Môi trường

Tuyên truyền sâu rộng đến doanh nghiệp, người dân

Nguyễn Dũng - (thực hiện) 28/09/2023 - 16:09

(TN&MT) - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến với người dân và doanh nghiệp, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở Thanh Hóa đã có bước tiến triển rõ rệt; tỷ lệ chất thải rắn, chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt được thu gom xử lý tăng hàng năm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhân Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023.

anh-1-ong-nguyen-khanh-toan-pho-gd-so-tn-mt-thanh-hoa.jpg
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa

PV: Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề “Chung tay hành động làm cho thế giới sạch hơn” nhằm truyền tải thông điệp tới cộng đồng cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện Công văn số 7294/BTNMT-TTTT ngày 30/8/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 11/9/2023 về Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian diễn ra Chiến dịch hàng năm được các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định là thời gian tổ chức đợt cao điểm về BVMT, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch ngay từ đầu năm và tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động BVMT vào dịp diễn ra Chiến dịch như trồng thêm cây xanh, dọn vệ sinh khuôn viên trong và ngoài cơ quan, công sở, khu vực công cộng, khơi thông cống rãnh.

Cùng với đó, tổ chức các lễ mít tinh hưởng ứng Chiến dịch, tổ chức các lớp tập huấn, các hội thảo, tọa đàm về bảo vệ môi trường. Tập trung tuyên truyền và tổ chức hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 trên toàn tỉnh.

hinhanh.jpg

PV: Được biết, trong những năm qua, Thanh Hóa là tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn. Xin ông cho biết những kết quả đạt được?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa đều ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn. Đến nay, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, hiện tượng vứt rác bừa bãi đã giảm đi nhiều so với trước đây, trên các tuyến đường giao thông chính hiện nay, không còn thấy các bãi rác tự phát, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn trước. Hiện tượng vỏ bao bì vứt bừa bãi trên đồng ruộng hầu như không còn, người dân đã có ý thức trong việc thu gom bỏ vào các thùng chứa được đầu tư tại khu vực đồng ruộng. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý tăng hàng năm: Năm 2021 đạt 89%; Năm 2022 đạt 89,02%; Năm 2023 đạt 90%. Nhiều địa phương đã triển khai, hướng dẫn bà con phân loại rác, ủ rác thải dễ phân hủy làm phân bón hữu cơ, góp phần làm giảm rác thải phải xử lý.

Hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh chất thải nguy hại với số lượng lớn đã hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại đảm bảo quy định. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, đã xác định công tác bảo vệ môi trường phải đi đôi với sản xuất.

Các cơ quan, công sở và người dân cũng đã ý thức hơn trong việc giảm sử dụng các đồ nhựa một lần nhằm giảm rác thải nhựa như: Dùng các bình đựng nước, cốc uống nước bằng sành, sứ dùng nhiều lần thay cho chai nhựa đựng nước; phân loại rác thải nhựa để tái chế, tái sử dụng; Sử dụng hộp nhựa dùng nhiều lần mua thức ăn thay cho túi ni lông...

PV: Xin ông cho biết Kế hoạch thực hiện Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn cho những năm tiếp theo ở Thanh Hóa sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ TN&MT, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn hằng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

Trong đó, tập trung tuyên truyền cho người dân giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phân loại triệt để rác thải để tăng cường tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý. Tuyên truyền các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc trường hợp phải cấp phép môi trường, trong quá trình kiểm tra cấp phép là dịp để Sở hướng dẫn các đơn vị cải tạo, thực hiện đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường nhằm xử lý chất thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn vào các năm sau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền sâu rộng đến doanh nghiệp, người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO