phòng TN&MT các địa phương tổ chức các buổi mit tinh, hội thảo, tập huấn hướng dẫn người DTTS bảo vệ môi trường sống; bố trí lại các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm; sử dụng nước sạch, ăn chín, uống sôi và xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên,… với hơn 5.000 lượt người tham gia.
Tặng túi vải cho bà con DTTS sử dụng hàng ngày. |
Thông qua các đợt tuyên truyền, cảnh quan môi trường nông thôn, đời sống người DTTS đã được cải thiện. Các hộ dân đồng bào DTTS đã đầu tư các công trình hợp vệ sinh như nhà vệ sinh, bể chứa nước, nhà tắm; chất thải, nước thải được thu gom, không xả thải bừa bãi ra ngoài môi trường; xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; các chất thải nguy hại như bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được thu gom vào các bể chứa đúng quy định.
“Giai đoạn 2022 - 2024, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai tổ chức các lớp tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống đồng bào DTTS, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, bà Lê Thị Hồng Quyên cho hay.