Chủ trì Hội nghị có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Nguyễn Lâm Thành, Quàng Văn Hương và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh. Dự hội nghị có Lãnh đạo Hội đồng dân tộc và Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và các cơ quan báo chí trực tiếp tham gia thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và Miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2021.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội Nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho biết: Như chúng ta đã biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành vào ngày 23/5/2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức sau thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong tình hình hiện nay, đại dịch Covid-19 mặc dù đã được khống chế cơ bản nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động chung của đất nước và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động bầu cử.
Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói riêng.
Qua thực tiễn nhiệm kỳ khóa XIV vừa qua cho thấy: Việc đồng bào các dân tộc tham gia tích cực và bầu chọn được các đại biểu Quốc hội thực sự ưu tú, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đã góp phần không nhỏ vào thành công của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chia sẻ với báo chí tại Hội nghị |
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Hội đồng Dân tộc đã ghi dấu ấn lịch sử trong hoạt động của mình khi đã đề xuất, tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thông qua khoản 1 Điều 68a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và 02 nghị quyết quan trọng với tuyệt đại đa số phiếu tán thành: (1) Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Có thể nói, đây là những quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội ban hành 02 nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc, cũng là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia.
Để Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục kế thừa và phát huy các kết quả, thành tựu đã đạt được, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các đại biểu Quốc hội, bầu chọn được các đại biểu thực sự tiêu biểu tham gia Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
Với ý nghĩa quan trọng đó, công tác thông tin, tuyên truyền cần phải được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn để hướng tới các mục tiêu chính là giúp đồng bào các dân tộc nắm chắc, hiểu rõ và thực hiện tốt các nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức của cuộc bầu cử, tích cực tham gia và vận động người thân, cộng đồng nhiệt tình ủng hộ, cùng tham gia bầu cử để hoàn thành quyền lợi, trách nhiệm của cử tri, công dân; về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; không để các thế lực thù địch và kẻ xấu kích động, lôi kéo, chống phá; không khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự hoặc có hành vi cản trở cuộc bầu cử tại địa phương…
Thứ hai, nghiên cứu kỹ và nắm rõ lý lịch của các ứng cử viên, lựa chọn và bầu ra đại biểu là những người thực sự ưu tú, có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, nắm chắc chính sách dân tộc, gắn bó mật thiết và hiểu phong tục, tập quán, nói lên được nguyện vọng của đồng bào, đặc biệt là các ứng cử viên tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người dân tộc rất ít người; thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Đây sẽ là những nhân tố tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian tới.
Thứ ba, cùng với việc tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động của cuộc bầu cử, phải chấp hành nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời không để xảy ra tình trạng tâm lý e ngại dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc tham gia bầu cử.
Ông Quàng Văn Hương cũng đề nghị các đại biểu dự hội nghị tích cực tham gia ý kiến, đề xuất các biện pháp, cách thức triển khai thực hiện phù hợp, hữu hiệu nhất để kế hoạch được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần vào tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, qua đó thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và quy định của khoản 4 Điều 5 Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.
Quang cảnh Hội nghị |
Thông tin đến các cơ quan báo chí về ý nghĩa của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025 sẽ diễn ra ngày 23/5/2021 tới đây, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã triển khai những nội dung quan trọng của cuộc bầu cử đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử cần tập trung hướng tới tuyến cơ sở, đặc biệt chú trọng tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm môi trường sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy sáng kiến trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Cần thông tin tuyên truyền về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, về tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt là các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ứng cử viên và người dân tộc ít người, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn...
Tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trao đổi trực tiếp với đại diện các cơ quan báo chí về công tác phối hợp, công tác tuyên truyền đồng thời cùng chia sẻ tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyên truyền về Ngày hội bầu cử trong năm 2021 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh đề nghị các cơ qua của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc để có những định hướng tốt nhất cho các cơ quan báo chí có cơ sở để tập trung cho các đối tượng dân tộc thiểu số và miền núi. Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan báo chí, với tôn chỉ mục đích của mình lựa chọn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác này. Đặc biệt, bà cũng mong muốn các Nhà báo, Phóng viên dành nhiều thời gian hơn để có mặt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở vùng DTTS và miền núi để có những bài viết, hình ảnh sinh động về đời sống của đồng bào nhất là trong dịp bầu cử sắp tới.
"Định hướng cụ thể về công tác tuyên truyền bầu cử này, Ủy ban Dân tộc đã và sẽ tiếp tục có những công văn nêu hàng loạt vấn đề trọng tâm trong công tác tuyên truyền trong đó có nhiệm vụ quan trọng đó là tuyên truyền cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025 sẽ diễn ra ngày 23/5/2021 tới đây với trách nhiệm cao nhất của các nhà báo, các cơ quan báo chí đối với đồng bào DTTS và miền núi..." - Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.